Hội thảo “Thúc đẩy an toàn thực phẩm và đổi mới sáng tạo vì một nền nông nghiệp Việt Nam xanh và bền vững hơn” ngày 16/8 được Bộ NN-PTNT phối hợp tổ chức cùng Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC). Hội thảo có sự tham dự của các nhà lãnh đạo, đại diện các tổ chức quốc tế và các chuyên gia, nhà khoa học.
Các nhà quản lý nhận định nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, từ các vấn đề nội tại lẫn các yếu tố khách quan: nguồn tài nguyên cạn kiệt, biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới.
Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hàng đầu thế giới với tổng kim ngạch năm 2022 đạt trên 53 tỷ USD, tiếp cận đến 196 quốc gia và vùng lãnh thổ. Do đó, Hội thảo có chức năng củng cố hợp tác đa phương, trao đổi kinh nghiệm, chính sách, kiến thức, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành cường quốc về nông nghiệp.
Ông Ralph Bean, Tham tán Nông nghiệp, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam nhấn mạnh, thương hiệu nông sản Việt Nam đang tiến từng bước vững vàng, ngày càng có tầm ảnh hưởng trên toàn cầu.
“Việt Nam đứng thứ 8 trong số các thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Hoa Kỳ, và Hoa Kỳ từng trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tinh thần tích cực của Bộ NN-PTNT trong thúc đẩy an toàn thực phẩm (ATTP), đổi mới sáng tạo là điều cần thiết nhằm duy trì an ninh lương thực toàn cầu”, Tham tán chia sẻ.
Thông qua Hội nghị, Bộ NN-PTNT và USABC một lần nữa khẳng định hiệu quả của hợp tác công - tư trong việc hoạch định chính sách, chuyển đổi công nghệ, xây dựng nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm, bền vững.
Trong khuôn khổ Hội nghị, lãnh đạo Bộ NN-PTNT và đại diện USABC trao đổi, thảo luận 2 nhóm vấn đề chính, gồm áp dụng chính sách Một sức khỏe (One Health) đối với an toàn thực phẩm và ứng dụng đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy nông nghiệp bền vững.
Ông Phạm Hoàng Đức, Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) cho biết, hệ thống thể chế, chính sách, quy định về an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản hiện hành của Việt Nam cơ bản đủ cho công tác quản lý. Trong thời gian tới, Cục chú trọng hoàn thành Đề án “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021- 2030” của Bộ NN-PTNT.
Ngoài ra, hoạt động của Trung tâm kết nối đổi mới sáng tạo lương thực - thực phẩm Việt Nam (FIHV) cũng được làm rõ qua phần trình bày của ông Nguyễn Anh Phong, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn.
FIHV được xây dựng trên nền tảng Chương trình Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam (PSAV). Qua mạng lưới kết nối Chính phủ, khối tư nhân, hợp tác xã và nhà khoa học, FIHV đạt được một số thành quả đáng kể như: phát triển chuỗi giá trị tích hợp, áp dụng giải pháp công nghệ; giải quyết các nút thắt về thể chế; thu hút đầu tư lĩnh vực thực phẩm…
Về phía USABC, Tổng giám đốc Đặng Ngọc Hoàng, Công ty TNHH MSD Animal Health Việt Nam giới thiệu công nghệ theo dõi cá thể trong quản lý hệ thống trang trại chăn nuôi lợn và truy xuất nguồn gốc (LeeO).
Giải pháp này thiết lập hộ chiếu điện tử sức khỏe cho mỗi cá thể lợn. Nhờ đó, cải tiến chất lượng con giống; cải thiện năng xuất trại; quản lý dịch bệnh; phân tích chuyên sâu và cải tiến chất lượng sản phẩm thịt lợn.
Bên cạnh đó, Giám đốc Corteva Agriscience Châu Á - Thái Bình Dương, ông Rishikant Moudgal giới thiệu các giải pháp nông nghiệp mà công ty đang áp dụng tại Việt Nam. Với kinh nghiệm của nhà đầu tư hàng đầu Hoa Kỳ, Corteva xác định lấy người nông dân làm gốc, qua đó triển khai các giải pháp phù hợp, xã hội hóa ngành nông nghiệp, hỗ trợ người dân tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cũng tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ những bài học thực tiễn và khuyến nghị, cung cấp góc nhìn đa chiều cho kế hoạch hợp tác công - tư trong tương lai. Sự tham gia đầy đủ của các tác lực trong lĩnh vực nông nghiệp là chìa khóa đối với xây dựng chính sách nông nghiệp, đảm bảo phát triển bền vững, không ai bị bỏ lại phía sau.