| Hotline: 0983.970.780

Vốn đầu tư công: Bệ đỡ hiệu quả, kịp thời cho ngành Nông nghiệp

Thứ Tư 19/08/2020 , 20:44 (GMT+7)

Nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 đã kịp thời bổ sung nguồn lực đặc biệt quan trọng về hạ tầng, tạo nền móng căn bản cho đà phát triển toàn ngành Nông nghiệp.

Tỉ lệ giải ngân cao, phát huy hiệu quả kịp thời

Ngày 19/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng làm việc với Bộ NN-PTNT về tình hình thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công các dự án đầu tư xây dựng do Bộ NN-PTNT quản lý.

Theo Bộ NN-PTNT, giai đoạn 2016-2020, Bộ NN-PTNT được phân bổ trên 70 nghìn tỉ đồng, và đã được Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết cho các dự án hơn 69,9 nghìn tỉ đồng (đã bao gồm 10% dự phòng), với tổng số dự án được giao là 288 dự án (gồm 199 dự án có nguồn vốn ngân sách tập trung, 49 dự án có vốn Trái phiếu chính phủ và 40 dự án vốn ODA).

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc với Bộ NN-PTNT về tình hình thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công các dự án đầu tư xây dựng do Bộ NN-PTNT quản lý vào ngày 19/8. Ảnh: Tùng Đinh

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc với Bộ NN-PTNT về tình hình thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công các dự án đầu tư xây dựng do Bộ NN-PTNT quản lý vào ngày 19/8. Ảnh: Tùng Đinh

Lũy kế giải ngân đến 31/7/2020, tỉ lệ giải ngân bình quân vốn trung hạn của Bộ NN-PTNT đạt 74,3% (trong đó vốn ngân sách tập trung đạt 79%; vốn Trái phiếu chính phủ đạt 65% và vốn ODA đạt 88%).

Bộ NN-PTNT cho biết, số vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 hiện còn lại 17.956 tỷ đồng (chiếm 25,7%) chưa giải ngân, gồm 10.047,4 tỷ đồng sẽ giải ngân trong 5 tháng cuối năm 2020 và 7.908,6 tỷ đồng sẽ giao vốn và giải ngân trong năm 2021.

Trong số 17.324 tỷ đồng phải thực hiện giải ngân trong năm 2020, có tính 1.808,6 tỷ đồng vốn nước ngoài kế hoạch năm 2020. Số vốn này Bộ NN-PTNT đã xin trả lại do không có khả năng giải ngân.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, việc giải ngân vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 đến nay vẫn còn gặp một số khó khăn, trong đó một số dự án đầu tư các hồ thủy lợi từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ, việc giải phóng mặt bằng của các địa phương còn chậm do nhiều nguyên nhân.

Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư có nguồn vốn ODA có đặc thù ký kết hiệp định, quy định phải kéo dài thời gian thực hiện tới giai đoạn 2021-2023... Đây là những nguyên nhân cơ bản khiến tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 ở một số dự án còn chưa cao.

Bộ NN-PTNT cho biết đến nay, các dự án Trái phiếu Chính phủ ở hợp phần xây dựng hông vướng mắc về thủ tục, không tăng tổng mức đầu tư, tỉ lệ giải ngân cả năm 2020 sẽ đạt 100%. Tuy nhiên hợp phần giải phóng mặt bằng hiện các địa phương triển khai rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ hợp phần xây lắp, chưa đạt kế hoạch mà các tỉnh đã cam kết, đặc biệt tập trung ở 3 dự án lớn (hồ Cánh Tạng tỉnh Hòa Bình, hồ Krông Pách tỉnh Đắc Lắc và hồ Bản Mồng tỉnh Nghệ An) nên tỉ lệ giải ngân cả năm chỉ đạt 69%.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ NN-PTNT (lũy kế đến 31/7/2020). Đồ họa: BENLE

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ NN-PTNT (lũy kế đến 31/7/2020). Đồ họa: BENLE

Đối với các dự án ODA, sẽ giải ngân đạt 92,1% (nếu điều chuyển 1.808 tỷ không có nhu cầu). Các dự án ngân sách tập trung cũng sẽ giải ngân đạt 97% kế hoạch năm...

Việc sử dụng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã giúp đẩy nhanh một số công trình quan trọng, rút ngắn thời gian thực hiện, kịp thời chống hạn mặn năm 2019-2020, nhất là vùng ĐBSCL (tiêu biểu như âu thuyền Ninh Quới, cống Vũng Liêm, Bông Bót, Tân Dinh; Trạm bơm Xuân Hòa; 18 cống kiểm soát mặn Bắc Bến Tre giai đoạn 1, Nạo vét kênh Mây Phốp - Ngã Hậu). Theo đó, đã trực tiếp được kiểm soát khoảng 83.000ha và tác động ảnh hưởng đến 300.000ha diện tích đất canh tác, góp phần giảm thiệt hại tối đa đến sản xuất nông nghiệp và đời sông của người dân trong khu vực. Nhiều hồ chứa đã được đưa vào sử dụng hiệu quả như hồ Ngàn Trươi, thủy lợi Tân Mỹ,...

Về thuỷ sản, việc đầu tư nâng cấp các công trình cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền đã phát huy cao hiệu quả, giú công suất cảng cá tăng 620 lượt tàu/ngày, hàng qua cảng tăng 55.000 tấn/năm. Công suất neo đậu tàu tăng 3.700 tàu.

Các dự án nghiên cứu giống thủy sản đã cung cấp cho thị trường 1,5 tỷ giống nhuyễn thể và 7 tỷ giống tôm sạch bệnh, chất lượng cao. Diện tích nuôi trồng thủy sản tăng 8.820 ha.

Đối với nông nghiệp: Tỷ lệ sử dụng con giống cấp tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất một số cây trồng đạt cao như ngô đạt 95%, sắn đạt 75%; lợn 93%, bò sữa 100%,.. 82,3 nghìn ha cây trồng được áp dụng quy trình tiên tiến. Vốn đầu tư công cũng đã tạo nguồn lực lớn cho ngành lâm nghiệp, giúp tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%; diện tích rừng đặc dụng tăng 100.000 ha; rừng tập trung 1,1 triệu ha...

Công trình âu thuyền âu thuyền Ninh Quới. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Công trình âu thuyền âu thuyền Ninh Quới. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Về tình hình sử dụng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao nỗ lực của Bộ NN-PTNT trong việc giải ngân một số lượng rất lớn vốn đầu tư.

Các nguồn vốn đầu tư công đã được Bộ NN-PTNT sử dụng đầu tư một cách có hiệu quả, đúng mục đích, mặc dù không trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng cho ngành nhưng gián tiếp tạo động lực hạ tầng rất quan trọng cho xã hội, an sinh xã hội, kết cấu hạ tầng quan trọng cho xã hội cũng như ngành nông nghiệp. Nhất làn các công trình thủy lợi, hồ chứa, công trình ngăn mặn, điều tiết nước, trữ nước, chống sạt lở bờ sông bờ biển, công trình neo đậu tránh trú bão, đê điều... phục vụ có hiệu quả cho công tác phòng chống thiên tai, tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản mới... phục vụ hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp.

Đây là những nhân tố tạo ra môi trường đầu tư để tạo ra nguồn lực cho đất nước, tạo ra tăng trưởng thứ cấp nhờ có hạ tầng tốt, từ đó tạo ra sự chuyển biến tích cực cho ngành nông nghiệp, giải quyết các vấn đề lớn về an sinh xã hội...

Phó Thủ tướng biểu dương nỗ lực của Bộ NN-PTNT

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá thời gian qua, nhất là năm 2020, trong điều kiện rất nhiều khó khăn, nhất là tình hình hạn mặn ĐBSCL, hạn hán xảy ra cực đoan ở nhiều nơi, đặc biệt là duyên hải miền Trung, mưa lũ đã và đang gây thiệt hại tại nhiều địa phương ở miền núi và trung du phía Bắc. Đại dịch Covid-19 đã và đang diễn biến vô cùng phức tạp...

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao và biểu dương ngành nông nghiệp từ đầu năm 2020 đến nay vẫn đạt được những kết quả rất quan trọng, trong khi nhiều ngành khác bị tụt giảm và ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch bệnh Covid-19.

Kết quả đó đã đóng góp quan trọng vào an ninh lương thực thực phẩm quốc gia cũng như giữ vững xuất khẩu... Đồng thời biểu dương sự nỗ lực của Bộ NN-PTNT cả về sản xuất, đầu tư, phòng chóng thiên tại một cách có trách nhiệm, có hiệu quả rất cao trong những năm qua.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực của ngành Nông nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực của ngành Nông nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.

Phó Thủ tướng đánh giá thời gian tới, dịch bệnh Covid-19 sẽ còn những ảnh hưởng nghiêm trọng có tính dây chuyền tới cả các lĩnh vực sản xuất, đầu tư, thương mại toàn cầu, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Đầu tư nước ngoài, đầu tư xã hội cho nền kinh tế cũng như ngành nông nghiệp cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ liên quan như Văn phòng Chính phủ, Bộ KH-ĐT, Bộ TN-MT, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ NN-PTNT để tháo gỡ các khó khăn liên quan đến các thủ tục đầu tư, triển khai đầu tư, giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng, nghiệm thu, thanh quyết toán, quản lí chặt chẽ đầu tư xây dựng, chống thất thoát lãnh phí, nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng...

Đặc biệt trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19, cần có giải pháp nhằm vừa phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo được cho chuyên gia, lao động nước ngoài (nếu có) vào làm việc để đạt tiến độ thi công xây dựng của các dự án. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN-PTNT phối hợp với các bộ, nhất là Bộ KH-ĐT để nhanh chóng điều chỉnh nguồn vốn của các công trình cho phù hợp từ nay đến cuối năm 2020.

Đối với giai đoạn 2021-2015, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã có chủ trương tăng mức đầu tư công lên từ 1,3-1,5 lần so với giai đoạn 2016-2020. Bởi không có đầu tư công thì không thể tạo ra hạ tầng tốt cho sản xuất và phát triển bền vững, không thể nâng cao được năng lực cạnh tranh quốc gia, cũng như năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp nói riêng. Trong đó, có những công trình, dự án cần phải được ưu tiên đầu tư sớm, bởi đầu tư càng sớm, càng đi trước thì càng tạo ra hạ tầng tốt, môi trường tốt, có lợi để thu hút đầu tư vào sản xuất...

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ NN-PTNT phối hợp với các bộ, rà soát quy hoạch để dành vốn đầu tư công cho giai đoạn 2021-2025, trong đó ưu tiên tập trung cho các công trình, dự án cấp thiết như: Các công trình thủy lợi quan trọng, đa chức năng; các công trình phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; công trình ngăn mặn, giữ ngọt ở khu vực ĐBSCL; công trình chống sạt lở bờ sông, bờ biển; công trình ứng phó và phòng chống thiên tai, khu neo đậu tàu thuyền; các dự án nâng cấp, gia cố hồ đập yếu, đê biển, đê sông xung yếu; các chương trình dự án nghiên cứu giống cho nông, lâm, thủy sản...

Bên cạnh đó, sẽ ưu tiên vốn đầu tư công cho việc nâng cao năng lực của ngành nông nghiệp, trước hết là năng lực quản lí nhà nước cả về con người và cơ sở vật chất, trong đó có cơ sở vật chất của các cơ quan nghiên cứu như hệ thống các viện, trường...

Phó Thủ tướng lưu ý trong việc lựa chọn các chương trình, dự án đầu tư công, cần lựa chọn những công trình đích đáng, tập trung để cho ra những công trình, sản phẩm tiêu biểu, phát huy được hiệu quả, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, dở dang.

 

Kinh nghiệm để các bộ, ngành khác học hỏi

Ông Nguyễn Cao Lục, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đánh giá kết quả về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Bộ NN-PTNT đến nay đã đạt được kết quả cao và thể hiện nỗ lực lớn.

Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT cũng luôn dành nguồn vốn dự phòng đầu tư công 10% để giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, vì vậy đã xử lí được dứt điểm các tồn đọng, phát sinh của các dự án. Đây là kinh nghiệm rất tốt mà các bộ ngành khác cần phải học hỏi.

Ông Nguyễn Cao Lục cũng cho rằng, năm 2020 là năm cuối giải ngân vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, vì vậy trong năm 2020, Bộ NN-PTNT đặt trọng tâm vào việc giải ngân nguồn vốn Trái phiếu chính phủ với khoảng 10 nghìn tỉ đồng là trúng định hướng, và mục tiêu cần phải đạt tỉ lệ giải ngân 100%.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.