33 bài tham luận tại hội nghị
Với tinh thần làm việc khẩn trương, Hội nghị thường niên lần thứ 43 của Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai (ACDM) đã thảo luận, cho ý kiến về 8 nhóm nội dung. Trong đó, có các nhiệm vụ trọng tâm như: Cập nhật tiến độ thực hiện Chương trình công tác Hiệp định ASEAN về quản lý thiên tai và ứng phó khẩn cấp (ADMER) 2021 - 2025; Hoàn thiện dự thảo Tuyên bố Hạ Long của các Bộ trưởng ASEAN về Tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai khu vực ASEAN.
Hội nghị cũng được nghe và cho ý kiến đánh giá về thành tựu đạt được và những tồn tại cần khắc phục của Chương trình công tác thực thi Hiệp định ASEAN về quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp giai đoạn 2021 - 2025; cho ý kiến xây dựng Chương trình công tác giai đoạn 2025 - 2030; triển khai các quy định tài chính của Quỹ Quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp ASEAN (Quỹ ADMER).
Chủ trì buổi làm việc, ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ NN-PTNT tổng kết, đã có 33 bài trình bày và các ý kiến trao đổi từ các quốc gia thành viên Ủy ban và các đại biểu tham dự đã được đưa ra tại hội nghị.
Ngoài ra, các đại biểu cũng tham gia cho ý kiến hoàn thiện dự thảo về nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng thư ký ASEAN với vai trò là Điều phối viên Hỗ trợ nhân đạo ASEAN; cho ý kiến về chương trình hợp tác với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản; cập nhật và thảo luận về kết quả thực hiện các hoạt động quản lý thiên tai khu vực ASEAN thời gian qua và các nội dung liên quan.
Phương án tổ chức Hội nghị ACDM lần thứ 44 sắp diễn ra cũng được đưa vào chương trình nghị sự.
Đánh giá tổng kết, ông Luận cho biết: "Kết quả thảo luận sâu sắc hôm nay sẽ đưa ra những quyết định quan trọng để báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai lần thứ 11 sẽ diễn ra vào ngày 12/10, cũng như phát triển tốt hơn nữa trong hợp tác giữa các nước ASEAN, hợp tác giữa ASEAN và các nước đối tác, các tổ chức quốc tế về quản lý rủi ro thiên tai".
Theo ông Luận, với sự ủng hộ của các quốc gia thành viên ASEAN, sự hỗ trợ của Ban thư ký ASEAN và các cơ quan liên quan, Việt Nam đã cùng Brunei triển khai và hoàn thành nhiệm vụ điều phối các hoạt động quản lý thiên tai ASEAN năm 2023, đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Ủy ban, với nhiều chương trình làm việc hiệu quả. Nhân dịp này, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả quý vị.
Đây là sự thể hiện cam kết của cơ quan quản lý thiên tai Việt Nam trong việc tham gia một cách tích cực, có trách nhiệm trong hoạt động quản lý thiên tai khu vực ASEAN, góp phần xây dựng một cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, đi đầu trong quản lý thiên tai toàn cầu.
Thiết lập khung ASEAN về quản lý thiên tai
Thay mặt ACDM Việt Nam, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai nhận định, việc tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai là hết sức cần thiết.
“Từ ứng phó đến hành động sớm và tăng cường khả năng chống chịu, ASEAN hướng tới vai trò lãnh đạo toàn cầu trong quản lý thiên tai. Đây cũng là điều phù hợp với chủ đề năm Chủ tịch ACDM của Việt Nam”, ông Tiến chia sẻ.
Hiện khung ASEAN về hành động sớm trong quản lý thiên tai đã được ACDM thúc đẩy xây dựng trong khoảng thời gian từ tháng 11/2021 đến 5/2022, với mục tiêu đảm bảo các cảnh báo sớm được chuyển hóa thành những hành động hiệu quả, qua đó giảm thiểu những tác động của thiên tai trên toàn khu vực.
Trên cơ sở đó, ACDM khuyến nghị tập trung vào 3 trụ cột chính. Thứ nhất, cải thiện thông tin về rủi ro thiên tai, hệ thống dự báo và cảnh báo sớm lập kế hoạch, vận hành và thực hiện. Thứ hai, tăng cường lập kế hoạch, vận hành và thực hiện trong cung cấp các hành động sớm để chuẩn bị và ứng phó thiên tai. Thứ ba, thúc đẩy phân bổ kinh phí hỗ trợ trước để thực hiện thành công các hành động sớm trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Trong số này, nâng cao năng lực cho hệ thống thông tin về rủi ro thiên tai, dự báo và cảnh báo sớm là lĩnh vực ưu tiên. Các nước trong khu vực sẽ tăng cường năng lực và cùng Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thiên tai (AHA) chia sẻ thông tin rủi ro thiên tai (DMRS, ADINet).
Đồng thời, có các cơ chế khuyến khích ACDM tích hợp một số biện pháp kích hoạt hành động sớm, dựa vào đánh giá rủi ro thiên tai khu vực và xuyên biên giới; tìm kiếm cơ chế chia sẻ dữ liệu trong khu vực với các đối tác và nâng cao năng lực cho các hệ thống cảnh báo sớm toàn diện, dự báo dựa trên tác động trong khu vực.
Trước mắt, ASEAN sẽ tập trung vào những phương pháp tiếp cận sáng tạo, xây dựng mạng lưới, tài chính bền vững, quản trị liên ngành và đa tầng, lấy người dân làm trung tâm vào năm 2025. Tất cả nhằm kêu gọi các bên liên quan thích nghi, ứng phó tốt hơn, và có tính cạnh tranh cao hơn trong khả năng chống chịu thiên tai.
Chia sẻ những kết quả tại hội nghị, đại diện ACDM Philippines đề xuất các đại biểu tham dự nên có phương án nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng những nguy cơ liên quan đến con người trong việc ứng phó và quản lý thiên tai. Ông cũng đồng thời nêu quan điểm, rằng song song với các phương án kỹ thuật, các bên nên đưa có kế hoạch nâng cao nhận thức cho cộng đồng, người dân để chung tay bảo vệ các công trình phòng chống thiên tai.