| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam - Philippines kỳ vọng nâng cấp quan hệ đối tác đầu tư ngành lúa gạo

Thứ Ba 09/07/2024 , 16:04 (GMT+7)

Nếu nâng cấp quan hệ lên mức đối tác đầu tư ngành lúa gạo, hai Bộ Nông nghiệp có thể khám phá liên doanh sản xuất lúa gạo, đảm bảo an ninh lương thực.

Buổi làm việc giữa Bộ NN-PTNT và Bộ Nông nghiệp Philippines ngày 9/7. Ảnh: Quỳnh Chi.

Buổi làm việc giữa Bộ NN-PTNT và Bộ Nông nghiệp Philippines ngày 9/7. Ảnh: Quỳnh Chi.

Chiều 9/7, tại Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Francisco Tiu Laurel Jr, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines.

Trong bối cảnh mới hiện nay với những biến động của thị trường thế giới, biến chuyển của thị hiếu tiêu dùng và biến đổi khí hậu ngày một rõ nét, ngành lúa gạo Việt Nam đã và đang có sự chuyển mình mạnh mẽ trong cả sản xuất, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. 

Theo đó, Việt Nam tập trung nâng cao chất lượng ngành lúa gạo, giảm chi phí đầu vào, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và mở rộng thị trường tiêu thụ, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo bền vững trên thị trường quốc tế.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định: “Sản xuất lúa gạo có vai trò nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đóng góp vào phát triển kinh tế, ổn định xã hội, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Sản xuất lúa gạo là ngành có lợi thế về điều kiện sinh thái gắn với các giá trị văn hóa và di sản của nền văn minh lúa nước lâu đời của chúng tôi”.

Với những tiềm năng hợp tác mới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kỳ vọng hai nước sẽ sớm chuyển dịch từ quan hệ thương mại sang quan hệ đối tác đầu tư trong ngành hàng lúa gạo. Điều này sẽ cho phép Việt Nam đưa các công nghệ phù hợp để tối ưu hóa chuỗi sản xuất lúa gạo của nước bạn, thay vì xuất khẩu sản phẩm gạo đã xay xát. 

Thêm nữa, hai Bộ Nông nghiệp có thể khám phá khả năng liên doanh sản xuất lúa gạo, đảm bảo an ninh lương thực trong khu vực.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan kỳ vọng hai Bộ nâng cấp quan hệ thành đối tác đầu tư ngành lúa gạo, qua đó tạo điều kiện giao thương kỹ thuật, vật tư phục vụ sản xuất. Ảnh: Quỳnh Chi.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan kỳ vọng hai Bộ nâng cấp quan hệ thành đối tác đầu tư ngành lúa gạo, qua đó tạo điều kiện giao thương kỹ thuật, vật tư phục vụ sản xuất. Ảnh: Quỳnh Chi.

Đáp lời lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Francisco Tiu Laurel Jr bày tỏ ấn tượng với quang cảnh sản xuất lúa gạo của Việt Nam. Tuần qua, đoàn Bộ Nông nghiệp Philippines đã đến ĐBSCL tham quan mô hình 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp và mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn.

Theo đó, lãnh đạo Philippines coi cuộc hội đàm với Bộ NN-PTNT là cơ hội quan trọng nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực nông nghiệp, an ninh lương thực và phát triển bền vững; thúc đẩy thương mại nông sản và kết nối doanh nghiệp hai nước.

“Đối với chúng tôi, chuyến công tác lần này là một lớp học thực tế. Chúng tôi được tận mắt trao đổi kinh nghiệm với nông dân và doanh nghiệp ở ĐBSCL. Đây là những trải nghiệm rất quý báu, cho chúng tôi thêm nhiều ý tưởng để thúc đẩy nông nghiệp Philippines”, Bộ trưởng Francisco khẳng định.

Hiện nay, ngành nông - ngư nghiệp Philippines hiện đối mặt với những thách thức to lớn do năng suất còn thấp, hoạt động sản xuất đa phần có quy mô nhỏ lẻ. Những thay đổi chính trị, xã hội và môi trường gần đây còn gây áp lực nặng nề lên hệ thống sản xuất và phân phối thực phẩm của Philippines, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực, dinh dưỡng trong nước.

Do đó, ông Francisco đánh giá cao định hướng canh tác bền vững của Việt Nam, kết hợp cơ giới hóa với mục tiêu giảm sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón. Bộ trưởng Philippines nói: “Phương pháp này đơn giản nhưng hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, nông dân nước bạn tiết kiệm khoản chi phí đáng kể cho vật tư”.

Trong tương lai, phía bạn sẽ nghiên cứu cơ hội nhập khẩu máy móc, vật tư, tiến tới nội địa hóa những công nghệ của Việt Nam để áp dụng cho ngành sản xuất lúa gạo Philippines.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines coi chuyến thăm Việt Nam là trải nghiệm học tập quý giá. Ảnh: Quỳnh Chi.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines coi chuyến thăm Việt Nam là trải nghiệm học tập quý giá. Ảnh: Quỳnh Chi.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ thêm về Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Việt Nam, với 3 trụ cột “nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại - nông dân văn minh”. 

“Với Chiến lược mới, chúng tôi đang hướng tới chuỗi giá trị nông nghiệp xanh, nông nghiệp phát thải thấp, nâng cao năng lực của HTX, nâng cao năng lực cộng đồng nông thôn gắn với cải thiện hạ tầng nông thôn ứng phó với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, liên kết chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và các tổ chức nông dân”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin.

Không chỉ đối với ngành hàng lúa gạo, người đứng đầu Bộ NN-PTNT đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thủy sản, căn cứ Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về hợp tác nghề cá. 

Việt Nam mong muốn học hỏi Philippines để tăng cường khai thác nguồn nguyên liệu cá ngừ cho các nhà máy chế biến cá ngừ của Việt Nam; phát triển nuôi trồng rong biển, hợp tác nuôi trồng và chế biển rong sụn.

Theo Cục Trồng trọt Philippines, trong 6 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu gạo của quốc gia này đạt 2,17 triệu tấn. Việt Nam là thị trường cung cấp gạo lớn nhất cho Philippines với 1,59 triệu tấn.

Xem thêm
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất 4 chương trình hành động thúc đẩy nông nghiệp bền vững

Tại Diễn đàn Hợp tác Pháp ngữ trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất 4 chương trình hành động, giải quyết thách thức toàn cầu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuân về trên vùng biên cương

Quảng Bình Bà con dân tộc trên vùng miền núi huyện Bố Trạch đã có thêm cái tết ấm áp khi chương trình 'Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản' đến với bà con.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...