| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines ấn tượng với quy mô Nhà máy gạo Hạnh phúc

Thứ Hai 08/07/2024 , 12:53 (GMT+7)

Chiều 7/7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines, ông Francisco P.Tiu Lauren Jr., đã có buổi trao đổi với Tập đoàn Tân Long về tình hình sản xuất - kinh doanh mảng lúa gạo và tham quan thực tế Nhà máy gạo Hạnh phúc đặt tại An Giang.

Đây là buổi làm việc nằm trong chương trình công tác tại Việt Nam của đoàn lãnh đạo Bộ Nông nghiệp Philippines, cùng với các hoạt động khác như: tham quan mô hình 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL và mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn; hội đàm với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam về thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực nông nghiệp, an ninh lương thực và phát triển bền vững; thúc đẩy thương mại nông sản và kết nối doanh nghiệp hai nước.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines làm việc với Tập đoàn Tân Long chiều 7/7 tại An Giang.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines làm việc với Tập đoàn Tân Long chiều 7/7 tại An Giang.

Có mặt tại buổi làm việc chiều ngày 7/7 với Tập đoàn Tân Long, Bộ trưởng Francisco cho biết rất ấn tượng với hành trình hơn 20 năm phát triển đa ngành nghề của Tân Long, đặc biệt là quy mô và công nghệ đang được ứng dụng tại Nhà máy gạo Hạnh phúc.

“Hiện nay, tốc độ tăng trưởng dân số trung bình ở Philippines là 1,5%/năm tương đương mức tăng khoảng 1,2 triệu người. Như vậy có thể thấy nhu cầu về gạo cũng sẽ tăng.

Mặc dù Philippines đã và đang đầu tư, mở rộng sản xuất gạo trong nước nhưng nhu cầu nhập khẩu, trong đó có nhập khẩu từ Việt Nam, vẫn rất lớn.

Do đó, chúng tôi mong muốn có thể hợp tác hiệu quả với Tập đoàn Tân Long và với Việt Nam trong thời gian tới để đảm bảo nguồn cung gạo chất lượng cao, ổn định, lâu dài”, Bộ trưởng Francisco chia sẻ.

Tại buổi làm việc, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long, cũng bày tỏ niềm vinh dự to lớn khi Tập đoàn có cơ hội được đón tiếp Bộ trưởng Francisco và phái đoàn cấp cao đến tham quan cơ sở xay xát - chế biến gạo do Tân Long xây dựng.

Đây cũng là động lực để Tân Long nỗ lực hơn nữa trong phát triển lúa gạo và đóng góp cho sự phát triển chung của nền nông nghiệp Việt Nam.

Theo ông Trương Sỹ Bá, Việt Nam tuy có nhiều lợi thế lớn để phát triển nông nghiệp, song các vấn đề về logistic, xử lý và sấy trữ sau thu hoạch vẫn còn nhiều hạn chế, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch còn cao và mối liên kết với nông dân để sản xuất tại các vùng nguyên liệu vẫn chưa thực sự chặt chẽ.

Đoàn tham quan Nhà máy gạo Hạnh phúc.

Đoàn tham quan Nhà máy gạo Hạnh phúc.

Điều này dẫn đến việc mỗi khi cao điểm thu hoạch, lúa tươi sau khi gặt chưa kịp vận chuyển về các nhà máy để xử lý trong “thời gian vàng” (từ 8 - 10 giờ sau thu hoạch). Hệ quả, nhiều giống lúa sau thu hoạch khi đưa về nhà máy không giữ được đặc tính, gạo thành phẩm giảm chất lượng, giá trị chưa cao.

“Là một nhà sản xuất, phân phối, xuất khẩu gạo hàng đầu Việt Nam và tham gia vào Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL đến năm 2030”, Tập đoàn Tân Long tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng hiện đại để khắc phục vấn đề xử lý, bảo quản sau thu hoạch, giảm thất thoát sau thu hoạch, nâng cao chất lượng và giá trị hạt gạo.

Nhà máy gạo Hạnh phúc là một công trình có sứ mệnh như vậy. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ tập trung áp dụng các biện pháp sản xuất phát thải thấp theo tiêu chuẩn quốc tế để góp phần giảm lượng khí thải của ngành lúa gạo, nâng cao khả năng chống chịu trước các tác động kinh tế và khí hậu của nền kinh tế Việt Nam, tăng thu nhập cho người nông dân”, ông Trương Sỹ Bá chia sẻ thêm.

Cùng tham gia đoàn còn có đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các Sở, ngành tỉnh An Giang và UBND huyện Tri Tôn.

Ông Hồ Thanh Bình - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang - cũng chia sẻ với phái đoàn về những điểm mạnh trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, đặc biệt là sản xuất lúa gạo.

Tỉnh An Giang cho biết đang đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường, chất lượng cao và thân thiện với môi trường. Tỉnh cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm và hợp tác của Philippines trong lĩnh vực nông nghiệp và kinh doanh nông sản trong thời gian tới.

Nhà máy gạo Hạnh phúc nằm tại vị trí vùng nguyên liệu trồng lúa trọng điểm của vùng ĐBSCL.

Nhà máy gạo Hạnh phúc nằm tại vị trí vùng nguyên liệu trồng lúa trọng điểm của vùng ĐBSCL.

Bộ trưởng Francisco cùng đoàn lãnh đạo Bộ Nông nghiệp Philippines sau đó đã tham quan thực tế khu vực sản xuất tại Nhà máy gạo Hạnh phúc trước khi kết thúc chuyến làm việc tại An Giang chiều 7/7.

Nhà máy gạo Hạnh phúc do Tập đoàn Tân Long đầu tư xây dựng, tọa lạc tại xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang; tiếp giáp các tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ. Tổng sản lượng 4 tỉnh đạt 13,3 triệu tấn/năm, chiếm tỷ trọng trên 33% sản lượng cả nước và chiếm trên 61,3% diện tích thuộc Đề Án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp của Chính phủ Việt Nam.

Nhà máy gạo Hạnh phúc chú trọng thực hành sản xuất “Tốt từ đầu” bằng dây chuyền và các thiết bị sấy - trữ - xay xát tối ưu, công nghệ hiện đại. Năng lực vận hành tối đa tại nhà máy đạt: Công suất sấy: 4.000 tấn/ngày; Công suất trữ: 240.000 tấn/80 silo; Công suất xay xát: 3.200 tấn lúa khô/ngày; Công suất đóng gói: 2.000 tấn/ngày.

Với công suất thiết kế như trên, cùng với sự đầu tư đồng bộ về dây chuyền và công nghệ sản xuất, Nhà máy gạo Hạnh phúc được xem là nhà máy có quy mô lớn và hiện đại bậc nhất Việt Nam hiện nay.

Xem thêm
Năm tuyển sinh đặc biệt của Trường Đại học Lâm nghiệp

HÀ NỘI Trường Đại học Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) tổ chức lễ nhập học cho tân sinh viên khóa K69 trong không khí rộn ràng của chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường.

Giới đầu tư săn tìm biệt thự ven biển Hạ Long khi nguồn cung nhỏ giọt

QUẢNG NINH Quỹ đất trực vịnh Hạ Long ngày càng khan hiếm khiến nguồn cung biệt thự ven biển ít ỏi, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội từ dòng sản phẩm này.