| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam hướng đến nông nghiệp sinh thái, giảm phát thải và phát triển bền vững

Thứ Năm 20/10/2022 , 14:43 (GMT+7)

Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp lương thực thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững với một nền nông nghiệp xanh, giảm phát thải.

Ngày 20/10, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Diễn đàn Nông nghiệp sinh thái: Giải pháp giảm phát thải và phát triển nông nghiệp bền vững.

Nông dân bắt đầu thay đổi tư duy sản xuất

Theo báo cáo tại hội nghị, nông nghiệp Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực, ổn định xã hội và tạo sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, đóng góp gần 15% GDP quốc gia.

Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ các vấn đề nội tại lẫn các yếu tố khách quan như: Nguồn nguyên liệu cạn kiện, biến đổi khí hậu, biến đổi thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới.

Hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chủ yếu hiện nay vẫn ở dạng nông hộ có quy mô rất nhỏ (với hơn 9,2 triệu hộ). Cộng đồng nông nghiệp và nông thôn tiếp tục nằm trong nhóm những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất. Nông nghiệp không chỉ là ngành chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu mà còn là nguồn gây phát thải khí nhà kính đáng kể.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Quang Yên.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Quang Yên.

Tham luận tại hội nghị, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk) cho biết, đơn vị là một trong những nhà xuất khẩu hồ tiêu uy tín của Việt Nam, đã làm việc trực tiếp với hệ thống nông dân từ năm 2012. 

Hiện nay, mạng lưới nông dân liên kết với công ty thực hiện các chương trình canh tác hồ tiêu bền vững và có trách nhiệm là 6.000 nông dân. Mục tiêu của Simexco Đắk Lắk là sản xuất có trách nhiệm giảm phát thải CO2 để hướng tới lộ trình giảm phát thải CO2 xuống mức “zero” vào năm 2050, đồng thời đóng góp vào mục tiêu giảm khí thải nhà kính (GHG). Bên cạnh đó các dự án cũng rất quan tâm tới lao động trẻ em, bình đẳng giới.  

Dưới sự tài trợ của các tổ chức phi chính phủ (NGOs), IDH (sáng kiến thương mại bền vững), Maccomick, Tập đoàn Griffith Food. Simexco đã triển khai các chương trình hồ tiêu bền vững và đạt được những kết quả tích cực nhờ vào việc áp dụng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tái tạo. 

Hiện nay nông dân trong dự án của Simexco đã giảm được 25% lượng nước tưới, hạn chế tối đa việc khai thác mạch nước ngầm. Dựa vào kết quả phân tích đất bón phân theo khuyến cáo, giảm phân bón hóa học, thuốc BVTV 15% tăng phân hữu cơ vi sinh, tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp để ủ phân hữu cơ; đưa ra quy trình ủ phân hữu cơ để nông dân áp dụng hiệu quả.

Ông Võ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, lượng phân bón sử dụng trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 1,2 triệu tấn/năm, trong đó phân vô cơ chiếm 60%, phân hữu cơ chiếm 40%.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 1,2 triệu tấn phế phụ phẩm và khoảng 4 triệu tấn chất thải trong chăn nuôi được dùng để sản xuất phân bón hữu cơ. Bình quân lượng phân bón sử dụng theo diện tích gieo trồng là 4 tấn/ha/năm.

UBND tỉnh Đắk Lắk đang định hướng cho nông sân sản xuất tập trung, bền vững. Ảnh: Quang Yên.

UBND tỉnh Đắk Lắk đang định hướng cho nông sân sản xuất tập trung, bền vững. Ảnh: Quang Yên.

Theo ông Cảnh, UBND tỉnh Đắk Lắk đã và đang định hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, bền vững, bảo vệ tài nguyên đất, nước và môi trường sinh thái theo hướng tăng trưởng xanh. Địa phương khuyến kích người dân duy trì lối sống hòa hợp với thiên nhiên ở nông thôn, ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm lượng khí thải gắn với tái tạo rừng.

Sản xuất lương thực minh bạch

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, tại hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (Hội nghị COP 26), Thủ tướng đã đưa ra cam kết là Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Để làm được việc này, Bộ NN-PTNT đang tích cực triển khai xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm kế hoạch giảm phát thải khí mê-tan trong lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2030.

Cùng với đó, Bộ NN-PTNT đẩy mạnh thực hiện “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 1/2022, với mục tiêu “Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong ổn định kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiệu có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải nhà kính”.

Việt Nam sẽ trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp lương thực thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững với một nền nông nghiệp xanh - giảm phát thải. Ảnh: Quang Yên.

Việt Nam sẽ trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp lương thực thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững với một nền nông nghiệp xanh - giảm phát thải. Ảnh: Quang Yên.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, để thực hiện các chiến lược, cam kết quốc tế, Việt Nam cần phải nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ, mà cả khối tư nhân, doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia thực hiện ở các quy mô khác nhau.

Mục tiêu là khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội và chuyển đổi mô hình sản xuất từ “tăng trưởng về sản lượng, năng suất, sử dụng nhiều đầu vào, thâm dụng tài nguyên” sang mô hình tăng trưởng nông nghiệp “xanh, ít phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Với tư duy đổi mới và cùng hành động, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh tin rằng, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp lương thực thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững với một nền nông nghiệp xanh - giảm phát thải.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.