| Hotline: 0983.970.780

'Đánh thức' các Vườn Quốc gia

Bản người Dao dưới chân Vườn Quốc gia Ba Vì

Thứ Ba 09/05/2023 , 06:55 (GMT+7)

Gần 60 năm trước, hàng chục hộ dân người Dao quần chẹt du canh du cư trên núi Ba Vì ở độ cao 700 - 800m. Bản khi đó có tên là 'bản Che Tai'.

Câu chuyện về cuộc hạ sơn của bản người Dao quần chẹt được trưởng thôn Yên Sơn (xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội) Lý Thị Lân kể như một thước phim quay chậm về chặng đường rất dài - 60 năm, ngót một đời người của cộng đồng người Dao ở Thủ đô. Nó là một phần lịch sử của cộng đồng người Dao quần chẹt - nhóm dân tộc thiểu số duy nhất ở Thủ đô đang sinh sống quần cư dưới chân núi Ba Vì, giáp ranh Vườn Quốc gia Ba Vì.

Empty

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan thăm cộng đồng người Dao tại xã Ba Vì, huyện Ba Vì thời điểm tháng 2/2023. Ảnh: Minh Phúc.

Năm 2013, thành phố Hà Nội công nhận Yên Sơn là làng nghề thuốc nam của cộng đồng người Dao, do người Dao bản địa sản xuất, điều chế với khoảng 500 bài thuốc dân gian được kế thừa từ cha ông hàng trăm năm trước. Đây chính là tấm “giấy thông hành” để bà con đưa được sản phẩm thuốc nam do mình sản xuất ra thị trường tiếp thị một cách bài bản, có hệ thống và đúng pháp luật.

Nghề thuốc truyền thống của tổ tiên đã giúp gần 300 hộ dân người Dao với tổng dân số hơn 1.000 nhân khẩu đạt mức thu nhập 65 triệu đồng/năm, chính thức xóa hết nghèo. 

Cuộc sống bình yên

Quãng năm 1963, nghe theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước, bản người Dao treo mình giữa lưng chừng rừng già ở độ cao 700 - 800m đã đồng lòng làm một cuộc cách mạng... hạ sơn.

Picture9

Người Dao Yên Sơn thu hoạch cây dược liệu làm thuốc nam truyền thống của cha ông. Ảnh: Kiên Trung

Nơi ở mới của bà con là thung lũng ngay dưới chân núi Ba Vì, ở độ cao dưới 100m. Thung lũng này, bao nhiêu năm trước, từ trên cao bà con vẫn nhìn xuống, không lạ. Nhưng, sẽ là những điều hoàn toàn mới, phải thay đổi phương thức canh tác, từ du canh du cư, phát rừng làm rẫy, săn bắt hái lượm… sang trồng trọt, tự làm ra cái ăn. Hạ sơn có nghĩa là tách mình ra khỏi rừng!

“Bản cũ có tên là bản Che Tai, nguyên cớ bắt nguồn từ việc người dân ngày ngày đi vào rừng kiếm sống, bị lá cây rừng sắc nhọn phạt ngang mặt, phải lấy mũ, lấy vải che tai để không bị xây xước. Khi hạ sơn, người già chọn tên “Yên Sơn” để đặt cho vùng đất mới, có nghĩa là “yên bình, yên ổn dưới chân núi”, trưởng thôn Lý Thị Lân dẫn giải.

Khi đó, một số xã như Ba Vì, Ba Trại… nhường cho bà con một khu đất bằng phẳng, chia bình quân theo hộ được khoảng 6 thước cho đến 3 sào, tùy theo ít hay nhiều nhân khẩu. Học cách canh tác, trồng trọt của người miền xuôi nhưng nhà nào cũng dành một khoảnh để trồng cây thuốc nam, duy trì thứ mà sau này sẽ giúp họ thoát nghèo.

“Các cụ thế hệ bà nội tôi khi đó mỗi người quẩy theo một túi lưới nhìn như một chiếc rọ, mặc trang phục dân tộc người Dao, bên trong là các thứ thuốc của người Dao Ba Vì để đi bán dạo. Đôi chân lội bộ hàng trăm km, triền miên từ các tỉnh đồng bằng đến tận Nghệ An, Hà Tĩnh…, hết thuốc lại về làng lấy tiếp.

Empty

Làng nghề thuốc Nam dưới chân núi Ba Vì. Ảnh: Huy Bình.

Empty

Một cơ sở làm thuốc nam của gia đình người Dao ở Ba Vì. Ảnh: Huy Bình.

Khi đó, gọi là bán thuốc nhưng thực ra là "hàng đổi hàng", đối lưu bằng hiện vật, người ta trả gạo, ngô, sắn, xong lại địu về. Mỗi một đợt bán thuốc dạo cả tháng trời, đi đến đâu ngủ nhờ, ăn nhờ người dưới xuôi ở đó”.

Thế hệ của vị trưởng thôn bây giờ đã khác. Chị vừa học xong hệ trung cấp của Trường Y học Tuệ Tĩnh, sau đó tiếp tục thực tập thêm vài ba năm tại một hiệu thuốc đông y, và sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề. Khi có chứng chỉ, cơ sở sản xuất thuốc nam của gia đình chị sẽ có đủ “tư cách pháp nhân” theo quy định. Nhiều thế hệ trẻ sau chị Lân cũng đang theo con đường như vậy…

Giờ đây Yên Sơn đã hoàn thành chương trình nông thôn mới. Điện đường trường trạm được đầu tư, nhà văn hóa khang trang, thích nhất là chiếc sân đổ bê tông rộng cả ngàn mét vuông, ngày nắng nỏ là chiếc sân phơi khổng lồ của các loại cây thuốc đã băm chặt, sơ chế. Thuốc hong nỏ nắng thật khô, cất vào kho bảo quản, là “lương khô” của các nhà thuốc cổ truyền.

Người dân “khát” đất trồng dược liệu

Nhà của anh Triệu Thanh Quang (sinh năm 1982) ở ngay ngã ba thôn, sát trục đường liên thôn rộng rãi, phong quang. Bên trong khoảng sân rộng láng xi măng, một nhóm phụ nữ đang tất bật công việc băm chặt cây dược liệu. Đây là công đoạn sơ chế ban đầu.

Empty

Vườn thuốc nam của gia đình anh Triệu Thanh Quang ở thôn Yên Sơn.

Vợ anh Quang lọt thỏm giữa những bó cây thuốc nặng ngót tạ, được người thu mua chở bằng xe máy đưa đến nhà bán cho các cơ sở chế biến thuốc nam. Nhiều năm qua, làng nghề thuốc nam Yên Sơn phải thu mua nguyên liệu từ các tỉnh khác để làm thuốc do không có đất trồng dược liệu tại chỗ.

Dẫn chúng tôi ra thăm khu vườn thuốc nam có diện tích khoảng hơn 100m2, sát bên hông nhà, anh Quang cho hay: Khu vườn ươm giữ một số loại cây thuốc nam quý có nguy cơ tuyệt chủng để giữ giống chứ không nhằm mục đích khai thác, tuy nhiên cây sinh trưởng chậm do không có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp.

Trỏ tay chỉ dẫn từng cây thuốc, anh nói: Có những loại cây thân gỗ, thân thảo, có loại dạng dây leo…, chúng phân bố ở các loại địa tầng khác nhau; có những loại ở dưới thấp, dưới tán cây khác, có những loại tầm gửi, ký sinh…, nó chính là một “khu rừng thu nhỏ” theo sự sắp xếp, phân định của tự nhiên.

z4242704962789_e51331cdd01be0318b97428cb1b3bc2b

Công đoạn sơ chế thuốc làm nguyên liệu của bà con người Dao ở thôn Yên Sơn, xã Ba Vì. Ảnh: Kiên Trung.

Tuy nhiên, hầu hết các hộ làm thuốc nam ở Yên Sơn đều không có đất để trồng cây dược liệu. Điều quan trọng nhất, là những cây thuốc nam thích hợp với khí hậu của các vùng có độ cao trên 400m, nhiệt độ ôn hòa, thấp hơn so với nhiệt độ trung bình của độ cao dưới 100m.

Để giải bài toán nguyên liệu, tại thôn Yên Sơn đã hình thành các nhóm thu gom, vận chuyển nguyên liệu cây thuốc về bán cho các hộ làm thuốc. Họ sẽ đi lấy cây thuốc ở các vùng khác, bó thành những bó to như bó cỏ, vận chuyển bằng xe máy đưa đến tận nhà, bán theo cân. Nhưng nguồn nguyên liệu chủ yếu, là thu mua từ các địa phương khác như Lai Châu, Lào Cai, Lạng Sơn… - những “vựa cây dược liệu” của miền Bắc.

Theo ông Lý Văn Nguyên, chủ cơ sở thuốc nam lớn nhất thôn Yên Sơn, tại vùng núi Ba Vì có khoảng trên 500 loài cây dược liệu, phân thành 118 họ và 321 chi. Hàng trăm năm qua, người Dao bản địa đã sử dụng trong các bài thuốc để điều trị 33 chứng bệnh khác nhau. Tuy nhiên, nguồn gen của các cây dược liệu quý hiếm này đang ngày càng cạn kiệt và bị đe dọa tuyệt chủng do quá trình thu hái không bền vững suốt thời gian dài.

Empty

Thu hoạch cây dược liệu. Ảnh: Kiên Trung.

Empty

Theo người dân, vấn đề mấu chốt của làng nghề thuốc nam Yên Sơn, đó là thiếu đất trồng cây dược liệu. Bà con mong muốn được trồng cây thuốc dưới tán rừng Ba Vì, ở các độ cao 600 - 800m. Ảnh: Huy Bình.

“Người làm thuốc sử dụng tất cả các bộ phận của cây thuốc, từ lá, thân, rễ nên hầu hết người đi khai thác đều nhổ cả gốc mang về, chặt cành hoặc đẽo lấy vỏ đối với cây to; dẫn đến nhiều loài cây thuốc hiện không còn tồn tại ở địa phương như ngồng chan, bèng miến mây, máu người, vằng đằng… dẫn đến hiện tượng chết cây và suy giảm về số lượng. Hiện nay, nhiều hộ gia đình đã gây trồng một số loài tại vườn nhà như mầy sám, ngồng chan, đìa ùi, đìa chụt… Tuy nhiên do diện tích vườn của các hộ gia đình hạn chế, rất ít gia đình có diện tích đủ lớn để gây trồng, phát triển các loài cây dược liệu để khai thác làm nguyên liệu cho chế biến thuốc”, ông Nguyên nói.

Theo ông Nguyên, các cơ sở thuốc nam của Yên Sơn đang lệ thuộc vào nguyên liệu thu mua từ các tỉnh bên ngoài như Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Nghệ An…, chiếm tỷ lệ khoảng 70 - 80%; nguồn khai thác, thu hái từ vườn nhà (chỉ một số loài) chiếm tỷ lệ khoảng 20 - 25%, còn lại là thu hái bên ngoài và các khu vực lân cận.

Empty

Cây thuốc sau khi được sơ chế, băm thái... được phơi khô trên sân nhà văn hóa thôn Yên Sơn. Ảnh: Huy Bình.

Empty

Người Dao Yên Sơn thu lượm thuốc nam đã khô nắng. Ảnh: Kiên Trung.

Trưởng thôn Yên Sơn Lý Thị Lân cho biết, năm 1996, Hội đồng y xã Ba Vì thành lập, tuy nhiên các hoạt động sản xuất thuốc vẫn mang tính chất nhỏ lẻ, tự phát và chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Từ năm 2008, UBND xã Ba Vì thành lập Hợp tác xã Dịch vụ thuốc nam dân tộc Dao Ba Vì nhằm khai thác và bảo tồn hiệu quả tri thức dân gian về nghề thuốc nam cũng như bảo tồn nhiều loài dược liệu quý và đưa nghề thuốc truyền thống này phát triển, đem lại thu nhập ổn định cho đồng bào.

4 năm sau, năm 2012, Công ty Cổ phần Thuốc người Dao Ba Vì gồm những công ty nhỏ của cộng đồng người Dao (chiếm hơn 50% vốn) và do đồng bào góp vốn, góp đất, góp bí quyết bài thuốc, góp nguyên vật liệu xây dựng... chính thức đi vào hoạt động. Nhiều bài thuốc gia truyền được nghiên cứu một cách khoa học tại trường Đại học Dược Hà Nội rồi sau đó chuyển giao lại cho các lương y dưới dạng góp cổ phần. Người Dao tham gia như nhân viên công ty, hợp đồng trồng và cung cấp dược liệu cho công ty.

Đến nay, toàn xã có 301 hộ kinh doanh hoạt động dịch vụ thuốc nam, trong đó có một nhà thuốc gia truyền (hộ gia đình lương y Lý Văn Nguyên); 24 hợp tác xã kinh doanh thuốc nam; mạng lưới các hộ kinh doanh cá thể về thuốc nam, kinh doanh nguyên liệu cung cấp cho các nhà thuốc.

“Về mặt pháp lý đã có thể yên tâm, nhưng lâu dài, đó là nguyên liệu sản xuất, vùng quy hoạch trồng cây thuốc người Dao. Làng nghề mong muốn được cho chủ trương gieo trồng cây thuốc dưới tán rừng, vừa bảo tồn nguồn gen thuốc quý hiếm bản địa, vừa khai thác hiệu quả hơn tài nguyên đất rừng”, trưởng thôn Yên Sơn chia sẻ.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.