Ban quản lý Vườn Quốc gia Cúc Phương xác định, phát triển du lịch là một trong những mục tiêu quan trọng nhưng không đánh đổi bằng mọi giá, coi phát triển du lịch là một công cụ hữu hiệu để tăng cường hiệu quả công tác bảo tồn, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và nâng cao nhận thức, tình yêu với thiên nhiên.
Vườn Quốc gia Cúc Phương: Du lịch phải gắn với bảo vệ sinh thái, môi trường
Ban quản lý vườn Quốc gia Cúc Phương xác định, phát triển du lịch là một trong những mục tiêu quan trọng nhưng không đánh đổi bằng mọi giá, coi phát triển du lịch là một công cụ hữu hiệu để tăng cường hiệu quả công tác bảo tồn, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và nâng cao nhận thức, tình yêu với thiên nhiên.
Trong đề án phát triển du lịch sinh thái đến năm 2030,Vườn Quốc gia Cúc Phương xác định, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học vẫn là nhiệm vụ số một.
Lấy đó là trọng tâm để phát triển du lịch, hướng tới du lịch sinh thái bền vững, lồng ghép và nâng cao kiến thức, giáo dục trải nghiệm về thiên nhiên, đa dạng sinh học, động vật hoang dã và các loài đặc hữu của Vườn Quốc gia Cúc Phương tới du khách.
Việc phát triển du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Cúc Phương phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về lâm nghiệp, Chỉ thị số 08, ngày 23/2/2024 của Thủ tướng về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững; tích hợp công nghệ số 4.0 vào hoạt động tuyên truyền, giới thiệu và hướng dẫn du khách; chú trọng phát triển theo hướng "mỗi du khách đến Vườn vừa phải có trách nhiệm với thiên nhiên, vừa đóng góp xã hội".
Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ môi trường, sinh thái, Vườn cũng tập trung phát huy những giá trị văn hoá - lịch sử là tiềm năng của Vườn trong các hoạt động du lịch, nhằm đa dạng hoá sản phẩm, trải nghiệm của du khách khi đến với Vườn Quốc gia Cúc Phương.
Ban quản lý vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam xác định, phát triển du lịch là một trong những mục tiêu quan trọng nhưng không đánh đổi bằng mọi giá, coi phát triển du lịch là một công cụ hữu hiệu để tăng cường hiệu quả công tác bảo tồn, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và nâng cao nhận thức, tình yêu với thiên nhiên.
Tập trung nâng cao chất lượng trải nghiệm, chất lượng dịch vụ và chiều sâu cũng như hàm lượng và nội dung, thông điệp truyền tải về môi trường thông qua các hoạt động trải nghiệm, giáo dục, diễn giải môi trường một cách trực quan, sống động và thực tiễn.
Nhiều năm qua, đơn vị vẫn duy trì danh hiệu Vườn Quốc gia hàng đầu Châu Á, đồng thời phấn đấu đạt được các danh hiệu cao quý khác cả trong nước và quốc tế, thu hút được sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa từ cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, cùng sự hợp tác, kết nối với các Vườn Quốc gia/Khu bảo tồn thiên thiên trong và ngoài nước, các đơn vị nghiên cứu và các doanh nghiệp.
Về mục tiêu và định hướng, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Cúc Phương nêu ra 2 vấn đề cụ thể. Thứ nhất là phát triển du lịch sinh thái theo hướng khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên, văn hóa bản địa góp phần đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học của Vườn, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương và tạo ra những trải nghiệm tốt cho du khách.
Thứ hai, định hướng tổ chức không gian và cơ sở vật chất kỹ thuật cho du lịch sinh thái; định hướng phát triển du lịch sinh thái theo cung - cầu; định hướng tăng cường vị thế và hình ảnh của Vườn quốc gia Cúc Phương thông qua phát triển du lịch sinh thái.