Luật sư đề nghị áp dụng 'cơ chế đặc biệt' với bà Trương Mỹ Lan
Ngày 18/11, phiên toà phúc thẩm xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đồng phạm tiếp tục phần tranh luận.
Tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng trong số tiền bà đang bị cáo buộc chiếm đoạt của SCB bao gồm cả khoản nợ gốc 125.000 tỉ đồng của nhiều khách hàng để lại trước khi tham gia tái cơ cấu. Trong đó có nhiều khoản nợ của Ngân hàng Đệ Nhất để lại như dự án Chợ Vải lên đến 100.000 tỉ đồng.
Bà Lan nói trước khi bị bắt bà có cho SCB mượn 3 tòa nhà ở Ba Son và tòa nhà 87 Cống Quỳnh trị giá 67.000 tỉ đồng để cơ cấu cho khoản nợ 65.000 tỉ đồng. Thực tế SCB không giải ngân cho Vạn Thịnh Phát. Bà đề nghị tòa cho đối chất với SCB làm rõ số liệu này tại tòa.
Ngoài ra, bà Lan cho rằng các khoản vay của Công ty Thành Hiếu thuộc nhóm Phương Trang là khách hàng cũ của SCB từ gần 20 năm trước, đến nay khoản nợ lên đến 54.000 tỉ đồng cũng bắt bà phải chịu trách nhiệm. Bà Lan cũng cho rằng theo báo cáo của SCB từ ngày 18/10/2022 đến 1/4/2024, SCB đã thu nợ, bán nợ trả chậm... được hơn 21.595 tỉ đồng trong đó hơn 19.000 tỉ đồng nợ gốc.
Nhưng số tiền này không được cấn trừ đi khoản tiền bà bị cáo buộc chiếm đoạt. Nếu xác định thiệt hại của vụ án thì phải thanh lý, bán hết tài sản thế chấp nhưng SCB chưa thanh lý, chưa bán tài sản mà cáo buộc bị cáo chiếm đoạt số tiền này.
“Bị cáo mong những tình tiết giảm nhẹ mà Viện Kiểm sát ghi nhận trong phần luận tội được áp dụng cho bị cáo cũng như các bị cáo khác ở tội tham ô tài sản. Bị cáo có cố gắng thế nào đi nữa mà chỉ được giảm nhẹ vào tội vi phạm quy định về cho vay thì cũng không có ý nghĩa gì”, bà Lan nói.
Tại toà, bào chữa cho bị cáo Lan, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng cơ chế đặc biệt đối với bà Trương Mỹ Lan và cho biết hiện có một nhóm người ở nước ngoài đồng ý cho bị cáo Lan vay 400 triệu USD để trả nợ, giải chấp tòa nhà 29 Liễu Giai, Hà Nội. Hiện các bên đã thỏa thuận xong, đang làm đơn xin ngân hàng nhà nước đồng ý để chuyển tiền từ nước ngoài vào Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang, bào chữa cho bị cáo Lan thông tin, đối với dự án 6A với diện tích 26ha tại huyện Bình Chánh, TP.HCM, hiện đã có một tỷ phú người Malaysia đồng ý đầu tư vào dự án. Sau khi trừ các chi phí, bị cáo còn dư 20.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
“Với 658 mã tài sản của bị cáo Lan, cũng có người làm việc đề nghị đưa vốn vào đầu tư, để có nguồn thu cho bị cáo khắc phục hậu quả vụ án. Đề nghị Viện Kiểm sát xem xét lại nếu bị cáo bị phạt án tử hình thì rất khó khăn để bị cáo khắc phục hậu quả. Nếu bị cáo được áp dụng hình phạt tù chung thân, thì dễ khắc phục cho Nhà nước nhanh chóng thu lại tài sản thiệt hại", luật sư Trang nói.
Cùng bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan, luật sư Giang Hồng Thanh cũng cho rằng, thân chủ của ông có rất nhiều tài sản. Nếu áp dụng theo quyết định của UBND TP.HCM mới ban hành về bảng giá đất, thì tài sản của bị cáo tăng lên nhiều lần so với định giá cũ tại giai đoạn điều tra. Chẳng hạn, tòa nhà Ba Son tăng lên từ 3 - 4 lần, tòa nhà Times Square tăng hơn 4 lần.
Chưa đủ điều kiện để giảm nhẹ
Trước đó tại phiên tòa ngày 15/11, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM nhận định, quá trình xét xử phúc thẩm, bị cáo Lan có thêm tình tiết giảm nhẹ mới, như ăn năn hối cải, thể hiện quyết tâm khắc phục hậu quả vụ án và đến nay đã nộp gần 3.500 tỷ đồng… Đây là những tình tiết giảm nhẹ có thể xem xét để chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo.
Tuy nhiên, bị cáo chưa đủ điều kiện để giảm nhẹ hình phạt ở tội đưa hối lộ và tội tham ô tài sản. Do đó, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử giảm án với tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, y án đối với 2 tội danh đưa hối lộ và tham ô tài sản, buộc bị cáo phải chấp nhận hình phạt chung là tử hình.
Theo Viện Kiểm sát, bị cáo Trương Mỹ Lan là chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các công ty khác. Trước khi hợp nhất, SCB hoạt động theo hình thức nhờ các cổ đông đứng tên giúp. Lợi dụng vị trí cổ đông lớn của các ngân hàng, bà Trương Mỹ Lan đã thế chấp để bảo đảm các khoản vay của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Sau khi biết các ngân hàng trên phải hợp nhất, Trương Mỹ Lan mua lại cổ phần của các ngân hàng trên, đưa người vào nắm giữ các vị trí chủ chốt. Trương Mỹ Lan nắm vị trí chi phối, đại cổ đông nắm 91% cổ phần Ngân hàng SCB. Do đó, các bị cáo khác nhận thức bà Lan là chủ điều hành ngân hàng, có quyền quyết định cao nhất tại SCB. Từ đó, Viện Kiểm sát cho rằng có đủ điều kiện để xét xử bà Trương Mỹ Lan về các tội vi phạm về chức vụ.
SCB là ngân hàng thương mại cổ phần không có vốn nhà nước. Trước 1/1/2018, Bộ luật Hình sự 1999 không quy định hành vi tham ô trong lĩnh vực tư nhân nên hành vi trước ngày 1/1/2018 của các bị cáo không bị xử lý. Tuy nhiên, hành vi của các bị cáo cấu thành tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Hành vi của bà Trương Mỹ Lan sau ngày 1/1/2018 đã cấu thành tội tham ô tài sản.
Bị cáo Trương Mỹ Lan cùng lúc thực hiện 3 hành vi phạm tội, chiếm đoạt của SCB số tiền đặc biệt lớn, gây dư luận xấu trong xã hội. Bản án sơ thẩm tuyên phạt mức án như nêu trên là đúng người, đúng tội, không oan sai.
Tại cấp phúc thẩm, bà Lan thừa nhận hành vi phạm tội, thể hiện quyết tâm khắc phục hậu quả bằng cách có đơn cam kết đưa các tài sản không bị kê biên và dự án 6A để khắc phục hậu quả. Đây là tình tiết giảm nhẹ mới của các bị cáo nên có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của bị cáo Trương Mỹ Lan về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Đối với tội tham ô tài sản, bị cáo tổ chức thực hiện hành vi trong thời gian dài, gây thiệt hại đặc biệt lớn, dùng thủ đoạn tinh vi. Mặc dù có tình tiết giảm nhẹ mới, nhưng bị cáo chưa đủ điều kiện để giảm nhẹ hình phạt.
Trước đó, trong phiên tòa xét xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan tử hình về tội tham ô tài sản, 20 năm tù về tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, 20 năm tù về tội đưa hối lộ.