Từ bao đời nay, nông dân Bình Thuận quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng vẫn khó khăn vì ruộng đồng thiếu nước tưới. Thế nhưng, từ khi có các công trình thủy lợi được đầu tư, nguồn nước được đưa về tưới mát cho những cánh đồng khô hạn.
Bình Thuận là tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, có nhiều nắng và gió với lượng mưa thấp, lượng bốc hơi cao. Do vậy, Bình Thuận được xem là một trong những địa phương khô hạn nhất cả nước. Trước thực tế đó, việc đầu tư hệ thống thủy lợi được xem là yêu cầu cấp thiết và là niềm mong mỏi của người dân nơi đây.
Được sự hỗ trợ của Trung ương, cùng sự tập trung nguồn lực của địa phương, nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã được đầu tư xây dựng nhằm phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của nhân dân, cũng như hướng đến phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Trước kia, khi nhắc đến Bình Thuận khiến luôn gợi nhớ về một vùng đất có khí hậu khắc nghiệt, “thiếu mưa thừa nắng”, đất đai cằn cỗi, chỉ có những cây xương rồng già nua, xơ xác trụ lại.
Diện tích canh tác hầu hết là đất pha cát bạc màu, thiếu nước nên người nông dân loay hoay dãi nắng cả năm với một vụ lúa bấp bênh, năng suất và sản lượng rất thấp.
Để mở lối ra cho nông nghiệp phát triển, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương, ngân sách tỉnh và nhân dân đóng góp, Bình Thuận đã đầu tư hình thành một hệ thống thủy lợi đầu mối quan trọng, đưa nguồn nước về tưới mát cho những cánh đồng khô hạn.
Từ những ngày đầu với bước đi chập chững, chỉ có vài công trình kênh mương quy mô nhỏ không đáng kể, đến nay khi Bình Thuận đưa vào hoạt động các công trình thủy lợi, hồ chứa và hệ thống kênh nối mạng, không chỉ giúp địa phương chủ động nguồn nước sản xuất mà còn khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, qua đó tăng cao thu nhập cho người dân; góp phần làm thay đổi toàn diện kinh tế xã hội của tỉnh Bình Thuận. Những vùng đất khô cằn ngày nào giờ đã nhanh chóng hồi sinh.