Từ ngày 29/7 đến ngày 3/8, tỉnh Quảng Ninh triển khai tiêm thử nghiệm vacxin dịch tả lợn Châu Phi cho 1.500 con lợn thịt của 120 hộ dân tại hai xã Hải Xuân và Hải Tiến (Móng Cái).
Từ ngày 29/7 đến ngày 3/8, tỉnh Quảng Ninh triển khai tiêm thử nghiệm vắc xin dịch tả lợn Châu Phi cho các hộ chăn nuôi tại hai xã Hải Xuân và Hải Tiến (Tp Móng Cái).
Theo kế hoạch, sẽ có 1.500 con lợn thịt của 120 hộ dân tại 2 xã được tiêm. Vắc xin được sử dụng là AVAC ASF LIVE của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam nghiên cứu, sản xuất.
Các hộ chăn nuôi trên địa bàn bày tỏ sự đồng tình, nhất trí với việc tiêm vacxin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Ông Vương Văn Tân (xã Hải Xuân, TP Móng Cái): Tôi nhất trí vì tiêm vacxin thực tế ra cũng tốt, khi cán bộ thôn đến tôi đã đăng ký tiêm, tôi không ngại gì cả vì tiêm tốt cho mình và cho cả cộng đồng. Tôi mong đàn lợn mạnh khỏe, chóng lớn.
Tại buổi tiêm, các cơ quan chuyên môn đã hướng dẫn kỹ thuật, giám sát quá trình tiêm thử nghiệm; hỗ trợ xử lý rủi ro trong quá trình tiêm phòng vắc xin...
Đối tượng tiêm là lợn thịt khỏe mạnh từ 04 tuần tuổi trở lên. Không tiêm cho lợn nái đang mang thai, nái đang nuôi con và đực giống; không tiêm cho lợn có thể trạng yếu, đang sốt, bị bệnh mãn tính.
Bà Chu Thị Thu Thủy (Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y): Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch triển khai tiêm vacxin dịch tả lợn Châu phi rất cụ thể. Trong đó đánh giá các rủi ro có thể gặp phải và những giải pháp hỗ trợ người dân. Chúng tôi hướng dẫn các hộ dân xử lý những phản ứng có thể xảy ra sau tiêm như lợn bỏ ăn, ăn ít, các hộ cần bổ sung vitamin để tăng cường sức đề kháng. Sau 28 ngày chúng tôi sẽ lấy mẫu để đánh giá mức độ bảo hộ, trên cơ sở đó tham mưu các bước triển khai trên diện rộng".
Sau khi tiêm phòng, chủ hộ chăn nuôi cùng cơ quan chuyên môn thực hiện các biện pháp theo dõi, giám sát trong 21 ngày, thực hiện các biện pháp kỹ thuật và xử lý rủi ro sau tiêm phòng. Kết quả đánh giá sau 28 ngày tiêm phòng vắc xin sẽ làm căn cứ để tham mưu cho tỉnh triển khai các bước tiếp theo.