Ngành chăn nuôi hoàn thành vượt nhiều chỉ tiêu đến 2025. Xâm nhập mặn đến sớm và khả năng bằng hoặc cao hơn năm trước. Quản trị chuỗi cung ứng để ngành gỗ tiến gần mục tiêu xuất khẩu năm 2025. Giá tiêu trong nước tăng mạnh.
NGÀNH CHĂN NUÔI HOÀN THÀNH VƯỢT NHIỀU CHỈ TIÊU ĐẾN 2025
Theo Cục chăn nuôi, Bộ NN-PTNT, đến nay ngành chăn nuôi đã có 7 chỉ tiêu đạt và vượt so với chỉ tiêu định hướng đến năm 2025 theo Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045.
Cụ thể, mức tăng trưởng giá trị sản xuất hàng năm đạt 5,4% trong khi chỉ tiêu từ 4 - 5%/năm. Sản lượng thịt xẻ các loại sản xuất trong nước đạt 5,6 - 5,8 triệu tấn (chỉ tiêu từ 5 - 5,5 triệu tấn). Sản lượng trứng hơn 20 tỷ quả (chỉ tiêu từ 18 - 19 tỷ quả). Bình quân sản phẩm chăn nuôi/người/năm: Thịt xẻ 56 - 57kg (chỉ tiêu từ 50 - 55kg), 220 quả trứng (chỉ tiêu 180 - 190 quả). Tổng đàn lợn có mặt thường xuyên trên 31 triệu con (chỉ tiêu đến năm 2030 từ 29 - 30 triệu con). Kén tằm hơn 18.000 tấn (chỉ tiêu đến năm 2030 là 10.000 tấn).
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt hơn 533 triệu USD (tăng 6,5%). Việt Nam cũng đã xuất khẩu hơn 1 tỷ USD thức ăn gia súc và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Bảng:
MỘT SỐ CHỈ TIÊU NGÀNH CHĂN NUÔI ĐẠT/VƯỢT KẾ HOẠCH
Tăng trưởng giá trị sản xuất hàng năm 5,4%
Sản lượng thịt xẻ các loại sản xuất trong nước 5,6 - 5,8 triệu tấn
Sản lượng trứng hơn 20 tỷ quả
Bình quân sản phẩm chăn nuôi/người/năm: Thịt xẻ 56 - 57kg, 220 quả trứng
Tổng đàn lợn có mặt thường xuyên trên 31 triệu con
Kén tằm hơn 18.000 tấn.
XÂM NHẬP MẶN ĐẾN SỚM VÀ KHẢ NĂNG BẰNG HOẶC CAO HƠN NĂM TRƯỚC
Theo các chuyên gia, mùa khô năm 2024-2025, xâm nhập mặn đến sớm hơn mọi năm và có khả năng bằng hoặc hơn cao so với mùa khô 2023-2024. Những ngày này, nhiều nông dân tại ĐBSCL đang tập trung nạo vét kênh mương trong các vườn cây ăn trái, bơm nước vào dự trữ để phục vụ cho tưới tiêu vào mùa hạn mặn, đồng thời thực hiện các giải pháp đảm bảo cấp nước sinh hoạt. Tại Cà Mau, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh thông tin, đơn vị đang phối hợp các địa phương triển khai đầu tư xây dựng 6 công trình cấp nước tập trung nông thôn, phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô 2025; dự kiến sẽ cấp nước sinh hoạt cho khoảng 14.000 hộ dân tại các vùng nông thôn khan hiếm nước, nguồn nước bị ô nhiễm, xâm nhập mặn. Tổng nguồn vốn 180 tỷ đồng.
QUẢN TRỊ CHUỖI CUNG ỨNG ĐỂ NGÀNH GỖ TIẾN GẦN MỤC TIÊU XUẤT KHẨU NĂM 2025
Năm 2025, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 18 tỷ USD. Trong bối cảnh ngày càng nhiều thị trường ban hành quy định pháp luật về gỗ hợp pháp, trong đó có các quốc gia nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp chế biến gỗ cần phải tăng cường quản trị chuỗi cung ứng, gắn với các tiêu chuẩn xanh, bền vững quốc tế để giảm rủi ro thương mại, nâng cao sức cạnh tranh của gỗ Việt.
Hiện, Việt Nam khai thác khoảng 22 -23 triệu m3 gỗ rừng trồng mỗi năm. Việt Nam cũng đã có hơn 500.000 ha rừng được cấp chứng chỉ bền vững. Các chính sách thúc đẩy chứng chỉ rừng bền vững đang được tăng cường nhằm đảm bảo tính minh bạch trong chuỗi cung ứng. Chính phủ cũng phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai công nghệ truy xuất nguồn gốc hiện đại. Điều này không chỉ nâng cao giá trị của sản phẩm gỗ xuất khẩu mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
GIÁ TIÊU TRONG NƯỚC TĂNG MẠNH
Hôm nay 4/1 giá tiêu trong nước tăng cao với mức tăng từ 1.000 - 2.500 đồng/kg. Hiện giá tiêu thu mua ở các địa phương trung bình 148.200 đồng/kg.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay ở tỉnh Đắk Nông sau nhiều phiên ổn định đã quay đầu tăng 2.500 đồng/kg, hiện được thu mua ở mức giá 149.500 đồng/kg; tương tự giá tiêu ở Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 2.000 đồng/kg so với phiên giao dịch trước và đang được thu mua ở mức 149.000 đồng/kg; giá tiêu ở Gia Lai ở mức 147.500 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg, giá tiêu ở tỉnh Đắk Lắk là 148.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg. Riêng giá tiêu ở tỉnh Bình Phước vẫn giữ mức ổn định, hiện đang được thu mua ở mức 147.000 đồng/kg.