| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam cần 20 tỷ USD để xử lý nước thải sinh hoạt đô thị

Thứ Ba 12/04/2022 , 21:54 (GMT+7)

Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, ông Nguyễn Thế Đồng cho rằng nước ta cần đầu tư đồng bộ để xử lý triệt để vấn đề nước thải sinh hoạt.

Toàn cảnh Tọa đàm chiều 12/4.

Toàn cảnh Tọa đàm chiều 12/4.

Chiều 12/4, phát biểu tại Tọa đàm “Xử lý nước thải sinh hoạt đô thị”, ông Nguyễn Thế Đồng – Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - nhận định, với hệ thống hạ tầng xử lý nước thải như hiện tại, Việt Nam cần khoảng 20 tỷ USD để dứt điểm vấn đề nước thải, đặc biệt là nước thải sinh hoạt tại các đô thị.

Con số 20 tỷ USD cũng từng được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhắc đến khi tư vấn cho Chính phủ Việt Nam, nhằm đạt mục tiêu khoảng 35 triệu dân số đô thị được kết nối với hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung vào năm 2025

Tính toán của ADB dựa trên chi phí bình quân đầu người cho việc kết nối với một hệ thống nước thải mới rơi vào khoảng từ 200-600 USD. Đây là một con số lớn, nhất là trong bối cảnh nhiều công ty xử lý nước thải không được chuẩn bị đầy đủ để hoạt động trên nguyên tắc thương mại và thu hút vốn, cũng như chuyên môn kỹ thuật từ khu vực tư nhân.

Vấn đề này được ông Đồng xác nhận. Chuyên gia này liệt kê thêm 4 nguyên nhân, lý giải cho nguồn vốn đầu tư lên tới 20 tỷ USD trong thời gian tới.

Một, cơ sở hạ tầng về xử lý nước thải đang gặp nhiều khó khăn bất cập, không theo kịp quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá.

Hai, ý thức trách nhiệm của bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, các tổ chức trên địa bàn đô thị, trong đó nhiều doanh nghiệp vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường.

Ba, quy hoạch về cấp thoát nước ở các tỉnh, thành phố còn nhiều bất cập nên quá trình xử lý nước thải gặp nhiều thách thức, khó khăn cho các doanh nghiệp.

Bốn, thiếu cơ chế thu hút, khuyến nghị đầu tư, khiến thị trường xử lý nước thải hầu như chưa được khai thác. Nhà đầu tư triển khai kinh doanh khó thu được hiệu quả mong muốn.

Ông Nguyễn Thế Đồng, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường.

Ông Nguyễn Thế Đồng, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường.

Bàn sâu thêm về vấn đề này, Đại biểu quốc hội Nguyễn Quang Huân – Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam - cho biết, khoảng 80-90% nước thải đang bị xả thẳng ra môi trường.

"Năng lực xử lý nước thải của nước ta hiện rất thấp. Nếu tình trạng này tiếp diễn, 20-30 năm nữa con cháu chúng ta sẽ không có nước sạch để dùng", ông Huân bày tỏ.

Một khó khăn nữa, trong quá trình nâng cao năng lực xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, là đa số hệ thống xử lý nước thải hiện bị gộp chung, trong khi để đạt được hiệu quả tối ưu, chúng ta cần tách thành hai hệ thống song hành.

"Việc hình thành các khu công nghiệp diễn ra nhanh nên mật độ xây dựng tăng. Điều này khiến những đường ống được xây dựng từ lâu bị quá tải", ông Lương Ngọc Khánh – Trưởng Phòng Quản lý thoát nước, Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) nói thêm. 

Là Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Quang Huân nêu giải pháp của địa phương, đó là kêu gọi đầu tư sớm; chủ động, linh hoạt trong chính sách xây dựng thành phố thông minh, trong đó tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin đảm bảo minh bạch về tình hình môi trường trên địa bàn.

Trên quan điểm này, ông Huân nêu giải pháp về chuyển đổi số như một cách làm căn cơ để xử lý nước thải. 

Khoảng 80-90% nước thải tại Việt Nam đang bị xả thẳng ra môi trường.

Khoảng 80-90% nước thải tại Việt Nam đang bị xả thẳng ra môi trường.

Tại một địa phương khác cũng có nhiều khu công nghiệp - tỉnh Bắc Ninh - ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng lại đề cao vai trò của quy hoạch. Ông cho rằng cần có khu đất dành riêng cho việc xử lý nước thải, đồng thời địa phương phải ưu tiên đầu tư cho việc này.

"Từ năm 2015, khu nhà ở, mạng lưới xử lý nước thải của tỉnh Bắc Ninh đã được quan tâm, xây dựng riêng. Những nhà máy về sau sẽ đấu nối tiếp vào trong hệ thống sẵn có", ông Hoàn bày tỏ.

Xem thêm
Thái Lan dự kiến xuất khẩu 1 triệu tấn sầu riêng trong năm 2024

Thái Lan đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn sầu riêng, trị giá khoảng 130 tỷ baht, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kem Thủy Tạ ra mắt 2 vị kem mới tại Lễ hội 2024

Ngày 20/4, Công ty CP Thực phẩm Thủy Tạ tổ chức 'Lễ hội Kem Thủy Tạ 2024' tại Nhà hàng Thủy Tạ Legend, số 1 Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội.