Ngành chăn nuôi Việt Nam trong những năm qua đã có những bước tăng trưởng đáng kể, tuy nhiên song hành cùng đó vẫn còn rất nhiều khó khăn và thách thức.
Tại Việt Nam, dịch tả lợn Châu Phi phát hiện chính thức vào tháng 2/2019, sau đó nhanh chóng lan rộng khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hiện, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, Việt Nam đã có một bước ngoặt lớn khi sản xuất và xuất khẩu thành công vacxin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
TS. Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết: Một trong những giải pháp rất quan trọng là khi mua con giống, phải đảm bảo rằng chúng có nguồn gốc rõ ràng và xuất phát từ những cơ sở an toàn dịch bệnh, đặc biệt là những cơ sở ở vùng không có dịch tả lợn Châu Phi.
Thứ hai, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn trong việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Việc này không chỉ giúp bảo vệ trang trại của mình mà còn góp phần ngăn chặn dịch bệnh lan rộng, qua đó cũng gián tiếp bảo vệ cho chính trang trại của mình.
Thứ ba, việc chăm sóc và nuôi dưỡng đàn lợn cũng cực kỳ quan trọng. Đặc biệt, hiện nay đã có vacxin phòng chống dịch tả lợn châu Phi, vì vậy cần tích cực sử dụng vacxin này cho lợn thịt.
Tuyệt đối không nên bán tháo lợn khi có dấu hiệu dịch bệnh, bởi vì thực tế cho thấy tình trạng lây lan dịch bệnh phần lớn xuất phát từ việc bán tháo, giết mổ, và vận chuyển lợn bệnh từ nơi này sang nơi khác, khiến cho dịch bệnh phát tán rất khó kiểm soát.
TS. Fred Unger, Trưởng Đại diện Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) tại châu Á cho rằng: Chính phủ Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong những năm gần đây. Ông tin rằng, những nỗ lực này cần được duy trì và phát triển thêm. Những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam được thể hiện rõ ràng qua tầm nhìn và cam kết phát triển ngành chăn nuôi được công bố vào tháng 3 vừa qua.
Theo TS. Fred Unger, việc có một tầm nhìn tổng thể về sự chuyển đổi hệ thống thực phẩm quốc gia là điều vô cùng quan trọng. Một trong những tiến bộ nổi bật là các quy định mới đã được ban hành. Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức trong việc thực thi các quy định này.
Trong thời gian tới, ngành thú y Việt Nam cần tăng cường tính liên ngành để đạt được hiệu quả cao hơn. Ông muốn nhấn mạnh rằng, Việt Nam đang đi đầu trong nỗ lực này. Việc phòng ngừa dịch bệnh đã được thực hiện khá tốt.
Dù dịch tả lợn châu Phi không lây sang người, nhưng sự hợp tác trong Đối tác Một sức khỏe là minh chứng rõ ràng cho sự hợp tác liên ngành.
Nhóm Đối tác Một sức khỏe bao gồm các chuyên gia về sức khỏe động vật, y tế công cộng, những người đánh giá rủi ro về phúc lợi, cũng như các chuyên gia về khía cạnh văn hóa xã hội, nhằm thay đổi hành vi của nông dân, các chuyên gia về khí hậu và các nhà kinh tế.
Cần có một cách tiếp cận toàn diện, chẳng hạn như cách tiếp cận Một sức khỏe hoặc các phương pháp tiếp cận hệ thống thực phẩm, để giải pháp đưa ra phải sát sao với thực tiễn. Điều này có nghĩa là giải pháp phải phù hợp với ngành công nghiệp hiện đại, đồng thời cũng cần xem xét đến các nhu cầu, yêu cầu, hoặc thách thức của các lĩnh vực quy mô nhỏ và vừa.
Giải pháp có thể bao gồm việc phát triển các quy trình hướng dẫn được thiết kế riêng biệt cho các lĩnh vực này, chẳng hạn như thực hành nông nghiệp tốt hoặc các phương pháp tương tự. Tất nhiên, khu vực tư nhân đóng vai trò then chốt và cần được tích cực tham gia, đặc biệt là trong việc triển khai nhân rộng các giải pháp.
"Tôi xin khẳng định, Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) và Nhóm tư vấn nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR) cam kết mạnh mẽ trong việc hỗ trợ Chính phủ và nông dân Việt Nam giải quyết các nhu cầu này, nhằm phát triển một ngành chăn nuôi bền vững hơn trong tương lai." TS. Fred Unger cam kết.