Xử lý dứt điểm vướng mắc dự án Đạm Hà Bắc, Ninh Bình trong tháng 8. Nắm sát diễn biến thị trường đảm bảo nguồn cung thịt lợn. 650 tỷ đồng xây dựng vùng nuôi cá tra VietGAP. Lai Châu kiến nghị xây dựng sân bay.
XỬ LÝ DỨT ĐIỂM VƯỚNG MẮC DỰ ÁN ĐẠM HÀ BẮC, NINH BÌNH TRONG THÁNG 8
Sau khi kiểm tra, thị sát đột xuất ngày 13/8 tại Bắc Giang và Ninh Bình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa giao Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hoàn thiện đề án xử lý dứt điểm vướng mắc tại dự án mở rộng Nhà máyĐạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình ngay trong tháng 8. Với dự án mở rộng Nhà máy Đạm Hà Bắc, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành nâng cao trách nhiệm, tính chiến đấu trong xử lý tồn tại, vướng mắc. Đề án xử lý phải đưa ra các phương án cụ thể và đánh giá tác động từng phương án. Việc thanh, kiểm tra, xử lý các vấn đề theo tinh thần "rõ tới đâu làm tới đó". Với dự án Đạm Ninh Bình, do những vi phạm trong phê duyệt, thẩm định, quyết định đầu tư, thực hiện dự án... khiến tổng mức đầu tư tăng vọt, trong khi hiệu quả không cao, nợ chồng nợ, Thủ tướng giao Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Vinachem xây dựng đề án xử lý cho dự án này theo phương án tái cơ cấu tài chính, nợ vay.
NẮM SÁT DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG ĐẢM BẢO NGUỒN CUNG THỊT LỢN
Sau chỉ đạo của Chính phủ về thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nguồn cung thịt lợn, thức ăn chăn nuôi và bình ổn giá, Bộ NN-PTNT đã triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, đảm bảo nguồn cung thực phẩm, trong đó có mặt hàng thịt lợn. Trong đó, Bộ NN-PTNT đã chủ động cập nhật thông tin, diễn biến thị trường, nắm sát nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước để chỉ đạo sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường. Đặc biệt là theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung các mặt hàng nông sản, trong đó có lợn thịt tại các địa phương trong điều kiện mới. Thời gian tới, Bộ sẽ hướng dẫn các địa phương duy trì tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi. Đặc biệt, tập trung chỉ đạo chuẩn bị tốt các phương án sản xuất, bảo đảm nguồn cung con giống, vật tư, thúc đẩy sản xuất, tháo gỡ khó khăn trong lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản; cấp đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng và xuất khẩu.
650 TỶ ĐỒNG XÂY DỰNG VÙNG NUÔI CÁ TRA VIETGAP
UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ban hành Quyết định phê duyệt dự án “Hỗ trợ xây dựng vùng nuôi cá tra an toàn thực phẩm theo quy trình nuôi tiên tiến VietGAP giai đoạn 2023 – 2025”. Mục tiêu của dự án là xây dựng các vùng nuôi cá tra phát triển bền vững ứng dụng quy trình VietGAP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường và truy xuất được nguồn gốc. Đồng thời là cơ sở để từng bước áp dụng chuyển đổi số và công nghệ cao trong quy trình nuôi cá tra thâm canh. Tổng kinh phí đầu tư dự án hơn 650 tỷ đồng với quy mô đầu tư xây dựng 80 ha nuôi cá tra được đào tạo, đánh giá, chứng nhận VietGAP. Cùng với đó là tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi cá tra thâm canh theo quy trình VietGAP; giám sát chủ động dịch bệnh cá tra; giám sát chủ động môi trường và kiểm soát dư lượng chất cấm.
LAI CHÂU KIẾN NGHỊ XÂY DỰNG SÂN BAY
UBND tỉnh Lai Châu vừa kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng sân bay theo hình thức PPP. Theo UBND tỉnh Lai Châu, hiện đã có một số nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu xây dựng sân bay. Để đảm bảo cơ sở pháp lý, thuận lợi trong quá trình cắm mốc quy hoạch, giải phóng mặt bằng, tỉnh kiến nghị được đầu tư sân bay nội địa công suất 0,5 triệu hành khách/năm, giao tỉnh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Sân bay Lai Châu sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng. Đến năm 2030, Lai Châu sẽ được quy hoạch là sân bay dân dụng cấp 3C và quân sự cấp III; công suất 0,5 triệu hành khách mỗi năm; diện tích 167 ha, tại thị trấn Tân Uyên.