| Hotline: 0983.970.780

'Quy hoạch sản xuất nông nghiệp cần bớt cứng nhắc'

Thứ Năm 23/06/2022 , 10:12 (GMT+7)

Bà Carolyn Turk - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận xét khi trả lời phỏng vấn Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Bà Carolyn Turk - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Ảnh: WB.

Bà Carolyn Turk - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Ảnh: WB.

"Phải cho phép người nông dân chuyển đổi linh hoạt sang các loại cây trồng thay thế dựa trên lợi thế so sánh của họ và nhu cầu thị trường”, bà Carolyn Turk đề xuất.

Việt Nam cần định vị thương hiệu "xanh, sạch và an toàn"

Ngành nông nghiệp luôn trăn trở làm thế nào để nông nghiệp Việt Nam vượt qua “lời nguyền” sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Theo bà, đâu là giải pháp cho vấn đề trên?

Quả thực một trong những thách thức chính ảnh hưởng đến hiệu quả nông nghiệp của Việt Nam là sự phân tán trong hệ thống sản xuất. Phân tích của chúng tôi cho thấy Việt Nam là một trong những nơi có đất nông nghiệp bị phân mảnh nhiều nhất ở Đông Nam Á, với hơn 65% nông dân sở hữu diện tích nông nghiệp dưới một héc-ta.

Bên cạnh đó, người nông dân không liên kết với nhau để tạo thành các nhóm sản xuất, hợp tác xã hoặc liên kết với các doanh nghiệp để tăng cường chuỗi giá trị nông nghiệp. Ngoài ra, phương thức sản xuất của họ không có tính bền vững, ví dụ như việc lạm dụng đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu và nước để duy trì năng suất cao.

Những cách làm này đã làm dấy lên những lo ngại của người dân về an toàn thực phẩm và gây ra tác động xấu đối với môi trường. Hệ thống sản xuất manh mún cũng dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều, quy mô kinh tế thấp và chi phí giao dịch cao - do đó hạn chế khả năng người nông dân tiếp cận thị trường thuận lợi.

Có một số cách có thể giải quyết tình trạng phân mảnh sản xuất. Thứ nhất, Chính phủ cần khuyến khích và hỗ trợ nông dân thành lập các nhóm sản xuất và/hoặc hợp tác xã để triển khai tập thể và phối hợp phương thức sản xuất nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường. Cần có cơ chế khuyến khích hơn nữa để thúc đẩy, hỗ trợ mô hình hợp tác xã. Ở các nước khác như Trung Quốc, việc áp dụng hình thức sản xuất theo nhóm giúp nông dân hội nhập tốt hơn với các chuỗi cung ứng có tổ chức.

Thứ hai, cần có các chương trình đào tạo để hỗ trợ nâng cao năng lực cho các hợp tác xã, đặc biệt là đội ngũ quản lý hợp tác xã. Thứ ba, việc tập trung đất đai sẽ nâng cao hiệu quả kinh tế theo quy mô, cơ giới hóa và cung cấp các dịch vụ đầu vào khác (ví dụ: phun thuốc, gieo hạt, thu hoạch...).

Cuối cùng, quy hoạch sản xuất cần bớt cứng nhắc, phải cho phép người nông dân chuyển đổi linh hoạt sang các loại cây trồng thay thế dựa trên lợi thế so sánh của họ và nhu cầu thị trường, với sự hỗ trợ của nhà nước và tư nhân trong nghiên cứu và phát triển.

Hiện nay, nông sản của Việt Nam đã vươn ra trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, giá trị nông sản của Việt Nam vẫn còn chưa cao và chủ yếu xuất khẩu qua trung gian. Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm nào để giúp nông sản Việt Nam xây dựng, khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế và thiết lập vị thế ở phân khúc giá trị cao?

Đúng vậy, Việt Nam là một trong những nước cung cấp nông sản lớn trên thế giới nếu xét về khối lượng chứ không phải về giá trị. Điều này là do Việt Nam chủ yếu cung cấp các mặt hàng sơ chế chưa qua chế biến hoặc các mặt hàng chất lượng thấp trên thị trường quốc tế.

Mặc dù Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba, cung cấp khoảng 10% sản lượng gạo được cung ứng trên thị trường quốc tế, nhưng xét về giá trị xuất khẩu Việt Nam chỉ đứng thứ 10. Dù chất lượng gạo sản xuất ở quy mô nông hộ đã được cải thiện nhiều trong vòng mười năm qua nhờ áp dụng giống lúa chất lượng cao và các phương thức thực hành sản xuất tốt, tuy nhiên vẫn chưa có thương hiệu quốc gia nào của Việt Nam được coi là sản phẩm xanh, sạch và an toàn. Điều này đã tác động tiêu cực lên nhiều lợi ích giá trị gia tăng của Việt Nam.

Việt Nam cần xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn cho tất cả các mặt hàng quan trọng của quốc gia, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm, bền vững môi trường và cam kết quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính.

Ngày càng nhiều quốc gia nhập khẩu, đặc biệt là các quốc gia châu Âu, nâng cao các tiêu chuẩn bền vững và đặt ra yêu cầu cho các sản phẩm xanh và sạch hơn, do đó Việt Nam cần định vị lại các sản phẩm và thương hiệu của mình là "xanh, sạch và an toàn". Việt Nam có thể học hỏi từ rất nhiều mô hình của các quốc gia trên thế giới.

Cần tìm kiếm các nguồn tăng trưởng mới

Một trong những mục tiêu quan trọng trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững của Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là: “Đến năm 2030, thu nhập của cư dân nông thôn cao gấp 2,5-3 lần so với năm 2020”. Theo bà, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu này không? Làm thế nào để tăng thu nhập cho người nông dân trong bối cảnh đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp để nhường chỗ cho quá trình đô thị hóa?

Trước tiên, tôi xin chúc mừng Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã mở đường cho việc xây dựng Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược này sẽ góp phần chuyển đổi nông nghiệp sang lộ trình xanh, phát thải các-bon thấp.

Ngân hàng Thế giới tin rằng nông nghiệp trong tương lai vừa phải đạt được mục tiêu tăng trưởng năng suất đồng thời thúc đẩy thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Nông dân canh tác cam hữu cơ tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Tùng Đinh.

Nông dân canh tác cam hữu cơ tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Tùng Đinh.

Với chiến lược mà Bộ NN-PTNT đã thông qua, Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững. Tăng năng suất là điều cần thiết để duy trì năng suất lao động cao, nhằm hỗ trợ giảm nghèo toàn diện và đảm bảo nông nghiệp và nông thôn vẫn là những lĩnh vực hấp dẫn trong bối cảnh đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, việc đạt được năng suất cao hơn chỉ có ý nghĩa khi nó đi đôi với việc tăng cường khả năng thích ứng, khả năng phục hồi và giảm phát thải khí nhà kính. Vì thế, đẩy mạnh tăng trưởng năng suất, nâng cao khả năng thích ứng và thúc đẩy thực hành sản xuất các-bon thấp là chìa khóa cho phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững.

Cần tìm kiếm các nguồn tăng trưởng mới, như ứng dụng các công nghệ hiện đại, nông nghiệp chính xác và công nghệ kỹ thuật số, sẽ giúp nâng cao hiệu quả thu được. Tăng cường chuỗi giá trị nông nghiệp và gia tăng giá trị cũng sẽ giúp nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và chi phí giao dịch, đồng thời tăng thu nhập cho người nông dân.

Và để đảm bảo tính toàn diện và bền vững, cần giải quyết khoảng cách kỹ thuật số giữa các khu vực nông thôn và thành thị và giữa các hộ nhanh nhạy về công nghệ và các hộ nông dân lạc hậu hơn.

Bà có thể chia sẻ những ưu tiên trọng tâm trong quan hệ hợp tác giữa Ngân hàng Thế giới và Việt Nam trong giai đoạn tới về lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam trong tương lai?

Ngân hàng Thế giới và Việt Nam luôn duy trì quan hệ hợp tác gần gũi và thân thiết. Chúng tôi tự hào đã có nhiều đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những thập kỷ qua, trong đó có những thành tựu đáng nể về chuyển đổi nông nghiệp của Việt Nam, từ trạng thái mất an ninh lương thực sang tự cung tự cấp và sau này trở thành một trong những quốc gia cung ứng thực phẩm lớn nhất thế giới chỉ trong vòng vài thập kỷ.

Trong giai đoạn tới, chúng tôi đang xây dựng Khung Đối tác Quốc gia (CPF) cho giai đoạn 2022 - 2025 dựa trên những ưu tiên của Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới. Trong giai đoạn tới, chúng tôi sẽ tập trung vào hỗ trợ tăng trưởng xanh, phù hợp với mục tiêu của Chính phủ về việc giảm lượng khí thải carbon và đạt trung hòa carbon vào năm 2050.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, các hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới sẽ tập trung vào việc thúc đẩy các phương thức sản xuất nông nghiệp xanh, phát thải các-bon thấp, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo và chăn nuôi, nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Ngân hàng Thế giới cũng cung cấp hỗ trợ đối với các loại cây trồng và cây ăn quả để tăng cường khả năng hấp thụ và lưu trữ các-bon.

Chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ Chính phủ triển khai các chính sách và chương trình đầu tư để thúc đẩy khả năng thích ứng và nâng cao khả năng chống chịu của các hệ thống nông nghiệp, hệ thống thực phẩm, môi trường nông nghiệp trước tác động của biến đổi khí hậu. Với tư cách là đối tác lâu dài và tin cậy của Việt Nam, chúng tôi cam kết hỗ trợ ngành nông nghiệp của Việt Nam để Việt Nam có thể trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.

Ngân hàng Thế giới và IFC cũng sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN-PTNT tổ chức các Đối thoại Chính sách Cấp cao nhằm cung cấp cho Việt Nam những kinh nghiệm và kiến ​​thức trên thế giới để giải quyết những thách thức nêu trên và xây dựng một diễn đàn để học hỏi và tranh luận giữa các bên, bao gồm cả khu vực tư nhân.

Xin cảm ơn bà!

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.