Việc khai thác tiềm năng, lợi thế trồng cây khôi nhung và một số loại dược liệu dưới tán rừng đã và đang mở ra hướng đi mới cho người dân huyện Trấn Yên.
Gia đình ông Phạm Bá Chiến ở thôn Đầm Hồng, xã Cường Thịnh (huyện Trấn Yên) bắt đầu trồng cây Khôi nhung từ năm 2000. Sau khi thấy bà con hái là Khôi nhung trên rừng về bán cho các tiểu thương, ông mới biết đến cây Khôi và giá trị của nó nên đã đưa loại cây này về trồng trong vườn nhà. Theo ông Chiến: “cây Khôi thuộc loại ưa ẩm và bóng nên có thể trồng xen với một số loài cây khác dưới tán rừng hoặc ven các khe suối, chân đồi, quanh nhà. Là loại cây ít bị sâu bệnh nên chăm sóc không khó. Chỉ cần thường xuyên vun xới quanh gốc, phát cỏ xâm lấn, tưới nước tạo độ ẩm cho cây phát triển tốt. Đến nay, với khoảng 0,6 ha trồng khôi nhung, mỗi năm măng lại thu nhập trên 120 triệu đồng”.
Ông Phạm Bá Chiến – thôn Đầm Hồng, xã Cường Thịnh, Trấn Yên: “Tôi là người đầu tiên mày mò đưa cây Khôi nhung từ rừng tự nhiên về vườn nhà. Đến nay tôi khẳng định đây là loại cây trồng hiệu quả vì vừa có giá trị kinh tế cao lại vừa trồng xen dưới tán rừng nên tiết kiệm được đất trồng. Phía trên là các loại cây rừng trồng lâu năm, ở dưới tán lại được thu hoạch lá Khôi, cứ khoảng 1 tháng rưỡi đến 2 tháng lại được thu hái một lần, như vậy mỗi năm sẽ được thu hái từ 6 lứa trở lên.”
Hiện nay ở huyện Trấn Yên có hơn 100 ha cây dược liệu, trong đó có gần 80 ha cây Khôi nhung, được trồng tập trung ở các xã có nhiều diện tích đất cây lâm nghiệp lâu năm như Kiên Thành, Việt Hồng, Cường Thịnh, Đào Thịnh. Trong các bài thuốc đông ý, lá Khôi nhung là vị dược liệu quý dùng để chữa các bệnh như đau dạ dày, tiểu đường, tim mạch…, có tác dụng kháng viêm rất an toàn, không có tác dụng phụ. Cây Khôi nhung có thời gian từ lúc trồng đến thu hoạch ngắn, không tốn nhiều công chăm sóc và phân bón, trung bình năm đầu tiên thu hoạch từ 2- 3 lứa, từ năm thứ 2 trở đi thu hoạch mỗi năm từ 5 - 7 lứa, mỗi lứa cách nhau từ 40 – 45 ngày. Lượng lá thu hoạch mỗi lứa đạt từ 0,2 - 0,5kg lá tươi/cây, lượng thu các năm sau luôn nhiều hơn năm trước. Cây khôi nhung một lần trồng cho thu hoạch trên 10 năm, trồng với mật độ từ 8.000 cây/ha, từ năm thứ 2 trở đi sẽ cho thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/ha/năm.
PB Anh Phạm Văn Tiến – Chủ tịch Hội nông dân xã Đào Thịnh, Trấn Yên: “Thực tế các loại cây dược liệu chủ yếu mọc trong môi trường tự nhiên. Chính vì vậy chúng tôi vận động bà con phát triển diện tích các loại cây dược liệu như cây Khôi nhung dưới tán rừng. Áp dụng phương thức sản xuất hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, như thể vừa đảm bảo nguồn đất và nước sạch tự nhiên.”
Việc phát triển cây dược liệu dưới tán rừng không chỉ góp phần bảo tồn nguồn gen các loại cây thuốc quý, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân mà còn tạo ra vùng nguyên liệu bền vững cho ngành Y học cổ truyền. Thời gian tới huyện Trấn Yên sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân phát triển các loại cây dược liệu dưới tán rừng như: cây Khôi nhung, Sơn thục, nghệ... Đồng thời đẩy mạnh việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các loại cây dược liệu, các sản phẩm chế biến từ nguồn gốc các loại cây dược liệu của huyện./.