Sáng 24/2, Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng (Bộ Y tế) cho hay, trước thông tin về việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiếp tục "đổi tên dịch bệnh COVID-19", Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng đã trao đổi với WHO Việt Nam, và được biết, việc đặt tên dịch bệnh COVID-19 và virus corona mới gây ra bệnh này là SARS-CoV-2 đã được thực hiện từ ngày 11/2/2020.
Theo WHO, virus và bệnh mà chúng gây ra thường có tên khác nhau. Ví dụ như, HIV là virus gây ra bệnh AIDS; và chúng ta thường chỉ biết tên một bệnh, chẳng hạn như bệnh sởi mà không biết tên virus gây ra bệnh sởi là rubela.
Có một số quy trình và mục đích khác nhau để đặt tên cho virus và bệnh.
Do đó, virus được đặt tên dựa trên cấu trúc gen của chúng để tạo điều kiện cho việc phát triển các test chẩn đoán, sản xuất vắc xin và thuốc chữa trị. Ủy ban quốc tế về phân loại virus - International Committee on Taxonomy of Viruses (ICTV) chịu trách nhiệm đặt tên cho các loại virus.
Việc đặt tên bệnh nhằm hỗ trợ việc trao đổi thông tin về phòng bệnh, sự lây lan, phương thức lây truyền, mức độ nghiêm trọng và việc điều trị. Với trách nhiệm chuẩn bị và ứng phó với các căn bệnh của nhân loại, WHO sẽ đặt tên chính thức cho các căn bệnh trong Phân loại quốc tế bệnh tật (ICD).
Ngày 11/2/2020, Ủy ban quốc tế về phân loại virus - ICTV ra thông báo: “Tên của loại virus mới (trước đây gọi là nCoV) là virus corona 2 gây ra Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV-2). Tên này được chọn bởi đặc tính gen của virus này liên quan đến loại virus corona gây dịch bệnh SARS vào năm 2003. Tuy nhiên, 2 loại virus này là khác nhau”.
WHO và ICTV đã trao đổi với nhau về việc đặt tên cho virus corona mới và căn bệnh mà nó gây ra. Sau đó, ngay trong ngày 11/2/2020, WHO cũng đã ra thông báo: “CoVID-19 là tên của bệnh do virus corona mới gây ra, dựa theo các hướng dẫn trước đây cùng với Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) và Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO).
WHO cho hay, từ góc độ của truyền thông nguy cơ, sử dụng tên SARS cho virus mới có thể gây ra những hệ lụy không lường trước được khi tạo ra nỗi sợ hãi không cần thiết cho một số bộ phận người dân, đặc biệt là ở châu Á, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch SARS năm 2003.
Vì lý do đó cũng như những vấn đề liên quan, WHO đề cập đến việc sử dụng tên gọi của virus này là “virus gây bệnh COVID-19” hoặc “virus COVID-19” khi truyền thông đến công chúng. Tuy nhiên, cả hai cách gọi này không có ý định để thay thế tên chính thức của virus là SARS-CoV2 đã được thống nhất với ICTV.