Tuyến kênh bê tông ấp Cầu Tre, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh có chiều dài 1.647m và 18 nhánh kênh được đưa vào sử dụng từ năm 2007, làm lợi về kinh tế cho 113 hộ dân canh tác lúa tại địa phương.
Xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần được biết đến là một trong những vùng trồng lúa của tỉnh Trà Vinh. Tuy nhiên, nước là yếu tố sống còn nhất đối với cây trồng thì lại là thứ thiếu thốn nhất tại đây. Do đó UBND tỉnh Trà Vinh đã đầu tư xây tuyến kênh bê tông nổi dẫn nước giúp việc trồng lúa của 113 hộ dân ấp Cầu Tre thuận lợi hơn rất nhiều.
Ông Thạch Văn Trường, ấp Cầu Tre, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh: Ngày xưa chưa có tuyến kênh năng suất lúa rất là thấp cắt một công khoảng 11-12 bao, bây giờ có tuyến kênh bê tông có nước tưới tiêu đầy đủ sản xuất lúa 1 công vụ hè thu 15-16 bao, vụ đông xuân 17-18 bao. Nông dân rất là an tâm sản xuất.
Ông Thạch Khel, ấp Cầu Tre, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần: Ngày xưa chưa có trạm bơm muốn bơm nước vác máy đi bơm, giờ sướng rồi muốn bơm nước bà con gọi điện alo bơm nước cho tôi, ai siêng là lúa trúng hà.
Công trình tuyến kênh bê tông nổi được đưa vào sử dụng từ năm 2007 với chiều dài 1.647m, khi vận hành dẫn nước phục vụ cho khoảng 110ha lúa của nông dân tại ấp Cầu Tre. Theo đó giúp giảm chi phí cho người dân trong việc sử dụng nước và kiểm soát việc xâm nhập mặn. Ngoài ra, người trồng lúa có thể dễ dàng kiểm tra và điều chỉnh lượng nước sử dụng để gặt đồng một cách hiệu quả, kết hợp với việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón. Giúp cây lúa phát triển mạnh mẽ, tốt hơn nhiều so với các khu lân cận. Nhờ vậy, năng suất lúa tại đây đã tăng gần gắp đôi giúp đời sống nông dân cải thiện rất nhiều.
Ông Huỳnh Văn Phép, Cán bộ nông nghiệp xã Phú Cần: Song song đó về phía Phòng NN-PTNT huyện cũng hỗ trợ một trạm đo độ mặn, khi độ mặn dưới một phần nghìn mới đưa nước vào cho bà con. Trước đây năng suất lúa vùng này từ 4-5 tấn, đến khi đầu tư tuyến bê tông năng suất lên gấp đôi, cũng không còn hộ nghèo.
Hệ thống kênh bê tông nổi đang giúp người dân ấp Cầu Tre, xã Phú Cần từ một vùng thiếu nước, đã hồi sinh mạnh mẽ. Đối với nhà nông, hệ thống kênh bê tông nổi dẫn nước giúp họ tiết kiệm được thời gian và tiền bạc trong việc canh tác. Giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đồng thời góp phầnbảo vệ tài nguyên nước và môi trường trong sản suất nông nghiệp.