| Hotline: 0983.970.780

Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, 60 năm xây dựng và phát triển

Thứ Hai 02/12/2019 , 09:03 (GMT+7)

Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam là tổ chức sự nghiệp khoa học công lập, được xếp hạng đặc biệt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

* Đóng góp cho phát triển đất nước và những định hướng nghiên cứu lớn cho tương lai

14-58-33_dsc_0003_copy_nh_vien
Trụ sở Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.

Viện là tổ chức khoa học hàng đầu của ngành thủy lợi được thành lập năm 1959, tiền thân là Học viện Thủy lợi – Điện lực, nay là Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam được thành lập theo quyết định 594/QĐ-TTg ngày 10/5/2007.

Thời kỳ đầu mới thành lập, số lượng cán bộ của Viện còn ít, cơ sở vật chất thí nghiệm còn lạc hậu. Đến nay, Viện đã phát triển 03 viện vùng, 07 viện và 03 trung tâm chuyên ngành, 01 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về động lực sông biển. Tổng số cán bộ trên 1.000 người, trong đó có 98 người có trình độ tiến sỹ, có 4 giáo sư, 31 phó giáo sư, 405 thạc sỹ. Cơ sở vật chất với nhiều phòng thí nghiệm, trang thiết bị hiện đại tiên tiến, đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới.

60 năm xây dựng và phát triển là cả quãng thời gian không phải là ngắn, nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo và thế hệ cán bộ công nhân viên được hình thành, đồng hành và gắn bó sự nghiệp nghiên cứu với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, luôn song hành với ngành nông nghiệp nói chung và đóng góp cho phát triển ngành thủy lợi nói riêng.

Thời kỳ đầu thành lập đến khi giải phóng miền Nam năm 1975, Viện chủ yếu tập trung xây dựng cơ sở vật chất, các nghiên cứu tập trung vào thủy nông, tưới tiêu, cải tạo đất mặn, chống xói mòn đất, hàn khẩu đê khị bị ném bom, phòng tránh lũ lụt, sửa chữa công trình.

Sau khi miền Nam giải phóng năm 1975, nhiều cán bộ của Viện đã lên đường vào Nam khảo sát, điều tra công tác thủy lợi, xây dựng cơ sở vật chất, định hướng nghiên cứu cho vùng Trung bộ, Tây nguyên, Nam bộ.

Dấu ấn khó quên là thành công từ các nghiên cứu cải tạo đất chua mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long bằng biện pháp quản lý nước tổng hợp góp phần biến vùng đất rộng lớn này thành nơi sản xuất lúa gạo và nuôi trồng thủy sản lớn nhất của cả nước, và nhờ đó những năm qua đồng bằng sông Cửu Long đã đóng góp xứng đáng vào kim ngạch xuất khẩu nông sản của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trong hoạt động khoa học, Viện đã hoàn thiện các sản phẩm công nghệ đã có, dự báo trước những vấn đề khoa học liên quan đến thủy lợi cần làm, có đóng góp hiệu quả cho quy hoạch ngành, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, đề án tái cơ cấu ngành thủy lợi, đề án nâng cao hiệu quả khai thác công trình thủy lợi hiện có và các chương trình lớn trọng tâm của Đảng và Nhà nước với các giải pháp căn cơ từ dự báo, đề xuất các giải pháp công trình, phi công trình, huy động sự tham gia của cộng đồng, người dân.

Viện luôn tự hào với giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012 về cụm công trình đập xà lan và đập trụ đỡ. Những vấn đề lớn về thủy lợi đã từng bước được giải quyết như tưới tiên tiến tiết kiệm nước cho các cây công nghiệp chủ lực, tưới lúa bằng công nghệ nông lộ phơi, quản lý tưới có sự tham gia của người dân (PIM), dự báo hạn với thời gian trước 3 đến 6 tháng, dự báo xâm nhập mặn cho Đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long theo thời gian thực, xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du các lưu vực sông lớn, vận hành tích nước và xả đón lũ theo thời gian thực cho các hồ chứa bằng công nghệ SCADA để đảm bảo an toàn hồ chứa, phân lưu giữa các sông, các giải pháp phòng tránh xói lở bờ sông bờ biển đặc biệt là ở đồng bằng sông Cửu Long.

Với hàng chục công nghệ được cấp bằng sáng chế, sở hữu trí tuệ, tiến bộ kỹ thuật, giải pháp hữu ích mà Viện đang có là cơ sở làm nguồn thu chính giúp Viện tự chủ về tài chính hơn đối với các tổ chức sự nghiệp khoa học công lập.

Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cũng rất quan tâm đến công tác hợp tác quốc tế, đã và đang hợp tác với nhiều nước, các tổ chức, các viện, trường của các nước như UNDP, FAO, JICA (Nhật Bản), AFD (Pháp), BTC (Bỉ), ACIAR (Úc), hàng chục cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của các nước như IMI, Deltares, Nikken, ADPC, ADICA, BORDA, AIT, NDMI, Đại học Cologne, …

Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2005, Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2009, Cờ thi đua của Chính phủ năm 2014…

Đặc biệt một phần thưởng lớn, đầy vinh dự và tự hào với các thế hệ lãnh đạo, cán bộ công nhân viên của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam là nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập, Đảng và Nhà nước đã quyết định trao Huân chương Hồ Chí Minh cho Viện.

Hiện nay có thể nói, ngành thủy lợi đang đứng trước nhiều thách thức, nhất là tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang diễn ra nhanh, với cường độ mạnh hơn dự đoán.

Ngành thủy lợi đứng trước yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế xã hội, yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, ứng phó biến đổi khí hậu với các hình thái thiên tai ngày càng cực đoan khó lường, nguy cơ về an ninh nguồn nước, hội nhập quốc tế, cách mạng công nghiệp 4.0.

Các thách thức này cũng là cơ hội nên Viện sẽ tập trung vào một số định hướng phát triển khoa học công nghệ sau:

Một là, xây dựng và phát triển Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới khoa học công nghệ thủy lợi, phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trước mắt cần có các nghiên cứu, ứng dụng về khoa học công nghệ, thể chế chính sách thực hiện Luật Thủy lợi, Luật Phòng tránh thiên tai.

Hai là, tập trung nghiên cứu nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nước phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp, cấp nước đa mục tiêu với định hướng tối ưu hóa sử dụng nước, cùng với cải cách thể chế, năng lực dự báo về an ninh nước (số lượng, chất lượng); giảm thiểu các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long.

14-58-33_img_4361_gui_nh_dm
Một hội thảo khoa học do Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tổ chức.

Ba là, các nghiên cứu nhằm nâng cao năng lực giám sát, dự báo, cảnh báo và đề xuất các giải pháp tổng hợp quản lý rủi ro thiên tai để giảm rủi ro, đảm bảo an toàn và khả năng phục hồi do thiên tai (lũ lụt, hạn hán, bão, siêu bão, xói lở bờ sông bờ biển, lũ quét, nước biển dâng…), xây dựng một xã hội an toàn trước thiên tai.

Bốn là, nghiên cứu đề xuất kiến nghị việc xây dựng cũng như cập nhật, sửa đổi hệ thống thể chế, cơ chế chính sách đồng bộ để xã hội hóa đầu tư, thiết lập và mở rộng quy mô tài chính và ưu đãi theo cơ chế thị trường để quản lý bền vững và hiệu quả nguồn nước.

Năm là, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn tạo ra các sản phẩm hoàn chỉnh và đồng bộ.

Tiếp nối truyền thống 60 năm qua tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam nguyện tiếp tục đoàn kết, phấn đấu hơn nữa, xứng đáng là viện đầu ngành của ngành thủy lợi, đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển đất nước.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.