Các hồ chứa xây dựng từ thập niêm 90 bị xuống cấp
Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, hiện nay, toàn tỉnh có 40 hồ thủy lợi với dung tích toàn bộ hơn 441 triệu m3, tổng năng lực thiết kế hơn 60.300ha. Trong đó, có 18 hồ chứa nước lớn, 10 hồ chứa nước vừa và 12 hồ chứa nước nhỏ.
Vừa qua, Sở NN-PTNT phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, Chi cục Thủy lợi, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, đánh giá bằng trực quan về hiện trạng đập, hồ chứa và các công trình thủy lợi đang khai thác sử dụng.
Kết quả cho thấy 10/40 hồ chứa có nguy cơ mất an toàn cao gồm Bo Bo, Năm Heo, Suối Đá, Cà Giang (xã Hàm Hiệp), Sông Quao, Giếng Cỏ, Sông Dinh 3, Lâm trường Sông Dinh, Cà Giây, Sông Móng. Ngoài ra, có 2 đập bị thấm là Cà Giây và đập phụ 3 hồ Sông Quao. 9 hồ gồm Cà Giây, Bo Bo, Năm Heo, Bông Dâu, Cà Giang, Hàm Hiệp, Giếng Cỏ, Sông Móng, Sông Dinh 3, Lâm trường Sông Dinh có tình trạng biến dạng mái đập như sạt lở, trượt mái thượng, hạ lưu.
Ông Hồ Đắc Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận cho biết, hiện nay phần lớn các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh được xây dựng từ thập niên 90 nên điều kiện về nguồn vốn, kỹ thuật thi công, năng lực thiết kế, tài liệu phục vụ tính toán còn nhiều hạn chế. Qua hàng chục năm khai thác sử dụng nhưng đến nay chưa bố trí đủ kinh phí để đầu tư sửa chữa. Do đó vẫn còn một số hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao khi tích nước.
Ngoài ra, nhiều hồ chứa thiếu hồ sơ thu hồi đất nên khi tổ chức triển khai đầu tư cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa khó khăn. Mặt khác, chưa đầu tư lắp đặt trạm đo mưa đầu nguồn và hệ thống cảnh báo lũ hạ du nên khó khăn trong việc dự báo và cảnh báo lũ ở vùng hạ du khi hồ xả lũ.
Kiến nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ khắc phục
Theo ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận, trong những năm qua Trung ương và tỉnh đã bố trí nhiều nguồn vốn để tu sửa, nâng cấp hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên đến nay vẫn còn một số hồ chưa bố trí được kinh phí sửa chữa nâng cấp. Vì vậy, trong 10 hồ chứa thủy lợi bị hư hỏng trên hiện mới có 2 hồ Cà Giây và Sông Móng đã bố trí kế hoạch vốn sửa chữa, nâng cấp trong năm 2024.
Riêng 8 hồ còn lại trước mắt địa phương sẽ triển khai thực hiện việc đắp đất hoàn trả các vị trí mái đập bị sạt lở, mặt đập bị lún sụt. Vấn đề này, Sở NN-PTNT đã đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi cân đối nguồn kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi năm 2024 để sửa chữa.
Về lâu dài, để bảo đảm an toàn công trình, nâng cao khả năng chống lũ theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế mới, tránh để xảy ra sự cố vỡ đập, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, công trình hạ tầng kỹ thuật quan trọng ở vùng hạ du thì cần thiết phải đầu tư nâng cấp, tu sửa các hồ chứa nêu trên.
Tuy nhiên do điều kiện ngân sách của tỉnh Bình Thuận rất khó khăn nên trong năm 2024 và những năm tiếp theo, địa phương chưa thể cân đối được kinh phí để khắc phục. Do vậy, Sở NN-PTNT Bình Thuận đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Bộ NN-PTNT, Cục Thủy lợi quan tâm xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ tỉnh nguồn kinh phí để đầu tư nâng cấp, tu sửa 8 hồ chứa này.