Xuất khẩu sang Hoa Kỳ lần đầu vượt mốc 101 tỷ USD. Thủy sản và phân bón đem về cho Cà Mau hơn 1,3 tỷ USD. Diện tích nuôi cá tra tại Cần Thơ tăng 8,5%. Dự trữ hàng hóa Tết 2023 tăng 10 - 12%.
XUẤT KHẨU SANG HOA KỲ LẦN ĐẦU VƯỢT MỐC 101 TỶ USD
Theo số liệu Tổng cục Hải quan mới được công bố, tháng 11, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 7,84 tỷ USD, qua đó nâng tổng kim ngạch tính từ đầu năm lên 101,22 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái.Đáng chú ý, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu đầu tiên từ trước đến nay cán mốc 100 tỷ USD/năm và vượt cả năm 2021 dù mới chỉ 11 tháng. Với kết quả trên, Hoa Kỳ tiếp tục duy trì vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ra, chiếm gần 30% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
THỦY SẢN VÀ PHÂN BÓN ĐEM VỀ CHO CÀ MAU HƠN 1,3 TỶ USD
Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết lĩnh vực chế biến tôm và sản xuất phân bón tiếp tục là điểm sáng của ngành công nghiệp tỉnh trong năm 2022. Trong đó, sản lượng chế biến tôm ước đạt 200 ngàn tấn, vượt hơn 27% kế hoạch, tăng hơn 11 % so cùng kỳ; sản lượng phân bón ước đạt 1 triệu tấn, đạt 100% kế hoạch.Kim ngạch xuất khẩu thủy sản và phân bón ước đạt 1,3 tỉ USD. Trong đó: thủy sản đạt hơn 1 tỷ USD, bằng 101% kế hoạch, tăng 5% so với cùng kỳ; phân bón ước đạt 215 triệu USD, bằng 275% kế hoạch, tăng 145% so với cùng kỳ...
DIỆN TÍCH NUÔI CÁ TRA TẠI CẦN THƠ TĂNG 8,5%
Theo thống kê của sở NN&PTNT thành phố Cần Thơ, diện tích thả nuôi thủy sản 11 tháng 2022 ước đạt 5.473ha, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó diện tích nuôi cá tra tăng 8,5%, diện tích nuôi cá tra thâm canh, bán thâm canh đạt 766ha, Hiện, giá cá tra nguyên liệu đang được người dân bán cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu dao động từ 25.000-30.000 đồng/kg, tăng từ 6000-8000 đồng/kg so với cùng kỳ.Theo các chuyên gia dự báo nguồn cung cấp cá tra nguyên liệu cho việc chế biến và xuất khẩu từ đây đến cuối năm 2022 vẫn còn thiếu so với nhu cầu hiện nay.
DỰ TRỮ HÀNG HÓA TẾT 2023 TĂNG 10 - 12%
Theo Tổ Điều hành Thị trường trong nước (Bộ Công thương), thị trường hàng hoá giai đoạn cuối năm và Tết Nguyên đán 2023 sẽ sôi động hơn, dự trữ hàng hoá tại nhiều địa phương tăng khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tập trung chủ yếu đối với một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống/thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường...Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa Tết 2023 dự kiến sẽ tăng khoảng 8-10% so với năm ngoái, tuy hiên, do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên giá các mặt hàng thiết yếu năm nay tăng nhẹ so với năm trước.Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022, sản lượng rau củ quả đạt 19 triệu tấn, tăng 670.000 tấn so với cùng kỳ năm 2021, sản lượng thịt đạt 6,98 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2021; Sữa tươi 1,16 triệu tấn; Trứng đạt 18,4 tỷ quả.