| Hotline: 0983.970.780

Vinaseed bao tiêu lúa gạo VietGAP Buôn Choah

Thứ Sáu 27/07/2018 , 08:05 (GMT+7)

Gạo VietGAP xã Buôn Choah nức tiếng thơm ngon có hương vị đặc biệt nhưng hiện vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến. Nguyên nhân là chưa có doanh nghiệp đứng ra bao tiêu, quảng bá sản phẩm.

10-13-46_1
Ông Nguyễn Anh Tùng và đội ngũ kỹ sư kiểm tra lúa tại xã Buôn Choah

Bắt đầu từ vụ hè thu năm nay Cty CP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) đã ký kết hợp đồng thu mua bao tiêu sản phẩm giúp cho thương hiệu lúa gạo Buôn Choah đến với người tiêu dùng trên cả nước.

Cánh đồng lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (SX nông nghiệp tốt) của xã Buôn Choah, huyện Krông Nô của tỉnh Đăk Nông có diện tích trên 100ha. Những năm qua nơi đây chuyên sản xuất giống lúa thơm RVT đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các giống khác. Tuy nhiên thương hiệu gạo Buôn Choah lại chưa được nhiều người biết đến.

Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Krông Nô cho biết: Là huyện trọng điểm về sản xuất lương thực của tỉnh, diện tích gieo trồng lúa nước hàng năm của Krông Nô có trên 4.600ha, trong đó xã Buôn Choah chiếm hơn 1.400ha. So với các xã khác, diện tích sản xuất lúa nước xã Buôn Choah khá lớn, tuy nhiên trước đây làm không tập trung, vẫn xen canh các cây trồng khác như ngô lai, khoai lang, rau củ quả các loại... Vì vậy, khả năng áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất gặp nhiều khó khăn và chưa xác định được loại cây trồng chủ lực của xã.

Để giải quyết vấn đề này, UBND huyện Krông Nô đã xây dựng Đề án “Cánh đồng mẫu lúa nước” tại thôn Ninh Giang và Bình Giang, xã Buôn Choah với diện tích 34,1 ha có 27 hộ tham gia và chuyên canh trồng lúa.

Mục tiêu là hình thành vùng nguyên liệu lúa hàng hóa chất lượng cao với quy mô lớn gắn kết với tiêu thụ, xây dựng mô hình thâm canh lúa áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, sử dụng giống chất lượng cao.

Kết quả đã hình thành được vùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa, chất lượng cao, làm thay đổi nhận thức của người nông dân, tạo điều kiện tiếp cận và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao sản lượng, chất lượng lúa gạo.

Phát huy và nâng cao những kết quả đã đạt được, từ năm 2014 xã Buôn Choah đã tiến hành xây dựng mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích ban đầu 40ha và được áp dụng trên nền cánh đồng mẫu. Đến nay các hộ dân tham gia mô hình tiếp tục duy trì và tiếp tục nhân rộng, đưa diện tích được công nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP lên 100ha.

Giống lúa để sản xuất trên cánh đồng VietGAP Buôn Choah được người nông dân sử dụng là giống lúa thơm RVT của Vinaseed. Qua thực tế sản xuất đã khẳng định thích nghi của RVT trên cánh đồng mẫu. Giống có khả năng kháng và chống chịu với sâu bệnh, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và cho năng suất cao, trung bình đạt trên 7,5 tấn/ha. Có hộ canh tác tốt đạt trên 9 tấn/ha, chất lượng hạt gạo dẻo, thơm ngon có vị rất riêng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Giá bán luôn cao hơn các giống lúa khác 1.500 đồng/kg.

Sau khi kết thúc mô hình người dân đã tổ chức nhân rộng giống RVT ra đại trà và đến thời điểm hiện tại sản xuất giống lúa RVT theo VietGAP tại xã Buôn Choah chiếm gần 100% diện tích.

Ngoài cánh đồng tập trung, theo ông Doãn Gia Lộc, điểm làm lên điều khác biệt giúp gạo RVT có hương vị đặc biệt thơm ngon đó là xã Buôn Choah có khí hậu thuận lợi, nguồn nước tưới có hàm lượng khoáng chất rất lớn. Bởi đây là vùng núi lửa, đá lộ lên mặt đất, do vậy nước từ trong các khe núi chảy ra mang theo hàm lượng khoáng chất cung cấp cho cây trồng.

Hiện sản lượng gạo VietGAP hàng năm của xã lên tới trên 1.500 tấn. Sản xuất lúa VietGAP có hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn lúa thường.

Tuy nhiên, theo ông Doãn Gia Lộc thì hiện nay bà con nông dân gặp rất nhiều khó khăn do thiếu đầu ra ổn định. Bởi thời gian qua chưa có doanh nghiệp nào đứng ra đầu tư thu mua bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Thời điểm khan hàng thì cùng lúc nhiều doanh nghiệp tranh mua tranh bán. Bên cạnh đó các doanh nghiệp thiếu tiềm lực tài chính dẫn đến mua chịu rồi bỏ trốn khiến người dân trắng tay. Khi ế thì gạo VietGAP làm ra cũng rất khó tiêu thụ. Bên cạnh đó việc tranh mua tranh bán dẫn tới tình trạng lúa VietGAP bán giá bằng sản xuất bình thường nên người dân không mặn mà tham gia.

Cũng theo ông Lộc, do thiếu doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm nên không quản lý được đầu ra dẫn tới việc gạo VietGAP Buôn Choah trôi nổi trên thị trường không thể kiểm soát được. Do vậy địa phương rất mong muốn có doanh nghiệp đứng ra đầu tư bao tiêu sản phẩm để người nông dân yên tâm sản xuất.

Những mong mỏi của chính quyền và người nông dân xã Buôn Choah nay đã thành hiện thực. Từ vụ hè thu 2018 Vinaseed đã chính thức vào cuộc ký kết hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm lúa gạo VietGAP cho bà con.

10-13-46_2
Ảnh: M.P

Ông Nguyễn Anh Tùng, Giám đốc Chi nhánh Kinh doanh Nông sản thuộc Cty CP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam cho biết: "Hiện Vinaseed có 17 chi nhánh, trong đó có chi nhánh kinh doanh nông sản. Hàng năm Chi nhánh bán ra thị trường hàng vạn tấn lương thực với các dòng sản phẩm gạo sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, GlobalGAP. Do vậy việc hợp tác cung ứng giống RVT đã có Chi nhánh Tây Nguyên lo đầu vào cho người nông dân với chất lượng giống tốt nhất. Còn chúng tôi đã ký kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm gạo VietGAP cho nông dân xã Buôn Choah".

Một điểm hết sức thuận lợi để quảng bá và đưa sản phẩm gạo VietGAP Buôn Choah đến với người tiêu dùng trong cả nước đó là Vinaseed có trên 1.000 cửa hàng bán gạo trên cả nước. Ngoài ra gạo của Vinaseed cũng đưa vào hệ thống bán lẻ của Tập đoàn VinGoup với trên 660 cửa hàng, đồng thời còn đưa vào các cửa hàng tiện ích… Vì vậy việc quảng bá gạo VietGAP Buôn Choah sẽ rất thuận lợi.

Ông Nguyễn Anh Tùng cho biết thêm: "Bước đầu chúng tôi tạo mối gắn kết, hợp tác thu mua sản phẩm để tiêu thụ cho người nông dân nhằm giúp họ sản xuất có lợi nhuận cao nhất. Bên cạnh đó Vinaseed xúc tiến dự án để chính quyền địa phương quản lý tốt vùng nguyên liệu".

Ông Nguyễn Anh Tùng: Sản phẩm gạo của Vinaseed Group có 3 điểm khác biệt đó là: Gạo được sản xuất từ các giống lúa thích nghi cao, chống chịu sâu bệnh, được phục tráng thường xuyên để giữ đặc tính đặc trưng của giống theo hướng hạt cơm ngon, nở theo chiều dài, mùi thơm đặc trưng;

Xây dựng vùng nguyên liệu riêng với quy trình sản xuất Oganic, VietGAP, GlobalGAP (quá trình sản xuất được giám sát chặt chẽ bởi đội ngũ kỹ sư nông nghiệp giàu kinh nghiệm);

Lúa tươi thu về chế biến trên dây chuyền hiện đại, đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn ATVSTP, luôn khác biệt về chất lượng so với các sản phẩm trên thị trường cùng với dịch vụ vận chuyển thuận tiện. Sản phẩm đang được tiêuthụ phổ biến ở các thành phố lớn trong các hệ thông siêu thi như Vin+, Vinmart, Qmart, Fivimart, BigC…

 

Xem thêm
Siêu thị phủ kín hàng Tết, nhiều khuyến mãi khủng

Trước thềm năm mới 2025, sức mua tại các hệ thống siêu thị trên địa bàn TP.HCM khá nhộn nhịp, nhất là hàng Tết.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.