| Hotline: 0983.970.780

VIETRISA có vai trò chủ đạo trong vận hành ngành hàng lúa gạo

Thứ Hai 02/12/2024 , 16:38 (GMT+7)

Đó là ý kiến chia sẻ của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại buổi làm việc với Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam (VIETRISA).

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi làm việc với VIETRISA. Ảnh: Thanh Sơn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi làm việc với VIETRISA. Ảnh: Thanh Sơn.

Sáng 2/12, tại Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã có buổi làm việc với Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam (VIETRISA).

Tại buổi làm việc, PGS.TS Bùi Bá Bổng, Chủ tịch VIETRISA, cho biết, trong năm 2024, Hiệp hội đã triển khai thực hiện được nhiều hoạt động quan trọng, đặc biệt là tham gia thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha), như đóng góp trong xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Đề án, đóng góp xây dựng quy trình kỹ thuật áp dụng trong Đề án.

Hiệp hội đã cấp chứng nhận liên kết giữa HTX và doanh nghiệp trong tiêu thụ lúa từ mô hình thí điểm; đồng chủ trì 7 hội thảo, diễn đàn để kết nối và thông tin tuyên truyền liên quan trực tiếp đến việc triển khai thực hiện cho Đề án 1 triệu ha; tham gia tư vấn, hợp tác quốc tế; ký kết hợp tác với các tổ chức liên quan đến phục vụ Đề án.

Trong năm 2025, VIETRISA tiếp tục đóng góp thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa với các nhiệm vụ trọng tâm: Tư vấn về chính sách nhân rộng các mô hình thí điểm; hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ: nhân rộng các tiến bộ KHCN đã ứng dụng thành công, ủng hộ phát triển các công nghệ mới.

Hỗ trợ phát triển các mô hình liên kết, đặc biệt liên kết trong hệ thống tiêu thụ lúa, liên kết các doanh nghiệp thành tổ hợp đầu vào - đầu ra, kết nối khoa học và sản xuất.

VIETRISA sẽ xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Việt xanh phát thải thấp” mà Hiệp hội là chủ sở hữu, đồng thời tham gia xây dựng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) gạo carbon thấp.

Bên cạnh đó, VIETRISA sẽ tham vấn chính sách phát triển ngành lúa gạo trong tình hình mới; hỗ trợ nghiên cứu và phát triển KHCN lúa gạo phục vụ cho Đề án 1 triệu ha và các vùng sinh thái khác; tăng cường các hoạt động diễn đàn, sự kiện để kết nối tri thức và lan tỏa thông tin; vận động hình thành “Ngày lúa gạo Việt Nam”…

PGS.TS Bùi Bá Bổng báo cáo về hoạt động của VIETRISA năm 2024 và hướng đến 2025. Ảnh: Thanh Sơn.

PGS.TS Bùi Bá Bổng báo cáo về hoạt động của VIETRISA năm 2024 và hướng đến 2025. Ảnh: Thanh Sơn.

Cũng tại buổi làm việc, VIETRISA đã kiến nghị tới Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nhiều nội dung quan trọng, liên quan tới thực hiện Đề án 1 triệu ha.

Cụ thể, VIETRISA kiến nghị tiếp tục rà soát và phát triển các chính sách hỗ trợ cho việc triển khai thực hiện Đề án 1 triệu ha, đặc biệt các chính sách giúp nông dân áp dụng tiến bộ KHCN (như các kỹ thuật canh tác chính xác để tiết kiệm vật tư đầu vào và giảm chi phí, áp dụng kinh tế tuần hoàn...), chính sách liên kết giữa doanh nghiệp - nông dân/HTX), chính sách về vốn vay cho doanh nghiệp và nông dân/HTX theo chuỗi liên kết.

Hỗ trợ phát triển các mô hình liên kết mới trong tiêu thụ lúa (như kết nối hệ thống thương lái), mô hình liên kết theo cụm doanh nghiệp (đầu vào, dịch vụ, đầu ra); áp dụng nguyên tắc các quy trình kỹ thuật được ban hành cho Đề án 1 triệu ha, nhưng có sự linh hoạt theo điều kiện địa phương; thúc đẩy sự lan tỏa mô hình 1 triệu ha đến các vùng khác trong tầm nhìn dài hạn sự phát triển lúa gạo Việt Nam

Hiệp hội kiến nghị Bộ chính thức giao VIETRISA tư vấn xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) gạo carbon thấp tiến đến xây dựng nhãn hiệu quốc gia gạo Việt Nam carbon thấp; đồng ý cho 1 đại diện của lãnh đạo VIETRISA tham gia vào Ban chỉ đạo Đề án 1 triệu ha của Bộ.

VIETRISA cũng kiến nghị Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ủng hộ sáng kiến vận động hình thành “Ngày lúa gạo Việt Nam”; tiếp tục chỉ đạo vận hành áp dụng Nhãn hiệu quốc gia Gạo Việt/Vietnam Rice và thương hiệu gạo Việt Nam; ủng hộ  VIETRISA có cơ hội liên kết với các đơn vị thuộc Bộ, các Hiệp hội, Hội trong ngành, các tổ chức quốc tế trong thực hiện các nhiệm vụ có liên quan.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, 75 kiến nghị của VIETRISA, Bộ NN-PTNT có thể xử lý được ngay, những kiến nghị còn lại thì cần trao đổi thêm. Bộ trưởng ghi nhận nhiều kiến nghị của VIETRISA, trong đó có việc nhìn nhận, kết nối lực lượng thương lái trong chuỗi cung ứng lúa gạo, vì thương lái là điển hình của kinh tế chia sẻ khi chia kho, chia vốn, chia thị trường … và chia cả rủi ro.

Bộ trưởng khẳng định, Bộ và VIETRISA đồng hành cùng nhau trong phát triển ngành hàng lúa gạo. Trong đó, Bộ có nhiệm vụ mở đường, còn Hiệp hội đóng vai trò chủ đạo trong vận hành ngành hàng lúa gạo, nhất là triển khai thực hiện Đề án 1 triệu ha và góp phần lan tỏa Đề án sang các vùng sản xuất lúa trọng điểm khác trên cả nước.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trao thư tri ân, tặng sách và hoa cho ông Lê Thanh Tùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục trồng trọt. Ảnh: Thanh Sơn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trao thư tri ân, tặng sách và hoa cho ông Lê Thanh Tùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục trồng trọt. Ảnh: Thanh Sơn.

Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã trao thư tri ân, tặng sách và hoa cho ông Lê Thanh Tùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt. Ông Tùng vừa nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/12/2024. Ông Tùng hiện là Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký của VIETRISA. Bộ trưởng kỳ vọng, ông Lê Thanh Tùng sẽ tiếp tục sử dụng hết tâm huyết, trí tuệ, kinh nghiệm... để đóng góp vào sự phát triển của ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Xem thêm
Phải đổi mới tư duy, phải 'cởi trói', phải quyết đoán, phải bứt phá, phải vượt lên chính mình

Tổng Bí thư nhấn mạnh việc tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Trở lại Mường Nhé, cực Tây Tổ quốc

Mường Nhé, cực Tây Tổ quốc hôm nay vẫn còn gian khó nhưng thấm đẫm tình đất, tình người, tình đoàn kết của đồng bào miền xuôi và miền ngược.