Chế phẩm vi sinh chuyên dụng xử lý rơm rạ trên đồng ruộng đang được các nhà khoa học nghiên cứu và thử nghiệm trên đồng ruộng vùng ĐBSCL đã có tín hiệu tích cực…
Xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh chuyên dụng
Thực hiện theo “Đề án phát triển bền vững 1.000.000 ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, Trung tâm Nghiên cứu Chuyển giao Tiến bộ Kỹ thuật Nông nghiệp (Viện KHKTNN MN) phối hợp với Công ty cổ phần Dầu khí Hồng Hà vừa triển khai xây dựng thí điểm các mô hình xử lý rơm rạ trên đồng ruộng (vụ hè thu 2024) bằng chế phẩm vi sinh chuyên dụng nhằm tìm giải pháp kỹ thuật giảm phát thải thấp trên lúa thực hiện tại địa bàn các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Hậu Giang bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
Theo các thành viên hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Hòa Long, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, khi tham gia mô hình đã tiết kiệm được 50 đến 60 kg lúa giống trên một hecta và 40% lượng phân bón hóa học, tăng cường sử dụng phân hữu cơ giúp cây lúa khỏe ít đổ ngã, bông dài hạt mẩy và số lượng hạt nhiều hơn so với ruộng đối chứng, năng suất vụ này đạt khoảng 6,5 đến 7 tấn/hecta.
Phỏng vấn Ông LÊ LONG HỒ, Giám đốc HTX Hòa Long (xã Hòa Long, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) thực hiện mô hình: Từ khi phối hợp với Viện KHNNMN triển khai mô hình xử lý rơm rạ trên đồng ruộng bằng chế phẩm sinh học, đến nay so với các vụ trước thì lúa vụ này mình xài lượng giống giảm hơn rất nhiều. Sau khi thực hiện các nghiệm thức của Viện đưa ra lúa khỏe hơn, cây cao to tốt hơn, bông dài hơn và kháng sau bệnh tốt hơn so với những vụ trước.
Tại cánh đồng của Hợp tác xã Hòa Long các chuyên gia đã tiến hành đánh giá thực tế mô hình được thực hiện tại ấp Long Bình, xã Hòa Long với diện tích trên 1,2 hecta sử dụng giống lúa OM380. Sau khoảng 15 ngày sử dụng chế phẩm vi sinh chuyên dụng thì rơm rạ đều phân hủy tạo thành phân hữu cơ, vừa an toàn lại thân thiện với môi trường.
Phỏng vấn Ông NGUYỄN ĐÌNH TUÂN, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chuyển giao TBKT Nông nghiệp: Trong suốt quá trình triển khai mô hình, chúng tôi là những người trực tiếp tham gia theo dõi tư vấn mô hình thì hiện nay đánh giá cảm quan đã giảm lượng sạ hạt giống chỉ còn 70kg/ha, so với sản xuất truyền thống của bà con hiện nay, có những mô hình sạ 200kg/ha. Năng suất có thể cao hơn so với mô hình truyền thống, bà con rất hài lòng với kết quả của mô hình.
Qua thực hiện mô hình đạt hiệu quả, Hợp tác xã Hòa Long sẽ tiếp tục phối hợp cùng các chuyên gia và công ty nhân rộng mô hình với diện tích từ 250 đến 500 ha nhằm giúp cho bà con nông dân sản xuất lúa đạt chất lượng cao giảm phát thải thấp và có được những vụ mùa thắng lợi. Công ty Hồng Hà cũng sẽ hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ lúa sau thu hoạch, đồng thời cam kết đảm bảo lợi nhuận cho bà con nông dân cao hơn so với sản xuất lúa truyền thống.
Phỏng vấn Ông NGUYỄN VĂN LONG, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dầu khí Hồng Hà:Sau chương trình làm nghiệm thức mô hình này công ty đã làm việc với HTX để huy động diện tích làm lúa chất lượng ít phát thải về khí nhà kính theo chương trình của Bộ Nông nghiệp và vụ đông xuân kế tiếp công ty dự kiến đầu tư cho khu vực Đồng Tháp từ 300 đến 500 ha xử lý rơm rạ và sẽ thu mua lại toàn bộ lúa mà công ty đã đầu tư cho bà con với giá hợp lý cao hơn giá thị trường.
Phỏng vấn Bà ĐỖ THỊ KIM CÚC, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Long: Hôm nay đi thăm thực tế cánh đồng mẫu giảm phát thải, nhìn cảm quan thấy chất lượng lúa tăng hơn so với cánh đồng không thực hiện. Với góc độ địa phương mong muốn thời gian tới chúng ta sẽ nhân rộng được mô hình này để cho bà con có kinh tế được tăng trưởng theo hướng bền vững hơn.
Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT, hiện Việt Nam sản xuất khoảng 43 triệu tấn lúa mỗi năm với lượng rơm rạ phát sinh khoảng 47 triệu tấn. Điều tra của các nhà khoa học cho thấy, có hơn 70% lượng rơm rạ sau thu hoạch bà con thường đốt bỏ trên đồng ruộng và cày vùi vào đất, chỉ có hơn 20% được xử lý, thu gom và tái sử dụng. Thực trạng này gây ô nhiễm môi trường, làm tăng phát thải khí nhà kính, đặc biệt gây mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng. Việc xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh chuyên dụng sẽ giúp nông dân đỡ lãng phí nguồn phân bón và dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng.