| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam và tiềm năng hàng trăm triệu USD từ thương mại carbon

Thứ Ba 04/04/2023 , 16:08 (GMT+7)

'Việt Nam phải cân nhắc các phương án tài chính khác, có thể bằng cách tham gia các chương trình thương mại carbon trong và ngoài nước', bà Carolyn Turk.

krl3

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (Word Bank). Ảnh: Phạm Hiếu.

Đánh giá cao những thành tựu trong lĩnh vực lâm nghiệp, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (Word Bank) cũng chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam về các giải pháp phát triển để ngành lâm nghiệp Việt Nam có nhiều đóng góp hơn vào sự phát triển đất nước, đặc biệt là góp phần phát triển kinh tế xanh và bền vững. Trong đó, vấn đề thương mại carbon đặc biệt được chú trọng.

“Đầu tư hiệu quả trong ngành lâm nghiệp đòi hỏi nguồn tài chính mới và sự phối hợp đồng bộ giữa các bên liên quan. Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực lâm nghiệp nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm và Word Bank có một số ý tưởng để đóng góp cho mục tiêu này”, bà Carolyn Turk khẳng định.

Cần nhanh chóng tham gia các chương trình thương mại carbon

Thưa bà, Việt Nam là một quốc gia có tài nguyên rừng phong phú và đa dạng, những năm qua vấn đề quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với sinh kế, đời sống, văn hóa tâm linh của cộng đồng đã không ngừng được cải thiện, bà đánh giá như thế nào về chiến lược, hướng phát triển này của Việt Nam?

Những cánh rừng khỏe mạnh cung cấp các dịch vụ sinh thái cần thiết, từ bảo tồn đa dạng sinh học đến giảm thiểu tác động của thời tiết khí hậu đồng thời mang lại lợi ích kinh tế quốc gia và sinh kế cho cộng đồng.

Trong vài thập kỷ qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách chiến lược nhằm đảo ngược xu hướng mất rừng như áp dụng phương pháp tiếp cận tích hợp để quản lý rừng, phục hồi rừng bị suy thoái, trồng lại rừng và áp dụng các thực hành quản lý rừng bền vững. Việt Nam cũng đang chủ động đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Những nỗ lực này đã tạo ra những thành tựu đáng kể. Diện tích che phủ rừng đã tăng từ 28% trong những năm 1990 lên 42% vào năm 2021 - 2022, giá trị xuất khẩu từ các sản phẩm gỗ và lâm sản khác tăng từ 2 tỷ USD lên 16 tỷ USD trong gian đoạn 2005 - 2022, riêng năm 2022 kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt trên 17,9 tỷ USD.

Việt Nam cũng đã thực hiện các chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES) và chi trả tín chỉ carbon nhằm khuyến khích bảo vệ rừng, tái đầu tư vào rừng và hỗ trợ sinh kế dựa vào rừng của người dân địa phương. Đến nay các chương trình trên đã huy động khoảng 300 triệu USD.

ảnh lâm nghiệp

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh thị sát mô hình trồng rừng tại tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Ban KTTW. 

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đối mặt với những thách thức đáng kể trong quản lý rừng, bao gồm suy thoái rừng và nạn phá rừng, đặc biệt là tại các khu rừng ngập mặn. Những vấn đề này hạn chế tiềm năng về khả năng hấp thụ và lưu trữ carbon và khiến đường bờ biển dễ bị tổn thương hơn bởi các tác động của biến đổi khí hậu.

Tại các điểm nóng về mất rừng, đất lâm nghiệp đã bị sử dụng cho các mục đích khác như mở rộng sản xuất nông nghiệp, phát triển hạ tầng, công nghiệp, chặt phá rừng trái phép, làm giảm tính hiệu quả của các chính sách liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp.

Một yếu tố khác là các diện tích rừng trồng của Việt Nam chủ yếu trồng keo lai chu kỳ ngắn, sinh trưởng nhanh phục vụ sản xuất dăm gỗ. Trên thực tế, ngành công nghiệp chế biến gỗ tại Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào gỗ xẻ nhập khẩu. Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam cần áp dụng một chiến lược tốt hơn nhằm thúc đẩy rừng trồng chu kỳ dài hơn để lấy gỗ.

Việt Nam ngày càng tham gia nhiều vào các hiệp định thương mại, các cam kết quốc tế về phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải, tham gia vào chuỗi thương mại lâm sản toàn cầu, theo bà, tài nguyên rừng của Việt Nam có vai trò như thế nào đối với những cam kết đó?

Ngành lâm nghiệp Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải và tăng hấp thụ carbon để giúp bù đắp một phần lượng phát thải từ các ngành khác, giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu đầy tham vọng. Rừng và lĩnh vực sử dụng đất khác dự kiến sẽ góp phần giảm ròng - 95 triệu tấn CO2e vào năm 2030 và -185 triệu tấn CO2e vào năm 2050.

Việt Nam đã đạt được những bước tiến trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự Giảm phát thải do mất rừng và suy thoái rừng (REDD+). Một ví dụ điển hình là việc Việt Nam đã ký Thỏa thuận chi trả giảm phát thải dựa trên kết quả trị giá 51,5 triệu USD với Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp của Ngân hàng Thế giới vào năm 2020.

Tuy nhiên, vẫn cần mở rộng quy mô các hoạt động này để Việt Nam có thể thực hiện đầy đủ chương trình REDD+ và đạt được các mục tiêu giảm phát thải từ ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Sử dụng đất khác (AFOLU) nói chung. Điều này đòi hỏi phải mở rộng phạm vi địa lý của REDD+ từ các địa phương thí điểm sang các địa bàn khác và cân nhắc các phương án tài chính khác ngoài nguồn tài trợ của các nhà tài trợ, có thể bằng cách tham gia các chương trình thương mại carbon trong và ngoài nước.

krl2

Ngân hàng Thế giới đã và đang hợp tác với Bộ NN-PTNT để thiết lập khung pháp lý cho phép tài chính carbon được ứng dụng trong ngành lâm nghiệp của Việt Nam. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thiết lập khung pháp lý cho vấn đề tài chính carbon

Theo bà, Việt Nam cần chú trọng vào những vấn đề gì để tài nguyên rừng được bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị tốt hơn?

Mặc dù Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực lâm nghiệp nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Ngân hàng Thế giới có một số ý tưởng để đóng góp cho mục tiêu này.

Thứ nhất, Việt Nam có thể xem xét về khía cạnh tài chính. Một nguồn lực đầy hứa hẹn là thị trường tín chỉ carbon toàn cầu, mà nếu Việt Nam tiếp cận được thì đây có thể là nguồn tài chính đáng kể để thúc đẩy cải thiện độ bao phủ và chất lượng phát triển rừng trong những năm tới. Chúng tôi ước tính có hàng trăm triệu USD từ thị trường này và nếu nỗ lực Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia vào. Tuy nhiên, điều này sẽ đồng nghĩa chúng ta cần thay đổi khung pháp lý toàn diện hơn. Chúng tôi đã làm việc với Bộ NN-PTNT để xây dựng một khung pháp lý cho phép sử dụng tài chính carbon vào lĩnh vực lâm nghiệp, đây là điều kiện rất cần thiết để tài chính carbon trong lâm nghiệp được hiện thực hóa.

Thứ hai, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc điều phối giữa các cơ quan chức năng có liên quan. Chúng ta đều biết Bộ NN-PTNT chịu trách nhiệm chính về quản lý ngành lâm nghiệp, nhưng các địa phương có rừng, đặc biệt là ở những tỉnh ven biển có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển rừng và xây dựng một đường bờ biển có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Một cơ chế phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa Bộ NN-PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tỉnh là điều kiện rất quan trọng để có được những chương trình đầu tư hiệu quả vào lĩnh vực lâm nghiệp và mang lại những kết quả tích cực.

Ngân hàng Thế giới hỗ trợ Việt Nam như thế nào trong chiến lược gìn giữ, bảo vệ và phát triển rừng nói riêng và hiện thực các cam kết quốc tế nói chung?

Ngân hàng Thế giới có quan hệ đối tác lâu dài với Việt Nam trong lĩnh vực lâm nghiệp. Hiện nay, Ngân hàng Thế giới đang có hai dự án hỗ trợ ngành lâm nghiệp Việt Nam, bao gồm: "Dự án Hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và Tăng cường tính chống chịu vùng ven biển" nhằm cải thiện quản lý và phát triển rừng ven biển và "Chương trình giảm phát thải khu vực Bắc Trung bộ" thực hiện chi trả cho các sáng kiến bảo vệ và phục hồi rừng.

Như đã đề cập trước đó, Ngân hàng Thế giới đã và đang hợp tác với Bộ NN-PTNT để thiết lập khung pháp lý cho phép tài chính carbon được ứng dụng trong ngành lâm nghiệp của Việt Nam. Trong tương lai, chúng tôi có thể tiếp tục hợp tác với Việt Nam để hiểu sâu hơn về những thách thức quan trọng trong ngành lâm nghiệp, xác định các giải pháp khả thi và xây dựng kế hoạch hành động trung hạn để giúp ngành đạt được các mục tiêu đầy tham vọng của mình.

Xin cảm ơn bà!

(thực hiện)

Xem thêm
Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nghề cói Kim Sơn được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định 1150/QĐ-BVHTTDL đưa nghề thủ công truyền thống nghề cói Kim Sơn vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

[Bài 2] Bức panorama lớn nhất Việt Nam và mối tình Điện Biên của hai nghệ sỹ

Năm 1961, diễn viên trẻ Ngọc Lan tình cờ gặp họa sỹ Ngô Mạnh Lân ở Moscow. Cuộc gặp gỡ định mệnh gắn kết hai nghệ sỹ nhờ mối nhân duyên với Điện Biên Phủ.