| Hotline: 0983.970.780

Mở rộng vụ chuyến bay giải cứu: Thêm 3 cựu Phó Giám đốc Sở hầu tòa

Thứ Hai 23/12/2024 , 16:25 (GMT+7)

Vụ án 'Chuyến bay giải cứu' giai đoạn 2, có 3 cựu Phó Giám đốc Sở ở Thái Nguyên, Quảng Nam; 1 cựu cán bộ công an cùng nhiều bị cáo khác hầu tòa.

Ngày 24/12, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội sẽ mở phiên xét xử sơ thẩm giai đoạn 2 vụ án "Chuyến bay giải cứu", thu hút sự chú ý của dư luận bởi danh sách 17 bị cáo, trong đó có ba cựu phó giám đốc sở tại Thái Nguyên và Quảng Nam, cùng một cựu cán bộ công an.

Một chuyến bay giải cứu thời kỳ đỉnh dịch. Ảnh: VGP.

Một chuyến bay giải cứu thời kỳ đỉnh dịch. Ảnh: VGP.

Phiên tòa được dự kiến kéo dài tám ngày, với sự tham gia của nhiều bên liên quan để làm sáng tỏ những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về trong thời kỳ dịch COVID-19.

Thẩm phán Nguyễn Xuân Văn, Chánh Tòa Hình sự TAND TP Hà Nội, sẽ làm chủ tọa phiên tòa, cùng hai thẩm phán khác và các hội thẩm nhân dân. Quyền công tố tại phiên xét xử được thực hiện bởi ba kiểm sát viên thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội, gồm Đỗ Mạnh Quang, Đỗ Minh Tuấn và Nguyễn Thị Lan Anh. HĐXX cũng triệu tập thêm một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và các nhân chứng khác để đảm bảo tính toàn diện trong quá trình xét xử.

Các bị cáo trong phiên tòa có gần 20 luật sư tham gia bào chữa. Trong số đó, Trần Tùng được bào chữ bởi ba luật sư, còn Vũ Hồng Quang, cựu Phó Trưởng phòng Vận tải hàng không (Cục Hàng không Việt Nam), có hai luật sư. Ngược lại, Nguyễn Văn Văn và Lê Ngọc Tường không mời luật sư và cũng không thuộc diện chỉ định luật sư.

Theo cáo trạng, bắt nguồn từ giai đoạn đầu của dịch COVID-19, khi Chính phủ chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước, một số cá nhân đã lợi dụng chủ trương này để thu lợi bất chính.

Viện kiểm sát xác định, bị cáo Trần Tùng (cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên) có hành vi nhận hối lộ 4,4 tỷ đồng để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương cách ly y tế đối với 3 chuyến bay. Bị cáo Trần Tùng còn lợi dụng chức vụ quyền hạn, làm trái công vụ, hưởng lợi bất hợp pháp hơn 3,2 tỷ đồng để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương cách ly y tế với 5 chuyến bay khác.

Bị cáo Trần Tùng (cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: IT.

Bị cáo Trần Tùng (cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: IT.

Bị cáo Lê Thị Phượng (cựu chuyên viên Phòng Khoa giáo Văn xã, Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương) đã lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao, thỏa thuận nhận hối lộ 650 triệu đồng để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Hải Dương ban hành 2 công văn chấp thuận cách ly y tế cho Công ty Sora và Công ty Biển Bạc.

Bị cáo Nguyễn Văn Văn (cựu Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam) và bị cáo Lê Ngọc Tường (cựu Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam) cùng bị cáo buộc đã trục lợi khi thực hiện theo đề nghị của Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Giám đốc Công ty Blue Sky (đã bị phạt tù trong giai đoạn 1 của vụ án) trong việc tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam ban hành chủ trương chấp thuận tiếp nhận công dân về cách ly y tế tại Quảng Nam cho Công ty Blue Sky.

Bị cáo Nguyễn Văn Văn (cựu Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam). Ảnh: IT.

Bị cáo Nguyễn Văn Văn (cựu Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam). Ảnh: IT.

Các bị cáo khác trong vụ án có hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ để được cấp phép các chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo…

Theo cáo trạng, lợi dụng chủ trương của Đảng, Nhà nước và chức vụ quyền hạn được giao, một số cá nhân tại UBND các tỉnh, thành phố đã thỏa thuận đưa/nhận hối lộ, làm trái công vụ để tham mưu, đề xuất chấp thuận chủ trương cho các doanh nghiệp đưa công dân về nước cách ly y tế tại địa phương.

Các bị cáo thực hiện trực tiếp hoặc qua trung gian móc nối, thỏa thuận với cán bộ thuộc Bộ Y tế đưa, nhận hối lộ với số tiền lớn để có văn bản chấp thuận, xét duyệt cho công dân (khách lẻ) về trên các chuyến bay đơn lẻ.

Đặc biệt, bị cáo Nguyễn Xuân Thông, cựu cán bộ công an, bị cáo buộc tội "Che giấu tội phạm". Dù không trực tiếp tham gia từ đầu, Thông đã biết rõ hành vi đưa hối lộ của Trần Minh Tuấn - người đã bị xét xử trong giai đoạn 1, nhưng lại hướng dẫn Tuấn khai báo gian dối để che giấu hành vi phạm tội. Thông còn tác động đến các điều tra viên và các bên liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho Tuấn tránh bị điều tra.

Theo hồ sơ, từ tháng 6/2021 đến tháng 8/2022, Thông đã liên tục nhận và trao đổi các thông tin mật với Trần Minh Tuấn, bao gồm cả các văn bản đóng dấu "Mật" của Bộ Y tế và Bộ Ngoại giao. Khi Tuấn bị triệu tập điều tra, Thông đã can thiệp để lùi thời gian làm việc và sau đó gặp gỡ Tuấn để hướng dẫn khai báo theo hướng có lợi. Sự can thiệp này đã gây khó khăn lớn cho cơ quan điều tra và làm kéo dài quá trình xử lý vụ án.

Xem thêm
Hái trộm nửa tấn cà phê của chủ, hai anh em bị bắt

Gia Lai Được thuê đến vườn hái cà phê, hai anh em Đức và Việt đã lợi dụng lòng tin của chủ vườn, hái trộm gần nửa tấn cà phê đem giấu bán, lấy tiền tiêu xài.