| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam - Trung Quốc thúc đẩy xuất khẩu nông sản qua các Nghị định thư mới

Thứ Năm 06/06/2024 , 14:53 (GMT+7)

Ngày 6/6, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung tiếp và làm việc với ông Triệu Tăng Liên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về thúc đẩy nông sản giữa hai nước qua các Nghị định thư mới.

Hội đàm giữa Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ngày 6/6. Ảnh: Quỳnh Chi.

Hội đàm giữa Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ngày 6/6. Ảnh: Quỳnh Chi.

Trao đổi tại hội đàm, Thứ trưởng Hoàng Trung bày tỏ lòng cảm ơn đoàn công tác của Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã dành thời gian trao đổi với các cơ quan của Bộ NN-PTNT. 

Thứ trưởng nói: “Trong những năm qua, mối quan hệ hợp tác giữa Bộ NN-PTNT với Tổng cục Hải quan Trung Quốc không ngừng được tăng cường và đi vào thực chất. Đặc biệt, trong giai đoạn diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, hai bên đã phối hợp chặt chẽ, xử lý linh hoạt để đảm bảo thương mại các mặt hàng nông lâm thủy sản giữa hai nước không bị đứt gãy”.

Theo đó, Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã linh hoạt áp dụng các biện pháp đánh giá trực tuyến, ký nghị định thư gián tiếp để mở cửa thị trường đối với các sản phẩm thạch đen, tổ yến, sầu riêng, thanh long…

Năm 2023, kim ngạch thương mại các mặt hàng NLTS giữa Việt Nam - Trung Quốc đạt 15,53 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 12,1 tỷ USD (tăng 16,4% so với năm 2022), nhập khẩu đạt  3,4 tỷ USD (giảm 9,7% so với năm 2022). 

Trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu NLTS giữa hai nước đạt 6,2 tỷ USD (tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ước đạt 4,6 tỷ USD (tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023), nhập khẩu ước đạt 1,6 USD (tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2023).

Thứ trưởng Hoàng Trung bày tỏ cảm ơn những hỗ trợ của Tổng cục Hải quan Trung Quốc trong thời gian qua. Ảnh: Quỳnh Chi.

Thứ trưởng Hoàng Trung bày tỏ cảm ơn những hỗ trợ của Tổng cục Hải quan Trung Quốc trong thời gian qua. Ảnh: Quỳnh Chi.

Với dân số hơn 1,4 tỷ người, tầng lớp trung lưu ngày càng lớn, Trung Quốc là thị trường lớn cho nhiều loại mặt hàng NLTS chất lượng cao. Tuy nhiên, thị phần của nông sản Việt Nam tại đây còn tương đối nhỏ, chiếm chưa đến 5% tổng giá trị nhập khẩu nhóm hàng này của Trung Quốc. Đây cũng chính là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam gia tăng thị phần các mặt hàng NLTS chất lượng cao của mình tại thị trường Trung Quốc.

Tại Hội đàm, hai lãnh đạo cùng thống nhất thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thương mại nông sản và mở cửa thị trường trong thời gian tới.

Theo đó, Hai bên sẽ sớm hoàn tất các thủ tục để ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dừa tươi, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Đối với mặt hàng chanh leo và ớt đã được hai bên thực hiện xuất khẩu thí điểm, Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ thúc đẩy hoàn tất các thủ tục để sớm có thể ký 2 văn kiện này.

Hai nước sẽ phối hợp để hoàn thiện Nghị định thư về xuất khẩu cá sấu, tổ yến thô, gia cầm và thủy sản khai thác của Việt Nam sang Trung Quốc.

Việt Nam và Trung Quốc đã ký tắt kết thúc đàm phán Nghị định thư Yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu dừa tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc. Ảnh minh họa.

Việt Nam và Trung Quốc đã ký tắt kết thúc đàm phán Nghị định thư Yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu dừa tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc. Ảnh minh họa.

Theo Phó Tổng cục trưởng Triệu Tăng Liên, phía Trung Quốc sẽ giao các cơ quan kỹ thuật xem xét và sớm xử lý hồ sơ đăng ký xuất khẩu nông thủy sản của các doanh nghiệp Việt Nam sang Trung Quốc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác thương mại các mặt hàng NLTS.

Cùng với đó, hai bên đã thống nhất cao về phương án để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với cá tầm của Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam. Theo đó, phía Trung Quốc sẽ hỗ trợ phía Việt Nam tăng cường năng lực để giám định loài cá tầm.

Tại hội đàm, Thứ trưởng Hoàng Trung và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc Triệu Tăng Liên đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch đối với khỉ xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Hai lãnh đạo cũng chứng kiến ký tắt kết thúc đàm phán Nghị định thư Yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu dừa tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Thứ trưởng Hoàng Trung và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc Triệu Tăng Liên ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch đối với khỉ xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Ảnh: Quỳnh Chi.

Thứ trưởng Hoàng Trung và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc Triệu Tăng Liên ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch đối với khỉ xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Ảnh: Quỳnh Chi.

Hơn 2 năm qua, trong nỗ lực xúc tiến mở cửa thị trường cho quả dừa tươi, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đã bàn rất sâu với các cơ quan chuyên môn của Trung Quốc về các vấn đề kỹ thuật liên quan đến quản lý sâu bệnh gây hại, các biện pháp quản lý về chất lượng và an toàn của quả, cũng như bao bì sản phẩm.

Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt, đến nay, hai bên đã đạt được thỏa thuận về mặt kỹ thuật và ký kết Nghị định thư.

“Việc thúc đẩy ký kết nghị định thư về quả dừa tươi là một trong những đổi mới Trung Quốc tạo điều kiện cho Việt Nam. Điều này minh chứng hai đạt được sự đồng thuận. Trên cơ sở đó, trong quá trình triển khai thực hiện kỹ thuật thương mại và xuất khẩu, chúng ta sẽ tiếp tục nâng cao vấn đề pháp lý để ký kết ở mức nghị định thương mại trong thời gian tới”, Cục trưởng nói. 

Hiện có nhiều mặt hàng NLTS của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong đó bao gồm 12 mặt hàng rau quả (dưa hấu, măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối tươi, khoai lang, thanh long, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, mít); tổ yến, bột cá và một số sản phẩm phục vụ sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi; mặt hàng sữa và thủy sản các loại.

Xem thêm
Việt Nam - Chile thúc đẩy hợp tác trong kiểm dịch động, thực vật

Chiều 17/6, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung tiếp và làm việc với bà Claudia Sanhueza, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Chile. 

Thủ tướng yêu cầu chủ tịch các tỉnh phải trực tiếp chỉ đạo chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

Chủ tịch các tỉnh, thành phải trực tiếp chỉ đạo xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh...

VinFast VF 3 - 'chân ái' sang xịn mịn của dân văn phòng

Với mức giá chỉ từ 240 triệu đồng, chính sách trả góp hơn 2 triệu đồng/tháng, thiết kế nhỏ gọn và phong cách, VF 3 đang là cái tên 'hot rần rần' với người dùng Việt, đặc biệt là giới văn phòng, công sở.

Tiêu thụ trên 75 tấn trái cây tại các dịch vụ vườn sinh thái

Đồng Nai Lễ hội Trái cây Long Khánh 2024 đã bế mạc sau 5 ngày diễn ra từ 12 đến 16/6, thu hút hơn 70 ngàn lượt du khách đến tham quan trải nghiệm.

Bình luận mới nhất

Những thông tin từ bài viết này càng gợi cho những người làm thủy lợi ở ĐBSCL nhớ tới món nợ thủy lợi cho Cà Mau hơn bao giờ hết! Dự án “Hệ thống công trình phân ranh mặn, ngọt Sóc Trăng - Bạc Liêu” (giai đoạn 2009 - 2012) ra đời sau sự kiện phá đập Láng Châm mới chỉ là biện pháp đối phó tình thế (khi mà mặn đã xâm nhập vào đến Thị xã Ngã Năm). Khi phê duyệt chủ trương đầu tư Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Rà soát, bổ sung quy hoạch, đề xuất các giải pháp trữ ngọt, cấp ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong điều kiện hạn hán, thích ứng với biến đổi khí hậu, sụt lún và đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông ảnh hưởng đến vùng Bán đảo Cà Mau. Dự án “Cống âu thuyền Ninh Quới” là bước đột phá trung gian đầu tiên của Hệ thống, thuộc giai đoạn 2 nhưng lại được làm trước đã phát huy hiệu quả bất ngờ, tạo ra được cục diện mới, lòng tin vào cách làm mới đáp ứng thực tế đời sống và hợp với lòng dân, từng bước tháo gỡ thế bí do xung đột mặn ngọt ở 3 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu trên bán đảo Cà Mau. Hướng chuyển nước ngọt mới bây giờ là rạch Xẻo Chít. Để nước về đến TP Cà Mau, Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2 cần có nội dung tiếp nước cho con rạch này trong thời gian tới. (KS thủy lợi Nguyễn Anh Tuấn – Hội Khoa kọc kỹ thuật thủy lợi TP Hồ Chí Minh)
+ xem thêm