| Hotline: 0983.970.780

Viện Quy hoạch Thủy lợi đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần 2

Thứ Năm 07/07/2022 , 10:00 (GMT+7)

Sáng 7/7, Viện Quy hoạch Thủy lợi tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ 2.

Nhân dịp này, ông Đỗ Văn Thành – Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi có bài chia sẻ về chặng đường dài hơn 60 năm ghi đậm những dấu ấn hình thành và phát triển của Viện.

Hơn 60 năm không thiếu gian khổ nhưng đầy ắp vinh quang

Ngày 16/1/1961, Uỷ ban Trị thuỷ và Khai thác sông Hồng, tổ chức tiền thân của Viện Quy hoạch Thuỷ lợi ngày nay, được thành lập. Đến nay, trải qua hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành, mặc dù đã qua nhiều lần thay đổi tên gọi, Viện luôn là địa chỉ tin cậy hàng đầu của Bộ, của Ngành trong các lĩnh vực điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; đào tạo và hợp tác quốc tế, tư vấn và dịch vụ để lập quy hoạch thủy lợi nhằm điều hòa, sử dụng, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn nước, môi trường và chất lượng nước.

Viện Quy hoạch Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) lần thứ 2 đón nhận danh hiệu Huân chương Lao động hạng Nhất.

Viện Quy hoạch Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) lần thứ 2 đón nhận danh hiệu Huân chương Lao động hạng Nhất.

Nhìn lại chặng đường đã qua không thiếu những khó khăn gian khổ nhưng cũng đầy ắp những vinh quang, bao thế hệ của những người quy hoạch thủy lợi của Viện đã để lại dấu ấn sâu đậm trên khắp mọi miền đất nước.

Ngay sau những ngày đầu thành lập năm 1961, Viện đã lập “Quy hoạch trị và khai thác sông Hồng”. Hoàn thành vào năm 1963, quy hoạch này đã bước đầu đề xuất những phương án quy hoạch, giải pháp công trình, từng bước chế ngự được tình trạng lũ lụt, vỡ đê, dần xua tan nỗi ám ảnh của người dân đồng bằng sông Hồng mỗi khi mùa mưa lũ đến; cùng với đó là các giải pháp chống úng cho những vùng trũng thấp ở 8/11 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, vốn trước đó “chiêm khê, mùa thối”, thất bát triền miên, giúp người dân thoát khỏi cảnh “sống ngâm da, chết ngâm xương”, điển hình là hệ thống trạm bơm tiêu úng Bắc Nam Hà.

Đến nay chúng ta đã cơ bản giải quyết được tình trạng ngập úng vùng đồng bằng, đảm bảo sản xuất chắc ăn 2 vụ lúa, cuộc sống người dân và môi trường nông thôn được cải thiện và đảm bảo.

Từ những phương án thủy lợi sơ khai ban đầu đến “hoàn chỉnh thủy nông” đầu những năm 1970, các hệ thống thủy nông đã dần được hình thành, tiêu biểu như đại thủy nông Bắc Hưng Hải, hay hàng loạt hệ thống khác như Bắc Đuống, Liễn Sơn, sông Nhuệ, sông Đáy, Ấp Bắc -Nam Hồng, An Kim Hải, Đa Độ, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Bắc Thái Bình, Nam Thái Bình, Xuân Thủy, Hải Hậu, Bắc Ninh Bình, Nam Ninh Bình... đã dần đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất ổn định, đảm bảo lương thực cho miền Bắc và chi viện cho miền Nam chống Mỹ.

Đến giữa những năm 1970, với việc đổi tên thành Viện Quy hoạch và Quản lý nước, vai trò và nhiệm vụ của Viện đã được mở rộng hơn ra ngoài phạm vi sông Hồng. Bước chân của những người quy hoạch đã đến miền Trung, tư vấn xây dựng nhiều công trình như hồ Sông Mực, kênh tiêu Vách Bắc, hồ Vực Tròn, hồ Tiên Lang, hồ Trung Thuần…, biến những vùng đất khô cằn, sỏi đá thành đồng ruộng, góp phần gia tăng lương thực, cải thiện đời sống người dân.

Sau khi hòa bình lập lại năm 1975, Viện tiếp tục tham gia Nam tiến tham gia tái thiết đất nước. Từ miền Trung với những hồ chứa lớn như Kẻ Gỗ, Vực Tròn, Sông Rác, Phú Vinh, Truồi, sông Hinh…, rồi đến Tây Nguyên, Đông Nam Bộ với Dầu Tiếng, Thác Mơ, Trị An… được xây dựng, góp phần cải tạo những vùng đất khô cằn từ 1 vụ bấp bênh thành 2 vụ năng suất cao, kết hợp khai thác thủy năng, phòng chống lũ.

Đặc biệt, Viện đã tham gia các đoàn quy hoạch vào khai phá Đồng bằng sông Cửu Long, nghiên cứu toàn diện các mặt kiểm soát lũ, ngăn mặn, giữ ngọt, thau chua, rửa phèn…, hình thành nên những công trình tiêu biểu như kênh Hồng Ngự, cống, đập Ba Lai, Láng Thé, Cần Chông, Cái Hóp, hệ thống chống lũ, thoát lũ ra biển Tây, hệ thống Ô Môn - Xà No, Quản Lộ - Phụng Hiệp..., góp phần biến ĐBS Cửu Long dần trở thành vựa lúa lớn nhất cả nước.

Phát huy thế mạnh đơn vị đầu ngành về quy hoạch thủy lợi

Đến giữa những năm 1990, quy hoạch thủy lợi đã phủ kín được gần như toàn quốc với việc hoàn thành quy hoạch thủy lợi 14 lưu vực sông chính.

Năm 1995, Viện được mang tên Viện Quy hoạch Thủy lợi, đánh dấu một cột mốc mới về vai trò, nhiệm vụ của quy hoạch thủy lợi, bắt đầu hướng tới khai thác tổng hợp, phục vụ đa mục tiêu, các lưu vực sông, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cán bộ Viện Quy hoạch Thủy lợi luôn sát cánh cùng Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Phòng chống thiên tai và các địa phương trong công tác nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư xây dựng công trình cấp nước phục vụ sản xuất, dân sinh và phòng, chống thiên tai.

Cán bộ Viện Quy hoạch Thủy lợi luôn sát cánh cùng Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Phòng chống thiên tai và các địa phương trong công tác nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư xây dựng công trình cấp nước phục vụ sản xuất, dân sinh và phòng, chống thiên tai.

Trong giai đoạn từ 1995 đến những năm 2000, Viện đã nghiên cứu lập nhiều quy hoạch đáp ứng yêu cầu phát triển của các vùng, lưu vực sông, điển hình là các Quy hoạch thủy lợi trong điều kiện biến đổi khí hậu - nước biển dâng cho đồng bằng sông Hồng, miền Trung, Tây Nguyên, các quy hoạch sử dụng tổng hợp nguồn nước, quy hoạch lũ, quy hoạch đê điều…

Cùng với đó, hàng loạt công trình thủy lợi, công trình khai thác tổng hợp dòng chính được xây dựng như Tuyên Quang, Sơn La ở Bắc Bộ; Cửa Đạt, Bản Vẽ, Rào Đá, Dương Hòa, Bình Điền, Hương Điền… ở Bắc Trung bộ; các hồ Định Bình, Mỹ Lâm, Hoa Sơn, Tà Rục, Sông Trâu, Ea Krông rou, thủy điện Sông Ba Hạ… ở Nam Trung bộ; thủy điện Yaly, hồ Krông Buk hạ ở Tây Nguyên và nhiều công trình khác ở Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Tiếp bước những chặng đường lịch sử, cán bộ quy hoạch thủy lợi ngày nay đang tiếp tục phát huy truyền thống và thế mạnh đơn vị đầu ngành về quy hoạch thủy lợi. Đồng thời, thích ứng với yêu cầu mới, Viện đã tích cực đóng góp vào công tác tư vấn, hỗ trợ quản lý Nhà nước cho Bộ NN-PTNT, Tổng cục Thủy lợi và Tổng cục Phòng chống thiên tai trên nhiều lĩnh vực quan trọng.

Trong công tác tư vấn phục vụ quản lý nhà nước, Viện đã và đang tư vấn hiệu quả cho hai Tổng cục Phòng chống thiên tai và Tổng cục Thủy lợi trong dự báo nguồn nước, xây dựng kế hoạch sử dụng nước phục vụ điều hành cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, tư vấn vận hành các hồ chứa trên các lưu vực sông và các hệ thống thủy lợi; tư vấn chỉ đạo điều hành các hồ chứa thượng nguồn các lưu vực sông lớn phục vụ hiệu quả cấp nước, phòng chống lũ cho hạ du, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra...

Trong thiết kế quy hoạch, Viện đã lập và được phê duyệt hầu hết các quy hoạch lớn về thủy lợi, quy hoạch phòng chống lũ, quy hoạch đê điều ở các lưu vực sông, các địa phương, trong đó các quy hoạch gần đây đã cập nhật, điều chỉnh và đề xuất các phương án quy hoạch phù hợp với điều kiện thực tế, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, phục vụ kịp thời các định hướng phát triển kinh tế, xã hội, điển hình là quy hoạch ngành Phòng, chống thiên tai và Thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hiện đã cơ bản thực hiện xong.  

Trong điều tra cơ bản, hiện nay Viện đang hỗ trợ tốt cho Bộ và các Tổng cục trong khảo sát, đo đạc, dự báo dòng chảy ở Bắc Bộ; giám sát, dự báo chất lượng nước trong các hệ thống công trình thủy lợi; khảo sát và xây dựng cơ sở dữ liệu, đánh giá nguyên nhân, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn đến sản xuất và dân sinh ở Miền Trung và Tây Nguyên.

Những năm gần đây, Viện đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học với hơn 20 đề tài khoa học các cấp, tập trung nghiên cứu các vấn đề quan trọng, có tính cấp thiết cao, làm cơ sở cho các quy hoạch và tư vấn tốt cho các Bộ, ngành. Về công nghệ, bên cạnh việc phát huy các công cụ tính toán truyền thống, hiện nay Viện cũng đã tiếp cận và làm chủ nhiều công nghệ mới, tiên tiến…

Cống Cầu Xe thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải được Viện Quy hoạch Thủy lợi nghiên cứu và đề xuất đưa vào quy hoạch đầu tư xây dựng.

Cống Cầu Xe thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải được Viện Quy hoạch Thủy lợi nghiên cứu và đề xuất đưa vào quy hoạch đầu tư xây dựng.

Về hợp tác quốc tế, thông qua các hoạt động nghiên cứu, triển khai dự án, trao đổi kinh nghiệm, tiếp thu công nghệ hiện đại từ các đối tác nước ngoài..., Viện đã dần trở thành một địa chỉ tin cậy trong hợp tác nhiều lĩnh vực với các quốc gia, tổ chức, và các chuyên gia quốc tế. Viện cũng thường xuyên tổ chức đào tạo bồi dưỡng năng lực chuyên môn, ngoại ngữ, công nghệ cho cán bộ.

Có thể nói đến nay công tác thủy lợi đã khẳng định được vai trò vững chắc trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Chúng ta đã có hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi rộng khắp cả nước, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an toàn trước thiên tai. Thành tựu này có sự đóng góp không nhỏ của Viện Quy hoạch Thủy lợi.

 

Vững bước đi lên, không ngừng phát triển

Trải qua bao thăng trầm, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, luôn bền bỉ, quyết tâm, các thế hệ cán bộ của Viện đã viết lên một trang sử hào hùng hơn 60 năm, luôn được Đảng, Nhà nước ghi nhận, các cấp quản lý đánh giá cao, và đặc biệt là được người dân tin tưởng, gắn bó. Viện đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, tặng thưởng nhiều huân, huy chương và các phần thưởng cao quý khác. Trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập, Viện tiếp tục vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ hai.

Tự hào với những vinh quang đã đạt được, nhưng chúng tôi vẫn luôn ý thức được rằng để giữ vững được truyền thống và phát huy vai trò của mình, vẫn còn đó những tồn tại, những khó khăn, nhiều thách thức đòi hỏi Viện phải tiếp tục phấn đấu, khắc phục và vượt qua.

Trong đó, thách thức lớn đối với công tác thủy lợi như biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, khai thác nguồn nước thượng nguồn các lưu vực sông quốc tế và các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội trong nước tác động đến số lượng, chất lượng nước, hạ thấp đáy sông… trong khi nhu cầu sử dụng và bảo vệ ngày càng cao.

Cơ chế, chính sách về quản lý, lập và thực hiện quy hoạch thủy lợi và các lĩnh vực liên quan có nhiều thay đổi. Công tác thủy lợi hướng tới phục vụ đa mục tiêu, nằm trong tổng thể phát triển kinh tế xã hội, có mối quan hệ liên kết, đồng bộ với các lĩnh vực, các ngành khác…

Một góc hồ Xạ Hương (Vĩnh Phúc), một công trình được Viện Quy hoạch Thủy lợi tư vấn xây dựng.

Một góc hồ Xạ Hương (Vĩnh Phúc), một công trình được Viện Quy hoạch Thủy lợi tư vấn xây dựng.

Phát huy truyền thống và thành tích đạt được qua hơn 60 năm xây dựng trưởng thành, Viện Quy hoạch Thủy lợi tập trung thực hiện sắp xếp lại bộ máy phù hợp với quy định và yêu cầu là đơn vị sự nghiệp công lập tiến tới tự chủ. Tiếp tục đào tạo lại, đào tạo nâng cao để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Ứng dụng công nghệ cao trong quản lý và thực hiện các nhiệm vụ của Viện gồm: Tiến hành chuyển đổi số, công nghệ viễn thám, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn phục vụ công tác quản lý về thủy lợi, phòng chống thiên tai.

Nâng cao chất lượng các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học điều tra cơ bản đặc biệt là các nhiệm vụ quy hoạch thủy lợi để tư vấn cho Bộ giải quyết các vấn đề khó, vấn đề bức xúc về thủy lợi và phòng chống thiên tai. Tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao. Phát huy dân chủ, xây dựng sự đoàn kết nhất trí trong Viện đưa Viện ngày càng phát triển.

Đỗ Văn Thành

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp:

Công tác quy hoạch thủy lợi phải đi trước

Chúng ta có thể khẳng định, nông nghiệp Việt Nam đạt được những thành quả to lớn như bây giờ thì có rất nhiều yếu tố, nhưng yếu tố quan trọng nhất là do thủy lợi. Các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn đều khẳng định như vậy.

Đặc biệt, trong thành quả chung của lĩnh vực thủy lợi thì gốc lại là từ quy hoạch. Có thể nói, công tác quy hoạch quyết định chúng ta làm gì, đầu tư vào đâu. Và công tác quy hoạch cũng quyết định việc định hướng cho phát triển hạ tầng cho nông nghiệp nói riêng, hạ tầng của đất nước nói chung.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp.

Viện Quy hoạch Thủy lợi trong hơn 60 năm qua đã đạt được rất nhiều thành quả. Những phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước trao tặng cho Viện đã chứng tỏ sự ghi nhận của cả hệ thống chính trị và nhân dân đối với công tác quy hoạch nói chung và Viện Quy hoạch Thủy lợi nói riêng.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chúng tôi rất vui mừng vì trong những năm qua, có nhiều vấn đề đặt ra cho công tác quy hoạch thủy lợi để phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai. Và Viện đã nối tiếp được truyền thống quý báu đó để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Có thể nói, truyền thống là hành trang rất tốt để cán bộ, công nhân, viên chức của Viện ngày nay có thể bước tiếp một cách vững chắc. Và chúng tôi hy vọng với thành quả đó, Viện sẽ tiếp tục phát triển và đóng góp nhiều hơn cho đất nước nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định đất nước phải phát triển nhanh và bền vững. Để phát triển nhanh, chúng ta đã có giải pháp, nhưng muốn phát triển bền vững thì phải có sự chuẩn bị, có tầm nhìn và đặc biệt là công tác quy hoạch phải đi trước. Nếu chúng ta không có quy hoạch phù hợp cho sự phát triển thì rất khó đảm bảo sự bền vững của quốc gia.

Đối với ngành nông nghiệp cũng vậy, có rất nhiều vấn đề đặt ra, từ quy hoạch sản xuất, quy hoạch logistics và quy hoạch hạ tầng sản xuất... Và quy hoạch hạ tầng thì không trông chờ vào đâu được ngoài Viện Quy hoạch Thủy lợi.

Vấn đề đặt ra hiện nay, công tác quy hoạch cho hạ tầng thủy lợi và hạ tầng nông nghiệp có rất nhiều nhiệm vụ. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Viện đã đóng góp rất nhiều công sức, trí tuệ để xây dựng Quy hoạch Thủy lợi và Phòng chống thiên tai quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sau quy hoạch quốc gia là quy hoạch địa phương. Mỗi địa phương sẽ có cách nhìn nhận, cách làm khác nhau nhưng để tạo được sự thống nhất thì Viện Quy hoạch Thủy lợi cần trực tiếp tham gia, định hướng, tư vấn chiến lược cho các tỉnh, thành.

Vấn đề thứ 3, tôi rất muốn Viện Quy hoạch Thủy lợi tham gia nhiều hơn cho công tác đào tạo và nghiên cứu, bởi nhân lực của ngành quy hoạch thủy lợi đang rất thiếu. Viện có thể tham gia vào công tác đào tạo sau đại học, đào tạo chuyên sâu. Đây là vấn đề rất quan trọng.

Cùng với đào tạo, với bề dày truyền thống của mình, với kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức hiện nay, Viện Quy hoạch Thủy lợi cần tham gia nhiều hơn trong công tác tư vấn, khảo sát, tham gia trực tiếp vào một số công trình, dự án lớn của quốc gia để đóng góp cho ngành và cho đất nước.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh:

Dấu ấn của Viện Quy hoạch Thủy lợi từ những công trình

Việt Nam là quốc gia sản xuất nông nghiệp, bởi vậy hạ tầng thủy lợi đóng vai trò quyết định cho thành – bại trong phát triển nông nghiệp. Từ xa xưa đến nay, ông cha ta đã có ý thức rất lớn trong đầu tư xây dựng các công trình, tạo nguồn nước và phòng, chống thiên tai, đảm bảo sản xuất và dân sinh.

Đến nay, cả nước có khoảng trên 900 hệ thống thủy lợi có quy mô diện tích phục vụ từ 200 ha trở lên; tổng số công trình thủy lợi là 86.202 và 16.573 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT).

Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT).

Trong đó, các công trình thủy lợi được nhà nước đầu tư đến nay mang lại hiệu quả rất lớn, ngoài đảm bảo cấp nước cho sản xuất và dân sinh còn đảm bảo tiêu thoát lũ, đảm bảo điều hòa môi trường, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia.

Ví dụ như công trình hồ chứa nước Cửa Đạt ở Thanh Hóa, ngoài nhiệm vụ cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và các ngành kinh tế khác còn  có chức năng cắt lũ, giúp vùng hạ du không bị ngập lụt vào những đợt mưa bão.

Có thể nói, hầu hết các công trình thủy lợi ở nước ta được xây dựng đều có dấu ấn của viện Quy hoạch thủy lợi. Đây là Viện đứng đầu trong công tác quy hoạch thủy lợi, và tất cả công trình thủy lợi ở nước ta được xây dựng thì đều phải đưa vào quy hoạch, đều có dấu ấn của các nhà quy hoạch thủy lợi.

Xem thêm
Lãnh đạo Việt Nam chúc mừng ông Trump

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi thư chúc mừng ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ thứ 47.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuân về trên vùng biên cương

Quảng Bình Bà con dân tộc trên vùng miền núi huyện Bố Trạch đã có thêm cái tết ấm áp khi chương trình 'Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản' đến với bà con.