Huyện Trấn Yên trồng hơn 4.200ha tre nguyện liệu tập trung, sản lượng măng thương phẩm hàng năm đạt khoảng 30.000 tấn. Với giá thu mua từ 5.800 đến 6.000 đồng/kg, mỗi hecta măng Bát Độ người dân có thu nhập trên 50 triệu đồng, thâm canh cao có thể đạt 70 đến 80 triệu đồng/ha.
Nông dân Trấn Yên phấn khởi vào vụ măng Bát Độ
Khắp những cánh rừng ở các xã vùng cao của huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) bà con nông dân đang hối hả lên rừng thu hoạch măng tre Bát Độ.
Gia đình chị Hà Thị Kiều Trang, người dân tộc Tày ở thôn Đồng Cát, xã Kiên Thành (huyện Trấn Yên) có hơn 3,5 ha tre Bát Độ. Thấy được hiệu quả kinh tế của cây tre Bát Độ, gia đình chị chuyển đổi dần các diện tích cây trồng hiệu quả thấp như keo, bồ đề và vườn tạp để trồng tre. Theo chị Trang: “Vườn tre trồng từ năm thứ 3 trở đi là được thu hoạch, thời gian có măng kéo dài hơn 3 tháng nên giúp gia đình tôi có thu nhập ổn định. Vài năm gần đây, mỗi vụ măng gia đình chị đều có thu nhập trên 100 triệu đồng, năm 2022, giá măng tăng lên gấp rưỡi so với năm trước nên thu được trên 150 triệu đồng. Năm nay, mới chỉ đầu vụ nhưng gia đình chị đã thu được gần 5 tấn măng thương phẩm, giá trị thu nhập gần 30 triệu đồng.
PB chị Hà Thị Kiều Trang – xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên, Yên Bái:
“Người dân chúng tôi rất phấn khởi vì năm nay măng phát triển tốt, cho thu nhập ổn định. Giá măng thương phẩm thì có chiều hướng ngày càng tăng lên, năm nay giá trung bình từ 5.700 – 6.000 đồng/kg, từ đó đã tạo cho người dân chúng tôi phát triển kinh tế ngày càng bền vững hơn”.
Khoảng hơn 11 giờ trưa ngày 15/7, tại điểm thu mua măng Bát Độ tại thôn Đồng Cát, phóng viên chứng kiến cảnh người dân tấp nập trở măng về cân bán cho cơ sở này. Giá măng cao và ổn định, giúp cho người dân chúng tôi rất phấn khởi; từ đó tiếp thêm động lực để chăm sóc tốt các diện tích tre Bát độ cũng như nâng cao ý thức trong thu hoạch măng theo kỹ thuật nên sản lượng, chất lượng măng thu hái đều được nâng lên.
Đến nay, huyện Trấn Yên hình thành vùng trồng tre nguyện liệu tập trung hơn 4.200 ha, trong đó diện tích kinh doanh cho thu hoạch là 3.364 ha, sản lượng măng thương phẩm hàng năm đạt trung bình 30.000 tấn. Với giá thu mua măng trung bình từ 5.800 – 6.000 đồng/kg, mỗi ha măng Bát Độ người dân có thu nhập trên 50 triệu đồng, diện tích thâm canh cao có thể đạt 70 – 80 triệu đồng/ha.
PB anh Trương Trường Giang – nhân viên kỹ thuật Công ty Cổ Phần Yên Thành:
“Để thuận tiện cho người dân bán sản phẩm, công ty đã đặt các điểm cân măng ở các vùng trồng tre tập trung. Tại xã Kiên Thành công ty đã đặt 3 điểm thu mua lớn và các đại lý thu mua nhỏ rải rác ở các thôn để người dân thuận tiện vận chuyển, tránh để hư hỏng sản phẩm măng.”
Vụ măng Bát Độ năm 2023, dự ước sản lượng đạt 32.500 tấn măng thương phẩm. Đặc biệt, giá măng thương phẩm năm nay vẫn ổn định như năm 2022, (cao hơn những năm 2021 trở về trước 1,5 – 2 lần) nên giá trị thu nhập của toàn huyện ước đạt gần 200 tỷ đồng. Hiện nay, các công ty như TNHH Vạn Đạt, công ty Cổ phần Yên Thành đã thực hiện liên kết thu mua thông qua các HTX như: Hợp tác xã để thu mua sản phẩm cho người dân. Ngoài ra nhiều tư thương ở các tỉnh Phú Thọ, Hải Dương, Tuyên Quang, Bắc Cạn đã đến thu mua măng củ, măng luộc, măng tươi và sơ chế măng khô.
PB anh Hoàng Ngọc Chấn – Phó chủ tịch UBND xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên, Yên Bái:
“Đến nay xã Kiên Thành có gần 2.000 ha tre Bát Độ, đây là cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương. Do đó, chất lượng, sản lượng măng ngày càng được nâng lên. Việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm rất ổn định nên người dân rất yên tâm gắn bó với cây tre Bát Độ.”
Ngay trước khi bước vào vụ thu hoạch năm nay, Ban quản lý chương trình tre măng Bát Độ của huyện đã chỉ đạo các doanh nghiệp thu mua bố trí lịch cân và thời gian thu mua hợp lý. Thông báo giá thu mua măng sớm đến xã và hộ nông dân và chủ động nguồn vốn để đảm bảo mua hết sản phẩm. Ngoài ra, thực hiện tư vấn, hỗ trợ xây dựng thiết kế logo, tem nhãn, bao bì sản phẩm, xúc tiến thương mại nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ./.