| Hotline: 0983.970.780

Cựu Phó Giám đốc Sở nghĩ chuyến bay giải cứu là cơ hội 'kiếm tiền'

Thứ Ba 24/12/2024 , 14:09 (GMT+7)

Tại phiên tòa xét xử vụ 'Chuyến bay giải cứu' giai đoạn 2, cựu PGĐ Sở Ngoại vụ Thái Nguyên thừa nhận đã lợi dụng việc đưa người về cách ly Covid-19 để trục lợi.

Ngày 24/12, Toà án Nhân dân TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “Chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2, một vụ án nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận, phơi bày hàng loạt sai phạm trong việc tổ chức đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để cách ly trong giai đoạn dịch Covid-19.

Các bị cáo gồm những cựu lãnh đạo và cá nhân liên quan bị cáo buộc về nhiều tội danh, trong đó nổi bật là “Nhận hối lộ”, “Đưa hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Các bị cáo trong vụ 'Chuyến bay giải cứu' giai đoạn 2 tại phiên tòa xét xử. Ảnh: Báo Công lý.

Các bị cáo trong vụ "Chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2 tại phiên tòa xét xử. Ảnh: Báo Công lý.

Tâm điểm của phiên tòa là bị cáo Trần Tùng, cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên. Ông Trần Tùng được giao nhiệm vụ tổ chức tiếp nhận công dân Việt Nam hồi hương và giám sát các điều kiện cách ly y tế theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, thay vì thực hiện nhiệm vụ vì lợi ích cộng đồng, ông Tùng đã lợi dụng chức vụ để trục lợi cá nhân thông qua các chuyến bay giải cứu.

Tại phiên tòa, ông Tùng thừa nhận toàn bộ nội dung cáo trạng truy tố. Theo lời khai, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, ông đã nảy sinh ý định kiếm lời từ việc tổ chức cách ly. Ông khảo sát giá dịch vụ từ các đơn vị khác, sau đó tính toán để đưa ra mức giá trọn gói 18 triệu đồng mỗi người, cao hơn nhiều so với chi phí thực tế.

Cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên Trần Tùng tại phiên tòa. Ảnh: IT.

Cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên Trần Tùng tại phiên tòa. Ảnh: IT.

Trong các giao dịch, ông Tùng đã nhận hối lộ tổng cộng 4,4 tỷ đồng từ ông Lê Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty Nhật Minh, và hưởng lợi 3,2 tỷ đồng từ 7 chuyến bay do bà Bùi Thị Kim Phụng, đại diện Công ty Fujitravel (Nhật Bản) tổ chức.

Cụ thể, ông Tùng đã thông qua một số cá nhân để dàn xếp hợp đồng cách ly. Điển hình, ông chỉ đạo bà Trần Thị Quyên, Giám đốc Công ty Sen Vàng Đất Việt, nhận tiền từ ông Nghĩa. Trong số hơn 11 tỷ đồng thu được từ các hợp đồng cách ly, có hơn 4 tỷ đồng là khoản “tiền ngoài hợp đồng”, phần lớn được chuyển cho ông Tùng.

Tại tòa, bà Quyên khai nhận mình chỉ làm theo chỉ đạo, đồng thời thừa nhận đã hưởng lợi 300 triệu đồng từ số tiền này. Bà Quyên cũng đã nộp lại phần lớn số tiền trên để khắc phục hậu quả.

Ngoài ra, ông Tùng còn móc nối với bà Bùi Thị Kim Phụng để tổ chức các chuyến bay hồi hương thông qua pháp nhân Công ty Én Việt. Ông Tùng tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh Thái Nguyên, đồng thời ký văn bản gửi Cục Lãnh sự để đẩy nhanh việc phê duyệt. Tại phiên tòa, ông thừa nhận đã nhận hơn 3 tỷ đồng từ bà Phụng sau khi trừ chi phí tổ chức.

Khi được Hội đồng xét xử hỏi về động cơ, ông Trần Tùng không ngần ngại thừa nhận rằng ông coi đây là cơ hội kiếm tiền. Lời khai của ông khiến dư luận không khỏi bức xúc khi mà chính sách nhân đạo nhằm hỗ trợ công dân hồi hương trong đại dịch lại bị lợi dụng để trục lợi cá nhân. Ông cũng thừa nhận sai phạm nghiêm trọng của mình và khai đã nộp lại 5,7 tỷ đồng (bao gồm 700 triệu đồng trong quá trình điều tra và 5 tỷ đồng trước khi phiên tòa diễn ra) để khắc phục hậu quả.

Phiên tòa cũng xét xử ông Nguyễn Văn Văn, cựu Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam. Ông Văn bị cáo buộc nhận 450 triệu đồng từ bà Nguyễn Thị Thanh Hằng để giúp công ty của bà Hằng tổ chức cách ly tại Quảng Nam. Trong lời khai, ông Văn thừa nhận đã sai phạm do thiếu hiểu biết pháp luật và đã hoàn trả toàn bộ số tiền nhận hối lộ. Tại tòa, ông nghẹn ngào nói rằng hành vi của mình là bài học đắt giá và xin nhận trách nhiệm.

Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2 dự kiến kéo dài 8 ngày.

Theo thông báo của HĐXX, tại phiên tòa sáng 24/12, một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã vắng mặt.

Theo đại diện VKSND TP Hà Nội những người này đã có lời khai đầy đủ trong hồ sơ; phiên tòa diễn ra nhiều ngày, cần thiết sẽ triệu tập những người này trong quá trình xét xử.

Cáo trạng vụ án thể hiện, khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng, chống dịch.

Chính phủ giao cho Văn phòng Chính phủ, tổ công tác của một số bộ, ngành và địa phương thực hiện quy trình cấp phép chuyến bay và cho chủ trương cách ly.

Lợi dụng chủ trương của Đảng, Nhà nước và chức vụ quyền hạn được giao, một số cá nhân tại UBND các tỉnh, thành phố đã thỏa thuận đưa/nhận hối lộ, làm trái công vụ để tham mưu, đề xuất chấp thuận chủ trương cho các doanh nghiệp đưa công dân về nước cách ly y tế tại các địa phương.

Xem thêm
Hái trộm nửa tấn cà phê của chủ, hai anh em bị bắt

Gia Lai Được thuê đến vườn hái cà phê, hai anh em Đức và Việt đã lợi dụng lòng tin của chủ vườn, hái trộm gần nửa tấn cà phê đem giấu bán, lấy tiền tiêu xài.