| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam - Trung Quốc: Xây dựng chuỗi cung ứng nông sản bền vững, hạn chế tối đa trung gian

Thứ Ba 30/05/2023 , 16:49 (GMT+7)

Sáng 30/5, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cùng đoàn công tác Bộ NN-PTNT có buổi hội đàm với ông Hứa Hiển Huy, Phó Chủ tịch Khu tự trị Dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây.

Đoàn công tác Bộ NN-PTNT hội đàm với chính quyền Khu tự trị Dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây. Ảnh: Cao Trần.

Đoàn công tác Bộ NN-PTNT hội đàm với chính quyền Khu tự trị Dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây. Ảnh: Cao Trần.

Sáng 30/5, tại TP Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cùng đoàn công tác Bộ NN-PTNT đã có buổi hội đàm với ông Hứa Hiển Huy, Phó Chủ tịch Khu tự trị Dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây cùng lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh về hợp tác phát triển nông nghiệp, thúc đẩy thương mại nông sản giữa Việt Nam và Quảng Tây.

Cần làm tốt công tác thông quan hàng hóa

Mở đầu phần phát biểu, ông Hứa Hiển Huy nhắc tới chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi năm ngoái.

“Cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm ngoái, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm chính thức Trung Quốc theo lời mời của Tổng Bí thư Tập Cận Bình. Hai nhà lãnh đạo đã chỉ ra đường hướng phát triển cho quan hệ giữa hai nước trong thời đại mới, khẳng định quan hệ chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia”, ông Hứa Hiển Huy mở đầu phần phát biểu.

Ông Huy cho biết tỉnh Quảng Tây là khu vực duy nhất ở Trung Quốc có đường bộ, đường thủy nối liền với Việt Nam. Cụ thể là 8 huyện, 3 thành phố với 696 km biên giới với Việt Nam, có cảng biển, cảng đường sông, đường bộ, đường hàng không.

Quảng Tây cũng là tỉnh có diện tích lớn và nền nông nghiệp phát triển. Các sản phẩm nông nghiệp của Quảng Tây như mía đường, hoa quả, dâu tằm, sữa bò, trà, thủy sản, chăn nuôi lợn, có quy mô phát triển thuộc top đầu Trung Quốc. Nông sản chất lượng cao như phở ốc Quế Lâm, trà Lục Bảo ở Ngô Châu, nổi tiếng khắp thế giới.

Bài liên quan

“Không rõ Thứ trưởng Nam đã ăn phở ốc Quế Lâm chưa, nếu chưa thì tôi rất muốn mời Thứ trưởng ăn thử. Món này cũng được Tổng Bí thư Tập Cận Bình rất thích”, ông Hứa vui vẻ chia sẻ.

Năm 2022, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp Quảng Tây đạt 427 tỷ NDT, đứng thứ 9 Trung Quốc, trở thành vùng sản xuất rau, hoa quả, đường, nổi tiếng toàn quốc, vươn tầm thế giới.

Tháng 3 năm nay, Bí thư Khu ủy Quảng Tây dẫn đầu đoàn công tác sang Việt Nam, nêu rõ cần làm tốt công tác thông quan hàng hóa, chuỗi cung ứng nông sản qua biên giới cần tốt hơn nữa, đảm bảo cho nông sản Việt Nam sang Trung Quốc được thuận lợi. Việc này sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế thương mại song phương, với phạm vi lớn hơn, mức độ sâu hơn, lĩnh vực rộng hơn, thành quả to lớn hơn.

Những năm gần đây, Quảng Tây phát huy ưu thế địa lý, đẩy mạnh giao thương với Việt Nam, đạt được hiệu quả nổi bật.

Tính đến năm 2022, Việt Nam đã 24 năm liên tiếp là bạn hàng mậu dịch lớn nhất của Quảng Tây. Riêng trong năm 2022, tổng giá trị nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Quảng Tây đạt hơn 14 tỷ NDT. Từ tháng 1 đến tháng 4/2023, mậu dịch nông sản song phương đạt hơn 4 tỷ NDT, tăng hơn 40% so với cùng kỳ.

Ông Hứa nhấn mạnh đến việc tỉnh Quảng Tây ủng hộ doanh nghiệp xây dựng trạm thí nghiệm giống nông nghiệp chất lượng cao. Năm ngoái, các trạm thí nghiệm đã nhập hơn 27 loại giống chất lượng cao để nghiên cứu mẫu.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam và ông Hứa Hiển Huy, Phó Chủ tịch Khu tự trị Dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây trao đổi nhiều thông tin hợp tác phát triển Việt Nam và Quảng Tây. Ảnh: Cao Trần.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam và ông Hứa Hiển Huy, Phó Chủ tịch Khu tự trị Dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây trao đổi nhiều thông tin hợp tác phát triển Việt Nam và Quảng Tây. Ảnh: Cao Trần.

Quảng Tây cũng cùng với các tỉnh biên giới của Việt Nam như Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, xúc tiến kiểm soát dịch bệnh trên động, thực vật.

Tỉnh cũng coi trọng việc doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam, hiện tại có 14 doanh nghiệp Quảng Tây đang đầu tư ở Việt Nam. Trong khi đó, tại hai thành phố biên giới là Đông Hưng và Bằng Tường, các khu thương mại nông nghiệp đang được xây dựng.

Từ năm 2017, Trung Quốc và Việt Nam đã phối hợp thả giống thủy sản ở Vịnh Bắc Bộ. Riêng Trung Quốc đã thả hơn 230 triệu con giống nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ngày 6/5, ông Hứa Hiển Huy cùng Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Việt Nam Nguyễn Quang Hùng, đã cùng tham gia hoạt động này, đảm bảo cho việc phát triển nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ.

Đề xuất về hợp tác nông nghiệp, ông Hứa nêu vấn đề phát triển ổn định mậu dịch nông sản, thúc đẩy doanh nghiệp Quảng Tây xuất khẩu nông sản chất lượng cao sang Việt Nam.

Mặt khác, ông Hứa bày tỏ hy vọng cùng các cơ quan liên quan của Việt Nam phát triển nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ, đảm bảo phát triển, nhưng cũng chú trọng tới tái tạo nguồn lợi. Về thương mại, ông Hứa nói Quảng Tây mong đợi phía Việt Nam cùng hỗ trợ doanh nghiệp hai nước phát triển về chế biến nông sản, đặc biệt là chế biến sâu. Quảng Tây cam kết hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, phát triển thương mại nông sản tại tỉnh này.

Đề xuất thành lập Hiệp hội nông sản Việt Nam - Quảng Tây

Phát biểu đáp từ, Thứ trưởng Trần Thanh Nam bày tỏ cảm ơn chân thành tới sự đón tiếp của lãnh đạo tỉnh Quảng Tây. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho biết sau đại dịch Covid-19, điều cần thiết hiện nay là nối lại chuỗi cung ứng nông sản, nâng thương mại giữa hai nước lên tầm cao mới.

“Tỉnh Quảng Tây là cửa ngõ từ Việt Nam vào Trung Quốc, chúng ta cần phát triển mạnh hơn nữa quan hệ truyền thống. Chúng tôi đánh giá rất cao thành tựu nông, lâm nghiệp Quảng Tây. Các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam có thế mạnh về gỗ, sản phẩm ngoài gỗ, do đó việc hợp tác giữa hai bên là rất cần thiết”, Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, ngoài việc các nhà lãnh đạo hai nước có những chuyến thăm hỏi lẫn nhau, lãnh đạo các tỉnh biên giới và những địa phương khác cũng thường xuyên tới thăm Trung Quốc.

Trên cơ sở ý kiến của phía Quảng Tây, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề xuất thúc đẩy trao đổi khoa học công nghệ giữa hai bên, hợp tác cùng phát triển.

“Bộ NN-PTNT chúng tôi có 4 trường đại học, 28 trường cao đẳng, đều có hợp tác với các trường của Quảng Tây. Rất nhiều chương trình hợp tác về giống, về cơ giới đã được triển khai. Nhân cơ hội này, tôi mong hai bên tích cực trao đổi khoa học công nghệ”.

Hai lĩnh vực trọng yếu về khoa học công nghệ của Quảng Tây được Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhắc tới là giống và cơ giới hóa, chế biến sản phẩm từ gỗ. Mặt khác, Thứ trưởng cũng lưu ý tới việc đào tạo giữa hai bên.

“Ngoài việc sinh viên sang du học, chúng tôi cũng mong phía Quảng Tây tạo điều kiện cung cấp các suất học bổng cho cán bộ của Bộ sang học về ngôn ngữ và nghiên cứu nông nghiệp”.

Thông qua hệ thống đại học hai bên, Thứ trưởng đề xuất xây dựng Trung tâm Đổi mới & Sáng tạo, Phát triển Nông nghiệp bền vững. Đây sẽ là nơi ươm mầm sáng tạo cho sinh viên, cán bộ nông nghiệp hai nước.

Ngoài ra, Thứ trưởng Trần Thanh Nam mong muốn xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, có sự giám sát của cơ quan chức năng, hạn chế tối đa khâu trung gian gây tăng giá thành. Thứ trưởng cho rằng, cần phối hợp với Bộ Công thương để xây dựng chuỗi cung ứng, khu thương mại như đề xuất của phía Quảng Tây.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cùng Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Tây Hứa Hiển Huy (bên phải) trao quà lưu niệm. Ảnh: Cao Trần.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cùng Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Tây Hứa Hiển Huy (bên phải) trao quà lưu niệm. Ảnh: Cao Trần.

Về chuỗi bảo quản lạnh, đây là khâu cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng và doanh nghiệp hai nước để đảm bảo chất lượng. Về chăn nuôi, Thứ trưởng Nam mong muốn các doanh nghiệp Quảng Tây đầu tư xây dựng khu chăn nuôi và chế biến công nghệ cao với một số loại như lợn, gà, bò. “Sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam đã xuất khẩu sang một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga. Sắp tới, chúng tôi hy vọng hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Cục Thú y của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc để thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng này”.

Trước khi có sự thống nhất giữa Bộ Nông nghiệp hai nước, Thứ trưởng kiến nghị phía Quảng Tây ủng hộ cho doanh nghiệp hai bên thí điểm xây dựng khu chế biến gia súc công nghệ cao ở biên giới.

“Thị trường hai nước rất lớn, chúng ta có thể bổ sung, kết hợp với nhau. Ngoài ra, tôi cũng mong phía Quảng Tây mở thêm các khu vực xuất nhập khẩu rau củ quả ở các cặp cửa khẩu”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam bày tỏ.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề xuất mở thêm Hội chợ riêng cho các tỉnh biên giới Việt Nam với Quảng Tây. “Bộ Nông nghiệp sẽ đứng ra cùng các tỉnh biên giới, phối hợp với phía Quảng Tây, luân phiên tổ chức thường niên giữa hai bên, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng chuỗi cung ứng, phục vụ xuất nhập khẩu”.

Ngoài ra, Thứ trưởng đề xuất thành lập Hiệp hội nông sản Việt Nam - Quảng Tây, tạo ra kênh chính thống cho doanh nghiệp hai bên cùng phát triển.

(ghi)

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhiều dự án nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ đạt kết quả tốt

Chiều 22/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới vùng Đông Á – Thái Bình Dương Manuela V. Ferro.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.