| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam - Trung Quốc ký bản ghi nhớ vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng

Thứ Tư 13/12/2023 , 15:42 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký Bản ghi nhớ các yêu cầu đối với vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng có sử dụng vacxin.

Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký Bản ghi nhớ các yêu cầu đối với vùng an toàn dịch bệnh Lở mồm long móng có sử dụng vacxin.

Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký Bản ghi nhớ các yêu cầu đối với vùng an toàn dịch bệnh Lở mồm long móng có sử dụng vacxin.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ NN-PTNT đồng ý ký kết Bản ghi nhớ các yêu cầu đối với vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng có sử dụng vacxin. Việc này nhằm thúc đẩy thương mại song phương động vật móng guốc chẵn và sản phẩm động vật của các loài này giữa hai nước 

Bản ghi nhớ này phù hợp với luật pháp và quy định của mỗi nước và dựa trên nguyên tắc không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế cho các bên.

Bản ghi nhớ được xây dựng dựa trên sự thống nhất của hai bên về các yêu cầu cơ bản đối với vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng được nêu tại Phụ lục.

1. Hệ thống quản lý thú y

1.1. Luật và các quy định pháp luật

Hệ thống luật và các quy định pháp luật về thú y của mỗi nước liên quan đến việc xây dựng, quản lý và duy trì vùng an toàn dịch bệnh được thực thi đầy đủ và hiệu quả, tuân theo các tiêu chuẩn kỹ thuật và các biện pháp quản lý, bao gồm các quy định và các biện pháp xử phạt đối với các hoạt động bất hợp pháp.

1.2. Hệ thống thú y

Có cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm quản lý lĩnh vực thú y để bảo vệ sức khỏe động vật. Các nguồn nhân lực, vật lực và nguồn lực tài chính cần bố trí phù hợp để duy trì chức năng của cơ quan này. Cán bộ thú y phải có chuyên môn và bằng cấp phù hợp. Chính quyền có thể tổ chức và triển khai có hiệu quả công tác quản lý thú y trong đó bao gồm tạo miễn dịch phòng bệnh, giám sát, điều tra dịch tễ, chỉ đạo công tác thú y, truy xuất nguồn gốc động vật và điều trị khẩn cấp động vật mắc bệnh truyền nhiễm.

1.3. Hệ thống phòng xét nghiệm

1.3.1. Phòng xét nghiệm có năng lực chẩn đoán, giám sát, điều tra dịch tễ và tập huấn cho cán bộ về bệnh động vật.

1.3.2. Phòng xét nghiệm có các cán bộ kỹ thuật, có bằng cấp phù hợp, có trang thiết bị cơ bản để phục vụ công tác xét nghiệm.

1.3.3. Phòng xét nghiệm cần thiết lập hệ thống bảo đảm chất lượng và bảo đảm các tài liệu về đảm bảo chất lượng được vận hành một cách hiệu quả.

2. Xây dựng vùng đệm

2.1. Vùng an toàn dịch bệnh cần được lựa chọn dựa trên đặc điểm ngăn cách địa lý, hàng rào nhân tạo và quy định của pháp luật. Vùng an toàn dịch bệnh phải được xây dựng tập trung và liên tục. Phân tách địa lý phải rõ ràng ở một quy mô nhất định, phù hợp với vùng địa lý hành chính được công bố trên website chính thức của nhà nước.

2.1.1. Hệ thống ngăn cách vùng an toàn dịch bệnh với những vùng khác có thể được bố trí theo ngăn cách địa lý, hoặc theo ngăn cách nhân tạo như thiết lập khu vực phong tỏa, khu vực cách ly, chốt kiểm soát thú y để ngăn chặn có hiệu quả động vật từ bên ngoài di chuyển vào vùng an toàn dịch bệnh.

2.1.2. Trạm kiểm dịch động vật và khu cách ly động vật được xây dựng phải có các trang thiết bị cần thiết, phục vụ công tác kiểm dịch và phòng ngừa dịch bệnh truyền nhiễm. Cần có các biển cảnh báo đặt trên các tuyến đường giao thông đi đến vùng an toàn dịch bệnh.

2.1.3. Cơ quan chức năng của nước xuất khẩu phải xác nhận và công bố rộng rãi về các cung đường vận chuyển, chốt kiểm soát trên các tuyến giao thông bao gồm cung đường bộ, cảng, đường vào, đường ra khỏi vùng an toàn dịch bệnh.

2.2. Thiết lập vùng bảo vệ (vùng đệm) tối thiểu 3 km xung quanh vùng an toàn dịch bệnh phục vụ cho các hoạt động tiêm phòng bắt buộc và kiểm soát lưu động đối với động vật mẫn cảm với bệnh.

3. Các biện pháp quản lý trong khu vực

3.1. Truy xuất nguồn gốc

Thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với động vật mẫn cảm và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật. Mã số định danh động vật đồng bộ, có hồ sơ lưu giữ và có hệ thống truy xuất dữ liệu.

3.2. Tạo miễn dịch

3.2.1. Sử dụng vacxin phòng bệnh Lở mồm long móng vô hoạt có hiệu quả với các chủng vi rút đang lưu hành tại khu vực xuất phát ban đầu của động vật mẫn cảm và những khu vực khác có liên quan theo đúng quy định trong Bộ luật thú y động vật trên cạn (Terrestrial Animal Health Code) của Tổ chức thú y thế giới (WOAH).

3.2.2. Xây dựng hệ thống bảo quản và vận chuyển lạnh dành cho vacxin (cold chain system)

3.2.3. Động vật mẫn cảm phải được tiêm phòng theo quy định trước khi được đưa vào vùng an toàn dịch bệnh và 100% động vật phải đạt đáp ứng miễn dịch. Tỷ lệ miễn dịch của động vật mẫn cảm bên trong vùng an toàn dịch bệnh phải đạt trên 95%/năm.

3.3. Giám sát

3.3.1. Vùng an toàn dịch bệnh LMLM phải không có ổ dịch LMLM trong 2 năm gần nhất và không có trường hợp lây lan vi rút LMLM trong vòng 12 tháng gần nhất. Động vật mẫn cảm trong vùng an toàn dịch bệnh phải được giám sát và xử lý theo biện pháp đã nêu trong Bộ luật thú y động vật trên cạn của WOAH.

3.3.2. Xác định mức độ kháng thể miễn dịch bằng phương pháp xét nghiệm được nêu trong Bộ luật thú y động vật trên cạn của WOAH với tỷ lệ động vật mẫn cảm có kháng thể miễn dịch đạt từ 70% trở lên.

3.3.3. Bố trí từ 30 động vật chỉ báo trở lên trong vùng an toàn dịch bệnh, những động vật chỉ báo này có độ tuổi phù hợp (theo tháng), có kết quả huyết thanh học âm tính và không có triệu chứng lâm sàng của bệnh LMLM, và việc xét nghiệm huyết thanh học phải được thực hiện thường xuyên. Nếu phát hiện trường hợp mắc bệnh LMLM, cần thực hiện biện pháp xử lý theo các quy định của WOAH và các quy định của Chính phủ hai nước.

3.4. Kiểm soát vận chuyển

3.4.1 Động vật mẫn cảm được đưa vào nuôi cách ly tại khu tập trung ít nhất 45 ngày trước khi được đưa vào vùng an toàn dịch bệnh, động vật này phải không có triệu chứng mắc bệnh truyền nhiễm. Động vật nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm phải được loại bỏ ngay lập tức.

3.4.2. Mỗi động vật phải có dấu hiệu định danh truy xuất nguồn gốc.

3.4.3. Vận chuyển động vật theo cung đường đã được cho phép.

3.4.4. Phương tiện và vật dụng vận chuyển phải được vệ sinh, tiêu độc khử trùng trước và sau khi sử dụng.

3.5. Thực hiện điều tra, báo cáo và tiêu hủy khi xảy ra ổ dịch

3.5.1. Xây dựng kế hoạch tiêu hủy khẩn cấp khi xảy ra dịch bệnh LMLM.

3.5.2. Thực hiện điều tra dịch tễ các ổ dịch nghi ngờ bệnh LMLM tại khu vực nuôi cách ly tập trung, vùng đệm và vùng an toàn dịch bệnh; báo cáo các kết quả điều tra.

3.5.3. Khi ổ dịch đã được xác nhận, cần thiết lập ngay khu vực kiểm soát dịch theo hướng dẫn trong Bộ luật thú y động vật trên cạn của WOAH. Các biện pháp phong tỏa khẩn cấp và kiểm soát ổ dịch phải được triển khai để khử khuẩn toàn bộ khu vực có dịch. Xác định số động vật mẫn cảm, dừng hoạt động vận chuyển; triển khai tiêm phòng khẩn cấp, giám sát huyết thanh học và phát hiện kháng thể kháng protein phi cấu trúc của vi rút LMLM. Tiêu hủy tại chỗ động vật mắc bệnh và thực hiện các biện pháp kiểm soát ổ dịch.

3.5.4. Trong vòng 28 ngày từ khi tiêu hủy, giết mổ động vật tại vùng có dịch, cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu sẽ xem xét quyết định có tạm dừng xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật tại vùng an toàn dịch bệnh bị ảnh hưởng hay không; không cho phép vận chuyển động vật mẫn cảm từ vùng đệm và khu vực nuôi cách ly tập trung vào vùng an toàn dịch bệnh; cấm vận chuyển hoặc xuất khẩu động vật mẫn cảm và sản phẩm động vật từ vùng có dịch vào vùng an toàn dịch bệnh. Tiếp tục giám sát bị động tại vùng an toàn dịch bệnh, vùng đệm và khu vực nuôi cách ly tập trung.

3.5.5. Hỗ trợ đầy đủ trang bị, dụng cụ cho cán bộ chống dịch

3.5.6. Các cơ quan thẩm quyền của nước xuất khẩu kịp thời thực hiện xét nghiệm chẩn đoán và xử lý khẩn cấp đối với những ca bệnh nghi ngờ mắc bệnh LMLM đã được khẳng định.

3.6. Quản lý hồ sơ

Tất cả các cơ quan, tổ chức có liên quan cần thiết lập hệ thống lưu trữ hồ sơ thông tin. Hồ sơ cần được chuẩn hóa, chính xác, đầy đủ, được quản lý thống nhất, chặt chẽ phục vụ công tác kiểm tra.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Quy trình vận hành liên hồ chứa và lưu vực sông cần phải đồng bộ

Việc vận hành đơn lẻ các hồ chứa, lưu vực sông sẽ ảnh hưởng đến quy trình vận hành liên hồ, do vậy cần sớm đồng bộ quy trình vận hành toàn lưu vực.