Sẵn sàng thích ứng
Đã hai mùa xuân không tiếng pháo hoa, không lễ hội, nhưng khác với năm Tâm Sửu, trong những ngày nghỉ tết Nhâm Dần 2022, du xuân đã nhộn nhịp khắp trong cả nước, khách quốc tế đã trở lại Việt Nam. Theo thống kê của tổng cục du lịch đã có 6 triệu khách nội địa đi du lịch, riêng khách quốc tế theo thí điểm hộ chiếu vaccine là 9 nghìn lượt.
Tại Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), ngay đầu xuân các điểm du lịch tâm linh như Yên tử, đền Cửa Ông đón rất đông khách, các điểm đến được phân luồng giúp quét mã QR cho khách đến tham quan, chiêm bái.
Ban quản lý khu di tích lịch sử văn hoá TP. Nam Định cho biết riêng trong những ngày nghỉ tết có 1 vạn du khách đến với đền Trần – chùa Tháp Nam Định. Việc thực hành lễ diễn ra trật tự khi vào dâng hương mọi người đều sát khuẩn tay và được nhắc nhở giữ khoảng cách, toàn bộ nhân viên được tiêm 3 mũi vaccine, xét nghiệm nhanh 2 ngày 1 lần.
Theo ghi nhận, thì tại chùa Tam Chúc – Hà Nam đã có rất nhiều du khách đến hành lễ và tất cả mọi người đều phải khai báo y tế. Công tác an ninh, phòng chống dịch được ban quản lý tại đây thực hiện nghiêm túc và thường xuyên phân luồng, yêu cầu giãn cách theo quy định phòng chống dịch.
Lần đầu tiên tỉnh Tây Ninh là tỉnh dẫn đầu cả nước với 600.000 lượt du khách đến tham quan núi Bà Đen – chiêm bái tượng Phật bà bằng đồng cao nhất Châu Á mới hoàn thành. Với 3 tuyến cáp treo hoạt động đảm bảo giãn cách phòng chống dịch.
Những ngày đầu năm nhiều người lựa chọn du lịch tâm linh để mong một năm mới bình an lùi được dịch bện, hạnh phúc đến với gia đình.
Bên cạnh đó, Việt Nam là 1 trong 6 quốc gia có tỉ lệ tiêm phủ vaccine cao nhất thế giới. Từ đó cho thấy nghị quyết 128 của Chính phủ và chiến lược vaccine quốc gia đã thúc đẩy ngành du lịch, các ngành dịch vụ phục hồi.
Trong những ngày qua, dù số ca mắc Covid-19 liên tục tăng mạnh nhưng theo các chuyên gia, điều này không đáng ngại. Cụ thể, theo PGS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), số ca mắc mới gia tăng sau Tết là việc đã được dự đoán trước, bởi việc đi lại của người dân tăng cao. Đồng thời, những người nhiễm bệnh không có triệu chứng vô tình tiếp xúc nhiều với cộng đồng, giao lưu nhiều địa phương với nhau cũng là nguồn lây nhiễm.
Mặc dù số ca nhiễm có chiều hướng đi lên nhưng số ca tử vong lại giảm mạnh. Lý giải về vấn đề này, PGS Trần Đắc Phu cho rằng phần lớn chính là hiệu quả của chiến dịch tiêm vaccine, tỉ lệ bao phủ cao. Mặt khác, hệ thống y tế cơ sở đã được củng cố tốt hơn, sự tiếp cận của bác sĩ với bệnh nhân khi nhiễm Covid-19 cũng tốt hơn. Việc hệ thống y tế không bị quả tải giúp việc cách ly và điều trị được kịp thời, góp phần giúp tỉ lệ chuyển nặng không nhiều.
Theo thông tin từ Sở Y tế Đồng Nai, khoảng 10 ngày qua, số ca Covid-19 ở Đồng Nai tăng cao với trên 300 ca mỗi ngày. Tuy nhiên, số người tử vong giảm mạnh chỉ có 1-2 ca/ngày, có những ngày tỉnh không ghi nhận ca tử vong. Trước đó, những tháng cuối năm 2021, Đồng Nai là một trong những tỉnh, TP có số ca tử vong vì Covd-19 cao nhất ở nước ta với trên 20 ca mỗi ngày. Toàn tỉnh Đồng Nai hiện còn gần 4.000 ca mắc Covid-19, trong số đó chỉ có hơn 230 ca phải điều trị tại cơ sở y tế, số còn lại do mắc bệnh nhẹ nên được theo dõi tại nhà.
Điểm đến an toàn
Mới đây, Tổng cục Du lịch đã thông tin về những điểm mới nhất trong phương án đón khách quốc tế, dự kiến áp dụng từ 15/3. Đây là đề xuất của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xin ý kiến các bộ ban ngành trước khi công bố chính thức.
Đáng chú ý là du khách quốc tế có thể đến Việt Nam bằng đường bộ, đường biển thay vì chỉ bằng đường hành không như thí điểm. Đồng thời quy định du khách từ 12 tuổi đến Việt Nam phải có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine Covid- 19 hoặc khỏi bệnh. Và bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính nCoV: 24 giờ với test nhanh, 72 giờ RT- PCR trước khi nhập cảnh.
Trẻ dưới 12 tuổi, người già trên 65 tuổi chưa tiêm vaccine có thể nhập cảnh nhưng phải có người giám hộ và áp dụng quy định xét nghiệm, mua bảo hiểm y tế.
Du khách cần cài đặt ứng dụng về Covid-19 và kết nối liên tục trong thời gian ở Việt Nam. Bên cạnh đó Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng có đề xuất miễn thị thực nhập cảnh giống như trước năm 2020.
Ngoài ra du khách vào Việt Nam cũng có thể du lịch như khách nội địa quy định, là không cần xét nghiệm trừ trường hợp điều tra dịch tế đến từ vùng 3 và 4 của Biệt Nam. Hiện nay các địa phương yêu cầu công bố mở cửa hoạt động du lịch và đón khách theo từng cấp độ dịch.
Thời gian tới, Việt Nam sẽ tham gia hội chợ du lịch ở Đông Bắc Á, châu Âu, đặc biệt là Nga nhằm quảng bá sản phẩm. Đồng thời tiếp tục quảng bá chiến dịch “Live Fully In VietNam” và làm việc với đài CNN, CNBC… để xúc tiến tới các thị trường mục tiêu phát triển du lịch.
Chính phủ đồng ý mở cửa toàn bộ du lịch ngày 15/3 hiện các bộ, ngành đang phối hợp để xây dựng hướng dẫn chi tiết.
Tín hiệu phục hồi du lịch Việt thể hiện ở việc nhiều địa phương trong cả nước đã sẵn sàng từ nhân lực, vật lực cho đến hạ tầng cơ sở để đón lượng khách quốc tế lớn hơn. Đồng thời một số hãng hàng không đã mở lại các đường bay quốc tế như Vietjet, VietnamAirlines đã nối với các nước như Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản. Và tới đây sẽ mở đường bay đến Anh, Úc, Đức..
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Việt Nam là một điểm đến an toàn dù trong dịch bệnh. Việt Nam tiếp tục giữ được các thương hiệu mà các tổ chức quốc tế đã bình chọn. Chúng ta coi đây là yếu tố thuận lợi, rộng ra là sức mạnh mềm để quảng bá các tour tuyến du lịch”.
Hiện nay Việt Nam cần điều chỉnh các quy định còn hạn chế trong giai đoạn thí điểm đón khách quốc tế, đặc biệt là vào tháng 5 năm nay tổ chức SEA Games 31.
Bởi vậy, chúng ta hoàn toàn có quyền hi vọng với chiến lược phủ vaccine thần tốc và sự chủ động, thích ứng linh hoạt của các địa phương, ngành công nghiệp không khói sẽ được phục hồi để du khách đến khám phá, trải nghiệm vẻ đẹp thiên nhiên, ẩm thực và con người Việt Nam thân thiện mến khách.