Tại sự kiện tọa đàm về Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gần đây, ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) cho biết, trong tháng 8, Vinachem đã hoàn thành việc trả toàn bộ số nợ vay cho Bộ Tài chính khi thực hiện dự án Đạm Ninh Bình (trước đó Bộ Tài chính vay từ ngân hàng của China Eximbank) với tổng số tiền là 340 triệu USD, bao gồm cả 250 triệu USD nợ gốc.
Năm 2008, Vinachem đã vay số tiền gốc 250 triệu USD với thời hạn 15 năm từ China Eximbank để thực hiện dự án này.
Nhà máy Đạm Ninh Bình do Vinachem làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 667 triệu USD từ nhiều nguồn vốn (vốn tự có, vốn vay, vốn hỗ trợ của địa phương…), riêng khoản vay từ China Eximbank trị giá 250 triệu USD với thời hạn vay 15 năm từ năm 2008 - 2023.
Được khởi công tháng 5/2008, từ khi đi vào hoạt động năm 2012, Nhà máy Đạm Ninh Bình liên tục thua lỗ hơn 7.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ khoảng 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ năm 2021, hoạt động của nhà máy đã có chuyển biến tích cực hơn.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp đã hoạt động có lãi. Tính chung cả năm 2022, Vinachem đã đạt doanh thu và lợi nhuận ở mức cao nhất kể từ khi thành lập tập đoàn đến nay với mức doanh thu đạt 62.023 tỷ đồng, lợi nhuận 6.200 tỷ đồng, xuất khẩu trên 500 triệu USD (tăng 17% so với 2021).
Tại toạ đàm, ông Nguyễn Hữu Tú lý giải, kết quả này là nhờ Vinachem đã bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan ban ngành, đặc biệt là vai trò của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Thông tin tại cuộc họp Chính phủ chiều 13/8, đến ngày 31/12/2021, Nhà máy Đạm Ninh Bình còn nợ 12.000 tỷ đồng, trong đó nợ gốc khoảng 9.600 tỷ đồng, nợ lãi khoảng 2.400 tỷ đồng.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết những hạn chế, khó khăn của Đạm Ninh Bình do nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính.
Cụ thể, Đạm Ninh Bình đã có những vi phạm trong quá trình phê duyệt, thẩm định, quyết định đầu tư, thực hiện dự án, khiến tổng mức đầu tư lớn, suất đầu tư, chi phí đầu vào cao, giá thành cao, khả năng cạnh tranh thấp khi thị trường biến động, dẫn tới không hiệu quả, chậm trả nợ, nợ chồng nợ.
Thủ tướng nêu rõ một số vấn đề cần giải quyết, gồm: Giải quyết tranh chấp hợp đồng EPC, tổ chức sản xuất kinh doanh để không thua lỗ (như tái cơ cấu tài chính, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất lao động…), giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Thủ tướng cũng chỉ đạo, Đạm Ninh Bình cần giải quyết vấn đề môi trường trong và ngoài nhà máy, cả về nước thải, khí thải, chất thải rắn, đồng thời ổn định việc làm, nâng cao đời sống người lao động và ổn định nguồn cung than cho nhà máy.
Với dự báo tiêu thụ ure cả trong và ngoài nước thời gian tới sẽ cải thiện, nếu có thể tái cơ cấu, xử lý các khó khăn, vướng mắc, đổi mới công nghệ, quản trị… dự án Đạm Ninh Bình dự báo có thể có lãi từ năm 2023.