| Hotline: 0983.970.780

Viện Khoa học Thuỷ lợi phải đào tạo được đội ngũ nhân lực chất lượng cao

Thứ Sáu 14/01/2022 , 22:11 (GMT+7)

Ngày 14/1, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2022.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trung Quân.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trung Quân.

Nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ

Theo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, trong năm 2021, Viện đã chủ trì thực hiện 165 nhiệm vụ khoa học công nghệ (KHCN). Bên cạnh đó, Viện đã tổ chức nghiệm thu 15 đề tài, dự án cấp quốc gia, 20 đề tài cấp bộ và tỉnh, 45 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng. Các nhiệm vụ giám sát, dự báo chất lượng nước, nguồn nước và điều tra cơ bản của Viện đã được Tổng cục Thủy lợi và Tổng cục Phòng chống thiên tai nghiệm thu đạt kết quả tốt.

Ngoài ra, các sản phẩm KHCN đã được Viện hoàn thiện, chuyển giao vào thực tế sản xuất, đời sống như công nghệ, thiết bị phục vụ xây dựng, bảo vệ công trình thủy lợi, thủy điện (công nghệ đập trụ đỡ đã được chuyển giao ứng dụng tại cụm công trình trọng điểm cống Cái Lớn - Cái Bé tại tỉnh Kiên Giang; ứng dụng công nghệ BIM để thiết kế công trình cống, đê; cung cấp và lắp đặt thiết bị vớt rác tự động, bơm chìm capsule, bơm hút sâu, bơm hút xa…).

Trong lĩnh vực cấp nước, tưới tiêu, môi trường, Viện đã phân tích đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước và nông nghiệp; cung cấp công nghệ giám sát và dự báo hạn khí tượng bằng công cụ đánh giá cực hạn thủy văn vùng (RHEAS); xây dựng bản đồ và quản lý cơ sở dữ liệu sử dụng các công cụ tiên tiến của Arc GIS, MapInfor; xây dựng được phương pháp và mô hình toán SWAT để tính lượng bùn cát đến hồ Dầu Tiếng; hoàn thành việc lắp đặt hệ thống SCADA theo dõi, giám sát nước trong hệ thống sông, kênh, công trình thủy lợi tại tỉnh Bến Tre và Long An…

Nhiều các sản phẩm KHCN đã được Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam hoàn thiện, chuyển giao vào thực tế sản xuất, đời sống. Ảnh: TL.

Nhiều các sản phẩm KHCN đã được Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam hoàn thiện, chuyển giao vào thực tế sản xuất, đời sống. Ảnh: TL.

Trong lĩnh vực phòng tránh thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu, nhiều kết quả nghiên cứu KHCN của Viện được chuyển giao vào các chương trình, dự án như: Chương trình tổng thể phòng chống thiên tai Quốc gia giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến 2045; dự án xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du các hồ chứa...

Hoàn thiện để khẳng định vị thế

Trong năm 2022, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam sẽ tập trung xây dựng các định hướng, kế hoạch triển khai dài hạn để tạo ra được các sản phẩm KHCN làm nòng cốt phát triển Viện và các đơn vị. Đảm bảo và khẳng định vững chắc vị thế của Viện là cơ quan tham mưu, tư vấn hàng đầu cho Bộ NN-PTNT về vấn đề thủy lợi, phòng chống thiên tai.

Về hoạt động tư vấn, chuyển giao, Viện sẽ tham gia sâu vào quá trình lập các quy hoạch ngành trong quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của đất nước, các vùng, các địa phương và kế hoạch đầu tư công trung hạn để hỗ trợ hoạt động tư vấn, chuyển giao. Tăng cường hợp tác với địa phương, doanh nghiệp trong nghiên cứu, chuyển giao các sản phẩm KHCN của Viện; tham gia thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số của Bộ NN-PTNT, các Bộ, ngành, địa phương...

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đạt được trong năm 2021. Đặc biệt, là sự tham gia rất hiệu quả của Viện trong các nhiệm vụ chiến lược của Bộ NN-PTNT, nhất là Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước.

“Trong công tác thủy lợi, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đóng vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Mặc dù năm 2021, phải đối diện với muôn vàn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên 165 nhiệm vụ nghiên cứu do Viện chủ trì đã hoàn thành theo đúng kế hoạch và đạt kết quả cao, các hoạt động chuyển giao có sự tăng trưởng hơn so với năm 2020”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng lưu ý Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam trong năm 2022, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ NN-PTNT về sắp xếp lại cơ cấu tổ chức các đơn vị, Viện phải xây dựng kế hoạch, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức các đơn vị trực thuộc để bộ máy hoạt động một cách bài bản, hiệu quả thực sự.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đã trao Cờ thi đua Bộ NN-PTNT cho các tập thể và cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2020. Ảnh: Trung Quân.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đã trao Cờ thi đua Bộ NN-PTNT cho các tập thể và cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2020. Ảnh: Trung Quân.

“Những đơn vị mà chức năng, nhiệm vụ giống nhau cần tiến hành sát nhập lại, trên nguyên tắc quyết liệt nhưng phải đảm bảo đúng các tiêu chí, gắn với điều kiện kinh tế xã hội ít nhất trong 10 năm tiếp theo”, Thứ trưởng Hiệp nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Viện cần tập trung đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác quy hoạch. Bởi lẽ, hiện nay ngành nông nghiệp nói chung, thủy lợi nói riêng vẫn đang “đỏ mắt” đi tìm chuyên gia, trong khi Viện có đủ điều kiện về mọi mặt để thực hiện tốt việc này.

Đối với nhiệm vụ nghiên cứu KHCN, đây vẫn là mũi nhọn trong tiến trình phát triển của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam. Do đó, Viện phải xây dựng kế hoạch nghiên cứu phát triển dài hạn, có giá trị thực tiễn để tạo dấu ấn, thương hiệu riêng, làm cơ sở để thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng khác.

“Phát triển khoa học công nghệ không phải chỉ nhắm đến thu được bao nhiêu tiền mà là quyết định vị thế của ngành, giải quyết những vấn đề lớn của quốc gia”,Thứ trưởng Hiệp nhấn mạnh.

Đối với vấn đề chuyển giao, những sản phẩm nghiên cứu của Viện hiện nay đã cho kết quả rất tốt. Cho nên, bước tiếp theo Viện cần nghiên cứu đến vấn đề quảng bá, truyền thông để những sản phẩm đó phát triển thành hàng hóa để dễ dàng nhân rộng, đi vào thực tiễn, thì hiệu quả của công tác nghiên cứu sẽ được đẩy lên cao hơn.

Xem thêm
Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.