Trạm Tấu là nơi có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao do chuẩn bị bước vào vụ hanh khô. Để hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy rừng, lực lượng kiểm lâm và Ban quản lý rừng phòng hộ đã lên phương án thành lập 50 tổ bảo vệ rừng, sẵn sàng ứng phó với phương châm '4 tại chỗ'.
Thành lập 50 đội phòng chống ‘giặc lửa’ trên 45.000 ha rừng
Trạm Tấu là nơi có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao do chuẩn bị bước vào vụ hanh khô. Để hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy rừng, lực lượng kiểm lâm và Ban quản lý rừng phòng hộ đã lên phương án thành lập 50 tổ bảo vệ rừng, sẵn sàng ứng phó với phương châm '4 tại chỗ'.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 2 vụ cháy rừng ở xã Bản Mù và Túc Đán. Các vụ cháy đã làm thiệt hại nhiều diện tích rừng. Mùa khô hanh ở Trạm Tấu kéo dài dài từ tháng 10 - tháng 11 năm trước đến tháng 4 - tháng 5 năm sau, kèm theo gió lào thổi mạnh. Thời điểm này lại trùng với mùa đốt nương, đốt đồng cỏ chăn thả gia xúc của người dân nên nguy cơ cháy rừng luôn ở mức báo động.
Trước tình hình đó, bước vào vụ hanh khô, lực lượng Kiểm lâm địa bàn và cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ đã phối hợp với các xã, thị trấn thực hiện rà soát toàn bộ nương rẫy trong rừng, ven rừng, chi tiết về địa danh, địa điểm, trạng thái thực bì trên mảnh nương, chủ nương và số điện thoại để quản lý chặt chẽ. Việc này, được thực hiện quyết liệt nên đã hạn chế xảy ra cháy rừng.
PB Ông HẢNG A HÀNH - Phó chủ tịch UBND xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái:
“Xã cũng đã phân công các tổ công tác phối hợp với các thôn và ngành chức năng đi từng thôn để thống kê, rà soát các mảnh nương của người dân ở gần rừng bìa rừng. Có tất cả 25 mảnh thì bà con đã đốt 2 mảnh, còn 23 mảnh chưa đốt. Chính quyền tuyên truyền bà con không đốt nương.”
Huyện Trạm Tấu có địa hình phức tạp, giáp ranh nhiều địa phương trong tỉnh và tỉnh Sơn La, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, tình trạng vi phạm luật Lâm nghiệp trên địa bàn vẫn diễn ra. Toàn huyện hiện có hơn 45.000 ha đất có rừng, trong đó rừng phòng hộ gần 34.000 ha và gần 12.000 rừng sản xuất.
Để hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy rừng, ngay từ đầu vụ khô, huyện Trạm Tấu đã kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững ở các xã, thị trấn; thành lập các tổ cơ động bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) ở các địa phương với hơn 250 thành viên. Ngoài ra, các thôn, bản đã thành lập hơn 50 tổ, đội bảo vệ rừng, PCCCR, xây dựng lịch trực PCCCR, sẵn sàng ứng phó kịp thời các tình huống theo phương châm “4 tại chỗ”.
PB Ông NGUYỄN DUY SƠN - Hạt phó Hạt kiểm lâm Trạm Tấu - Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái:
“Đơn vị thường xuyên chỉ đạo cán bộ Kiểm lâm địa bàn duy trì thường trực 24/24h tại địa bàn, nắm bắt kịp thời thông tin khi có cháy rừng xảy ra. Thực hiện tốt công tác quản lý nương rẫy, nghiêm cấm bà con đốt nương trong thời gian cao điểm có nguy cơ cháy rừng.”
Bên cạnh tổ chức tuyên truyền pháp luật bảo vệ rừng gắn với việc PCCCR, ký cam kết với từng hộ dân, Hạt Kiểm lâm đã phối hợp cùng Ban Quản lý rừng phòng hộ và các địa phương hướng dẫn bà con xử lý thực bì bằng biện pháp đốt có kiểm soát. Đầu tư thiết bị, dụng cụ PCCCR, các công cụ thủ công như vỉ dập lửa, dao phát cấp trực tiếp cho các thôn; tập kết các thiết bị cơ giới sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi cháy rừng xảy ra.
PB Ông PHẠM THÀNH ĐÔ - Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái:
“Nguyên nhân xảy ra cháy rừng ở địa bàn chủ yếu do việc người dân bất cẩn trong việc sử dụng lửa. Bằng nhiều biện pháp tuyên truyền như họp thôn, cho người dân ký cam kết không đốt nương trong những ngày nắng nóng. Quản lí chặt chẽ người vào rừng trong mùa khô hanh.”
Với phương châm “Phòng là chính, chữa cháy rừng kịp thời, triệt để”, Hạt Kiểm lâm thường xuyên theo dõi thông tin về tình hình thời tiết để dự báo, cảnh báo cháy rừng trên phương tiện thông tin đại chúng đến địa bàn và các chủ rừng để người dân biết và phòng ngừa. Xây dựng, tu sửa hệ thống biển cấp dự báo cháy rừng, chòi canh lửa ở những vị trí xung yếu có tầm nhìn hợp lý, lắp đặt hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống quan sát để theo dõi. Lập bản đồ xác định các vùng trọng điểm, vùng có nguy cơ cháy cao, từ đó có giải pháp phù hợp với từng khu vực, địa bàn một cách hiệu quả nhất.