Không khí ảm đạm bao trùm những con đường nhỏ dẫn vào xã Tam Giang (huyện Núi Thành, Quảng Nam). Gần 2 ngày qua, ai nấy ở địa phương làng biển này đều bàng hoàng khi nghe tin dữ ở ngoài khơi xa: 2 tàu cá với 94 ngư dân bị sóng biển đánh chìm, đã có người chết và nhiều người khác mất tích chưa được tìm thấy.
Đã mấy chục năm trôi qua, những người làm nghề biển ở xã Tam Giang mới lại chứng kiến sự việc đau lòng như vậy. Những người vợ, người con và bà con láng giềng vẫn đang từng giờ, từng phút ngóng trông tin tức của những người thân vừa gặp nạn. Khi các ngư dân trên tàu cá bị đánh chìm chưa tìm thấy hoặc chưa trở về, họ vẫn chưa thể an lòng.
Đôi mắt đỏ hoe, vẻ mặt thất thần, chị Trần Thị Nguyệt (SN 1979, trú thôn Đông An, xã Tam Giang) bật khóc mỗi lần nhắc đến tai nạn vừa xảy ra trên chiếc tàu cá QNa 90927TS mà chồng chị là anh Phạm Văn Đào làm thuyền trưởng. Dẫu biết rằng: “Lấy chồng nghề biển, hồn treo cột buồm” nhưng đâu thể ngờ rằng tình cảnh trớ trêu này lại xảy đến đột ngột như thế.
Tàu cá QNa 90927TS bị lốc xoáy đánh chìm khi trên tàu đang có 39 lao động. Lúc nghe tin, cả gia đình chị Nguyệt đều bủn rủn chân tay. Nơi tàu bị nạn cách địa phương đến vài trăm cây số nên mọi người cũng chỉ biết ngóng trông tin tức và chờ đợi một phép màu nhiệm. Tin báo về, anh Đào cùng với 37 người khác được một tàu cá hoạt động gần đó ứng cứu, mấy mẹ con chị Nguyệt mới yên tâm phần nào.
“Tối qua anh mới gọi điện về nhà nhưng cũng chỉ nói được vài câu, nghe giọng anh còn mệt mỏi và hoảng sợ lắm. Ngoài biển sóng gió, điều kiện thiếu thốn sợ sức khỏe của anh không đảm bảo. Gia đình chỉ mong cơ quan chức năng hỗ trợ, sớm đưa anh về nhà để chăm sóc chứ bây giờ cũng chưa hết lo. Đã có người dù vớt lên kịp nhưng cũng không qua khỏi”, chị Nguyệt nghẹn ngào bật khóc.
Trường hợp mà chị Nguyệt nhắc tới là của gia đình thuyền viên Đ.V.H (ngư dân trên tàu QNa 90129TS). Khi nghe tin anh H. gặp nạn chưa biết sống chết thế nào, chị Đ.T.T (vợ an H) chỉ biết cầu nguyện, trông chờ. Đến trưa hôm sau, tin báo về có 2 ngư dân được cứu, trong đó có anh H, chồng chị. Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, sau 1 thời gian dài ngâm mình giữa biển, sức khỏe anh H. yếu dần rồi không qua khỏi, lòng chị T càng thêm đau đớn, quặn thắt.
Con đường nhỏ ở làng biển Đông An này giờ đây lúc nào cũng tấp nập người ra vào, thăm hỏi những gia đình có ngư dân gặp nạn. Thế nhưng, không khí lại yên ắng đến lạ. Họ chỉ giao tiếp với nhau bằng ánh mắt nhưng tất cả mọi người đều hiểu. Đó là truyền cho nhau sự hy vọng mọi điều bình an, những nỗi đau sớm được xoa dịu.
Lúc chúng tôi đến căn nhà của ông Lương Văn Viên, thuyền trưởng tàu QNa 90129TS với 54 thuyền viên gặp nạn, trong đó có 12 người đang mất tích có rất đông người nhưng ai nấy cũng chỉ chào nhau bằng cái gật đầu. Đôi mắt sưng húp, vẻ ngoài tiều tụy, chị Thuận (vợ ông Viên) không nói được câu nào rồi lặng lẽ xin phép đi vào trong.
Anh Lương Văn Công (em trai thuyền trường Viên) tiếp chuyện: “Vụ việc đến bất ngờ quá, ai cũng buồn. Là phụ nữ, làm sao họ có thể gắng gượng, chịu được sự mất mát này. Anh Viên may mắn được cứu nhưng còn những người bạn thuyền khác bây giờ chưa có thêm tin tức gì. Tai nạn xảy ra không ai lường trước được, tổn thất về tài sản không thể tránh khỏi. Giờ chỉ mong sao những anh em đi trên tàu an toàn trở về”.
Theo anh Công, con tàu của gia đình được đầu tư với giá 7 tỷ đồng cách đây vài năm đến nay vẫn chưa trả hết nợ. Những năm qua, tàu hoạt động khá hiệu quả, chưa gặp sự cố gì đến mức nghiêm trọng. Với kinh nghiệm đi biển nhiều năm, mỗi lần ra khơi, tất cả các máy móc thiết bị trên tàu đều được kiểm tra kỹ lưỡng. Nhưng lốc xoáy xảy ra trong đêm là bất khả kháng, không thể trở tay kịp. “Trong năm nay, tàu của anh tôi đi được 3 chuyến rồi. Đây là chuyến cuối trước khi về nghỉ đến ra giêng mới đi lại. Vậy mà…”, anh Công dứt lời.
Mưa đã ngớt, nắng bắt đầu hé lên như những tia hi vọng mà những người dân ở xóm ngư phủ này đang chờ đợi về một điều kỳ diệu sẽ đến…