Mất bò mới lo làm chuồng!
Tháng 6/2019, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc có văn bản gửi Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành và thường trực các huyện của tỉnh này yêu cầu rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong cơ quan. Văn bản do ông Trần Văn Vinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, ký ban hành.
Thực hiện chỉ đạo trên, Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc Lưu Văn Dũng đã ban hành quyết định thành lập Tổ kiểm tra, rà soát vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài ở TP Phúc Yên vào ngày 10/6.
Ngày 14/6, 5 tổ kiểm tra, rà soát khác được thành lập để xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân tại các huyện Tam Đảo, Sông Lô, Vĩnh Tường, Tam Dương, Yên Lạc.
Ba ngày sau đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có báo cáo số 147 tổng kết công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo 6 tháng đầu năm.
Dự án xây dựng Khu Văn Miếu của tỉnh Vĩnh Phúc thu hồi nhiều đất đai của người dân và lãng phí ngân sách |
Thu hồi dự án hệ lụy vẫn còn…
Có thể khẳng định hầu hết các đơn thư tố cáo liên quan đến việc thu hồi đất đều để lại hệ lụy kéo dài. Đặc biệt công tác quy hoạch của tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, Vĩnh Phúc từng phê duyệt nhiều dự án tai tiếng, gây tranh cãi trong dư luận như Báo NNVN đã từng thông tin: Dự án xây dựng công viên Văn Miếu, Dự án công viên nghĩa trang Thiên An Viên, Dự án Bệnh viện Sản Nhi, Dự án khu nhà ở đô thị trường Văn hóa Nghệ thuật…
Dự án Bệnh viện Sản Nhi nằm ngay vùng lõi Cụm công nghiệp vi phạm các quy định về quy hoạch và khám chữa bệnh |
Được biết, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản số 1610 ngày 2/7/2019 bãi bỏ Quyết định số 1223 ngày 5/5/2014 về việc giao chủ đầu tư dự án xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Tam Dương II-Khu B đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC.
Khu công nghiệp Tam Dương II - khu B, tại Vĩnh Phúc, với tổng mức đầu tư lên tới 2.310 tỷ đồng. Dự án Khu công nghiệp Tam Dương II - khu B có quy mô 185,6ha, nằm trên địa bàn hai huyện Tam Dương và Tam Đảo. Đến nay, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC cũng đã có văn bản đề nghị chấm dứt hoạt động của dự án.
Tương tự, UBND tỉnh cũng đã có văn bản số 1561 ngày 27/6/2019 về việc bãi bỏ Quyết định số 2420 ngày 6/9/2014 về việc giao chủ đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Chấn Hưng, Vĩnh Tường đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC.
Khu công nghiệp Chấn Hưng, tiền thân là Cụm Công nghiệp Chấn Hưng được tỉnh Vĩnh Phúc cho chủ trương từ năm 2002, dự án có quy mô 129,75 ha, với tổng vốn đầu tư 1.378 tỷ đồng. Dự án được phê duyệt thu hồi đất (giai đoạn 1) tại Quyết định số 1501 của UBND tỉnh, ngày 2/6/2005 với diện tích là 57,28ha (trong đó: diện tích đất nông nghiệp là 54,41ha; diện tích đất phi nông nghiệp là 2,87ha).
Dự án đã trải qua 17 năm kể từ khi có chủ trương với ba lần thay đổi điều chỉnh giao chủ đầu tư là các đơn vị: Công ty TNHH Tây Hồ Vĩnh Phúc; Tổng Công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng - Bộ Xây dựng; Tổng Công ty Viglacera - Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Việt Nam và gần đây nhất ngày 6/9/2014, UBND tỉnh giao chủ đầu tư Dự án xây dựng - kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Chấn Hưng cho công ty Cổ phần Tập đoàn FLC theo Quyết định số 2420 nhưng đến nay công tác giải phóng mặt vẫn chưa hoàn thành.
Về nguyên tắc, việc quy hoạch thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển KT-XH phải được tính toán, cân nhắc kĩ lưỡng bởi nó không đơn giản chỉ liên quan đến quỹ đất, đến ngân sách nhà nước mà quan trọng hơn là việc thu hồi đất luôn ảnh hưởng trực tiếp đến kế sinh nhai của người nông dân.
Thử hỏi những người nông dân Vĩnh Phúc sẽ làm công việc gì để sống khi ruộng đã mất mà hy vọng trở thành công nhân Khu công nghiệp lại liên tục bị phá sản?
Hình như trong công tác quy hoạch và triển khai thực hiện tỉnh Vĩnh Phúc chưa thực sự quan tâm đến hiệu quả kinh tế cũng như vấn đề an sinh xã hội mà biểu hiện thực tế nhất về mối quan tâm của lãnh đạo tỉnh này là sự ưu ái cho Cty CP Tập đoàn FLC vì trong cùng thời điểm đã quyết định hai dự án lớn cho công ty này để rồi cả hai dự án đều thất bại.
Quy hoạch của tỉnh bị phá vỡ, người chịu thiệt vẫn là nhân dân.