4 hướng nhiệm vụ chính
“Khám phá tiềm năng bền vững của ngành chăn nuôi thông qua nghiên cứu vì cuộc sống và hành tinh tốt đẹp hơn”, chiến lược mới của ILRI, đặt mục tiêu tiếp tục cải thiện an ninh lương thực, nâng cao sinh kế và thúc đẩy phát triển bền vững ở các quốc gia phía Nam bán cầu.
“ILRI chọn Việt Nam là trung tâm khu vực cho nghiên cứu và đầu tư ở Đông và Đông Nam Á, nhờ vào nhiều dự án nghiên cứu tại khu vực sông Mekong và quan hệ đối tác mạnh mẽ tại địa phương”, GS Appolinaire Djikeng, Tổng giám đốc Viện Nghiên cứu chăn nuôi quốc tế (ILRI) nói và cho biết thêm, rằng Việt Nam thời gian qua đã đóng vai trò tiên phong trong nhiều thành công của ILRI tại khu vực.
Theo ông Djikeng, chiến lược mới không chỉ nhằm tăng cường năng suất của hệ thống chăn nuôi mà còn đảm bảo rằng năng suất này bền vững và công bằng.
Với việc triển khai 4 sáng kiến nghiên cứu mới của CGIAR, gồm hệ thống lương thực bền vững, sức khỏe động vật, chuyển đổi hệ thống thực phẩm, thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, ILRI đã nhìn thấy nhiều cơ hội lớn để tận dụng nền tảng nghiên cứu vững chắc của Việt Nam, nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu mới nổi.
Tuy nhiên, khi đối mặt với những thay đổi này, lãnh đạo ILRI cho rằng không được quên những lợi ích đa dạng mà chăn nuôi mang lại cho hệ thống thực phẩm và phát triển, cũng như nhu cầu ngày càng tăng về sản phẩm động vật, đặc biệt là ở các khu vực như châu Phi và châu Á.
“Sự chuyển đổi mà chúng ta mong muốn phải công bằng và bao trùm, cho phép hệ thống chăn nuôi đáp ứng nhu cầu này mà không làm giảm đi những đóng góp của nó đối với phát triển”, ông bày tỏ.
Thông qua chiến lược này, ILRI kỳ vọng sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác để khai thác những đổi mới tiên tiến nhất, thúc đẩy nghiên cứu có tác động và xây dựng các mối quan hệ hợp tác. Mục tiêu của chiến lược là mang lại lợi ích cho hơn 300 triệu người trên toàn cầu, từ nông dân, nhà sản xuất đến người tiêu dùng, bằng cách cung cấp các giải pháp chăn nuôi bền vững góp phần chuyển đổi hệ thống thực phẩm trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu.
Kể từ năm 1999, ILRI đã hợp tác với các đối tác Việt Nam, thành lập văn phòng riêng vào năm 2006 và mở rộng danh mục nghiên cứu. Đến nay, văn phòng khu vực của ILRI tập trung vào sức khỏe động vật, an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, các bệnh mới nổi, cải thiện sản xuất chăn nuôi và chuỗi giá trị.
Những dự án này giúp nâng cao năng lực khoa học, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành chăn nuôi Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, các yêu cầu thị trường ngày càng cao, các rào cản về kỹ thuật và chất lượng cho việc xuất nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi.
Đồng thời, những nghiên cứu về sức khỏe sinh thái, một sức khỏe, và an toàn thực phẩm đã đặt nền móng cho sự tiến bộ trong tương lai. Những nỗ lực này đã giúp Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu trong đổi mới và sức khỏe chăn nuôi khu vực, góp phần định hình chương trình nghiên cứu rộng hơn của chúng ta.
Năm 2024 đánh dấu cột mốc 50 năm thành lập Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI), một trung tâm trực thuộc CGIAR. Do đó, tổ chức này hy vọng có thể đóng góp nhiều hơn vào việc cải thiện hệ thống chăn nuôi, đặc biệt trong các lĩnh vực an toàn thực phẩm, khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và quản lý bệnh dịch.
Cam kết mạnh mẽ từ Bộ NN-PTNT
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, vào tháng 10/2020, Việt Nam đã ban hành chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045. Ngay sau đó, Bộ NN-PTNT tiếp tục tham mưu Chính phủ phê duyệt 5 đề án chuyên ngành liên quan tới chăn nuôi về giống, giết mổ tập trung, thức ăn chăn nuôi, công nghệ sinh học...
Lãnh đạo ngành nông nghiệp nhận định, ILRI đã có những đóng góp quan trọng cho ngành chăn nuôi của Việt Nam trong 4 lĩnh vực chính. Về an toàn thực phẩm, các dự án của ILRI đã giảm thiểu nguy cơ về bệnh truyền qua thực phẩm thông qua tăng cường kiểm soát trong các chuỗi giá.
Về di truyền chăn nuôi, ILRI đã cải thiện năng suất và khả năng thích ứng thông qua nghiên cứu các giống bản địa và hỗ trợ nông dân quy mô nhỏ. Về công tác bảo vệ sức khỏe động vật của ILRI, thông qua phương pháp Một Sức khỏe, đã cải thiện quản lý bệnh lây truyền từ động vật sang người và nâng cao nhận thức về việc sử dụng kháng sinh hợp lý.
Ngoài ra, ILRI còn thúc đẩy khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và sinh kế bền vững, giúp nông dân giảm phát thải khí nhà kính và áp dụng các biện pháp bền vững, đặc biệt là tại các khu vực dễ bị tổn thương. Những nỗ lực này phù hợp với các mục tiêu về an ninh lương thực, giảm nghèo và thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam.
"Bộ NN-PTNT cam kết sẽ tiếp tục đồng hành và mở rộng hợp tác với ILRI, cùng các đối tác trong và ngoài nước để tạo nên những thành quả thiết thực, đảm bảo cuộc sống tốt hơn cho con người, sức khỏe vật nuôi và môi trường không chỉ cho Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Qua 50 năm hình thành và phát triển của ILRI, Thứ trưởng đánh giá, tổ chức này đã góp phần không nhỏ vào việc cải thiện an ninh lương thực, nâng cao đời sống người dân ở Việt Nam, nhất là các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Bộ NN-PTNT vinh dự được đồng hành và là đối tác truyền thống của ILRI- Việt Nam, đặc biệt khi Việt Nam được chọn là trung tâm nghiên cứu và đầu tư của ILRI tại khu vực Đông Nam Á.
Với tiềm năng và thế mạnh của ILRI về tăng cường năng lực và nghiên cứu khoa học ứng dụng, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tin tưởng, tổ chức này sẽ có nhiều đóng góp quan trọng vào hệ thống thực phẩm bền vững, sức khỏe động vật, ứng phó biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, ông lưu ý thêm, rằng tại Việt Nam tỷ lệ chăn nuôi nông hộ còn tương đối lớn (khoảng 30-40%). Vì vậy, ông mong muốn những nghiên cứu của ILRI sẽ có thêm nhiều hơn nghiên cứu hơn cho nhóm đối tượng này, bên cạnh phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn.
Để ghi nhận và tôn vinh những đóng góp trong quá trình hợp tác của hai bên trong 25 năm hợp tác vừa qua, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thay mặt Bộ NN-PTNT trao tặng 2 Bằng khen cho Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) và TS Fred Unger, Trưởng đại diện ILRI Khu vực Châu Á vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn.
Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long đánh giá, các mục tiêu trong chiến lược của ILRI có nhiều điểm tương đồng với chiến lược phát triển chăn nuôi của Việt Nam. Ông nhận xét: "Các đối tác, tổ chức, cá nhân khi phối hợp triển khai chiến lược cùng ILRI cũng là góp phần giúp Việt Nam tăng cường tính chống chịu và phát triển bền vững ngành chăn nuôi".