| Hotline: 0983.970.780

Làng quê vắng vẻ bỗng nhộn nhịp vì vườn nho lớn nhất tỉnh Trà Vinh

Thứ Hai 22/05/2023 , 18:41 (GMT+7)

TRÀ VINH Anh Trần Văn Mến đầu tư tiền tỷ gây dựng vườn nho lớn nhất tỉnh Trà Vinh, canh tác theo hướng hữu cơ để phục vụ khách tham quan.

Mê nho quên vợ 

Long Sơn là xã vùng sâu của huyện Cầu Ngang (Trà Vinh), đồng bào dân tộc Khmer chiếm hơn 50% dân số của xã. Bà con nông dân nơi đây chủ yếu trồng lúa và hoa màu trên đất giồng (đất pha cát tự nhiên).

Thời gian gần đây, làng quê vắng vẻ này bỗng nhộn nhịp hẳn vào những ngày cuối tuần, lễ, Tết bởi du khách đến tham quan vườn nho độc, lạ duy nhất tại địa phương. Nơi đây có nhiều giống nho quý như ngón tay đen, ngón tay đỏ, nho xanh Ninh Thuận, Nam Phi…

Anh Mến rất đam mê chăm sóc vườn nho. Ảnh: Hồ Thảo.

Anh Mến rất đam mê chăm sóc vườn nho. Ảnh: Hồ Thảo.

Chủ vườn nho này là anh Trần Văn Mến ở ấp Ô Răng, xã Long Sơn (huyện Cầu Ngang). Anh Mến cho biết, trong một lần cùng vợ tham quan vườn nho của một người bạn, nhìn thấy mê quá, cộng thêm máu đam mê làm nông, anh quyết định mua 5.000m2 đất để thực hiện đam mê của mình. Số tiền anh đầu tư ban đầu lên tới gần 4 tỷ đồng, gồm tiền đất, tiền thuê nhân công cải tạo, tiền mua cây giống...

“Nặng nhất là tiền cây giống, tôi mua với giá 120 nghìn đồng/cây, lúc đầu do chưa biết nhiều về kỹ thuật chăm sóc và đặc tính của cây nho nên tôi trồng đúng mùa mưa, dẫn đến cây bị úng nước chết hết một nửa. Có người thấy xót khuyên tôi bỏ cuộc, họ nói trồng nho tốn kém mà lại quá cực khổ, chắc gì có trái", anh Mến kể.

Thất bại không nản, anh bắt đầu học hỏi thêm kinh nghiệm thông qua những người bạn ở Ninh Thuận vốn rất lành nghề trồng nho. Bên cạnh đó, anh cũng tự học hỏi, nghiên cứu rút kinh nghiệm trong quá trình thực tế. Có những hôm anh ở ngoài vườn chăm sóc cây đến quên vợ đang chờ cơm. Hàng xóm nói đùa anh mê nho hơn mê vợ. Đúng với câu nói "lửa thử vàng, gian nan thử sức", bằng sự kiên trì và ý chí quyết tâm, đến nay vườn nho của anh đã cho trái và phát triển xanh tốt.

Nho tại vườn anh Mến bán với giá từ 200 - 250 nghìn đồng/kg. Ảnh: Hồ Thảo.

Nho tại vườn anh Mến bán với giá từ 200 - 250 nghìn đồng/kg. Ảnh: Hồ Thảo.

Theo kinh nghiệm của anh Mến, để trồng nho đạt hiệu quả, quan trọng nhất là khâu quản lý bệnh trên cây. Người trồng nên thường xuyên thăm cây, hạn chế xử lý các loại hóa chất, chủ yếu là sử dụng những chế phẩm sinh học để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Đặc biệt cây nho không chịu nước nhiều, nhất là phải hạn chế làm ướt lá, thân cây nên người trồng chủ yếu tưới nước tại gốc, sử dụng phân hữu cơ vi sinh để bón giúp nho phát triển phù hợp. Giai đoạn nho cho trái, anh Mến không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ dùng phân bón vi sinh và bọc trái bằng túi giấy hoặc nilon để tránh chim và côn trùng phá hoại.

Nói về lý do trồng nhiều giống nho, anh Mến cho biết để nghiên cứu và thử nghiệm nhằm chọn giống nào sai trái, chống chịu được bệnh tốt mới trồng đại trà. Anh dự định sẽ trồng thêm 8.000m2 giống nho ngón tay đen và ngón tay đỏ. Bởi giống này có đặc điểm hình dạng quả thon dài, còn nhỏ màu xanh nhưng khi chín chuyển sang màu tím đỏ, tím đen bắt mắt, không hạt, ăn giòn ngọt nên được người tiêu dùng ưa chuộng, giá thị trường khoảng 250.000 - 300.000 đồng/kg.

Trồng nho gắn với du lịch

Chị Nguyễn Thị Lan Phương ngụ tại huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) đến tham quan vườn nho thích thú chia sẻ: “Tôi biết đến vườn nho Long Sơn qua mạng xã hội nên đến tham quan để tìm hiểu cây nho ở ngoài như thế nào. Đến đây và ngắm những chùm nho trĩu quả, biết được chủ vườn trồng theo hướng hữu cơ sinh học nên mua về ăn tôi cũng yên tâm”.

Bên cạnh phục vụ khách tham quan, anh Mến còn thực hiện ý tưởng trồng nho trên chậu phục vụ khách có nhu cầu mua về làm cây cảnh tại nhà. Anh chăm sóc cẩn thận các chậu, dưỡng trái để bán cho ai có nhu cầu mua về vừa làm cảnh vừa có nho sạch để ăn. Anh còn sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật cho bà con có nhu cầu tìm hiểu để nhân rộng mô hình này.

Anh Mến cắt tỉa cành nho theo từng đợt để đảm bảo vườn có trái quanh năm phục vụ khách tham quan. Ảnh: Hồ Thảo.

Anh Mến cắt tỉa cành nho theo từng đợt để đảm bảo vườn có trái quanh năm phục vụ khách tham quan. Ảnh: Hồ Thảo.

Ông Kim Sophan, cán bộ nông nghiệp xã Long Sơn cho biết, anh Mến là người đam mê làm nông nghiệp nên sẵn sàng đầu tư tiền tỷ trồng nho trên vùng đất Long Sơn.

"Nông dân ở đây trồng lúa và hoa màu là chính. Qua quá trình theo dõi, đánh giá, chúng tôi thấy mô hình này làm lợi cho địa phương về mặt quảng bá, thu hút khách tham quan, tạo thêm thu nhập, phù hợp với định hướng phát triển du lịch sinh thái của tỉnh. Chúng tôi hi vọng mô hình này sẽ là bước chuyển đổi trong cách làm kinh tế nông nghiệp tại địa phương", ông Kim Sophan nói.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.