Lực lượng quân sự cùng nhân dân làm đê giả ngăn lũ |
Theo báo cáo 9 tháng đầu năm 2018 của Ban chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn và Phòng chống thiên tai Vĩnh Long, trên địa bàn toàn tỉnh có 201 tuyến/điểm sạt lở trong nội đồng và sông chính, làm mất 8.331m bờ sông, kênh, rạch kèm theo các công trình đê bao, đường giao thông nông thôn, có 78 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp.
Riêng đợt đỉnh lũ vừa rồi toàn tỉnh có 22 tuyến đê bao vỡ chiều dài sạt lở 417m, 134 tuyến đê bao bị tràn với chiều dài 93.894m, 23 đập vỡ, 54 đập tràn khiến 1.818 căn nhà bị ngập nước, 4 trường học bị ngập, hoa màu bị ngập 41,1ha.
Giông, lốc cũng làm hư hỏng 273 căn nhà tăng so năm 2017 là 55 căn nhà. Ước thiệt hại 2.604,665 triệu đồng (tăng 291,665 triệu đồng). Mưa lớn, gió mạnh làm thiệt hại 480,06ha SX nông nghiệp, ước thiệt hại là 6.665,43 triệu đồng.
Theo ông Hà Thành Thặng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Vĩnh Long: “Ngay từ đầu tháng 8, công tác dự báo rà soát đánh giá lũ năm nay đã được Chi cục triển khai. Hiện toàn tỉnh có 14.195ha đất sản xuất và thổ cư kém an toàn trước lũ lớn, rong đó đất lúa 2.330ha, vườn và thổ cư 11.210ha.
Để chuẩn bị đối phó với lũ lớn, Chi cục đã đưa ra nhiều giải pháp bao gồm phi công trình và công trình như tuyên tuyền cho người dân nâng cao cảnh giác đối phó với lũ, kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống thiên tai 3 cấp trên địa bàn tỉnh, xây dựng thêm một số điểm quan trắc nội đồng cảnh báo thiên tai mùa mưa lũ”.
Song song đó thực hiện diễn tập PCTT 3 cấp để người dân và ban chỉ huy luôn luôn sẵn ứng phó khi có thiên tai xảy ra, nhất là những ngày đỉnh lũ, thực hiện phương châm 4 tại chỗ, tăng cường công tác trực 24/24, hỗ trợ di dời người dân ra khởi nơi có nguy cơ bị lũ đe dọa.
Bảo vệ đập giả ngăn lũ của người dân ấp Phú Thuận 2, xã Đồng Phú, huyện Long Hồ |
Những xã có cù lao xung yếu thì có các đội PCTT tại chỗ, đa số là lực lượng dân quân tự vệ kết hợp với người dân địa phương... Bên cạnh đó tăng cường tu sửa bảo dưỡng, cũng như xây mới các công trình thủy lợi như đê bao, cống đập... theo kế hoạch năm của tỉnh.
“Hàng năm mùa lũ về Vĩnh Long có khoảng 200km đê bao yếu cần được sửa chữa duy tu, đó là tuyến đê bao yếu, đoạn đê yếu vượt ngoài khả năng của tỉnh với hơn 200 điểm nóng về sạt lở”, ông Thặng cho biết thêm.
Long Hồ chủ động ứng phó lũ Để chủ động hơn trong công tác PCTT mùa mưa lũ, huyện Long Hồ (Vĩnh Long) đã ra quân diễn tập công tác PCTT tại hai xã Hòa Ninh và An Bình. “Các cá nhân tham gia công tác diễn tập đã thực hiện xây 4 căn nhà tạm thành nhà kiên cố, chằng chống 100 nhà có nguy cơ bị giống lốc làm đổ ngã, tốc mái. 7 đoạn đê bị sạt lở đã được khắc phục với tổng kinh phí là 589.213.000 đồng. Ngoài ra chúng tôi tích cực tuyên truyền cho nhân dân được biết và chủ động hơn trong công tác PCTT”, ông Lê Phi Long, Trưởng ban diễn tập PCTT & TKCN huyện Long Hồ cho hay. Trong đợt triều cường vừa qua tại xã An Bình nhân dân đã tự động đối phó với lũ, nhanh chóng và hiệu quả. Ông Huỳnh Lâm Em ở ấp An Thành (xã An Bình) đã tự động mua 1 khối cát vô bao làm bờ đê giả ngăn dòng nước tràn qua con lộ ngay nhà mình. Ông Em nói: “Thấy nước tràn ngang lộ chúng tôi làm xói mòn đất, lại gây ngập lụt khó khăn cho các em học sinh và bà con đi lại, tôi rất xót ruột, nên đã tự mua cát vô bao để ngăn nước không đợi đến nhà nước”. Ông Trần Văn Công, Trưởng ấp An Thành đang cùng với lực lượng dân quân tự vệ, quân sự của ấp thực hiện làm đê giả ngăn nước lũ cho biết: “Trước thông tin năm nay lũ dâng cao tôi đã cùng với bà con vận động các doanh nghiệp nuôi cá cho xin bao về vô đất, cát be bờ các điểm thấp có nguy cơ bị tràn. Những ngày qua dù lũ có tràn vào vườn nhưng không ngập quá cao”. |