Nhưng công lý không đứng về phía người dân, Viện KSND cấp cao tại Hà Nội đã kháng nghị hủy hai bản án trên, đề nghị Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử giám đốc thẩm.
Thiệt hại của công ty do việc nâng cốt đường
Từ năm 2016, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có loạt bài phản ánh Cty Phát triển và kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp tỉnh Yên Bái nâng cấp tuyến đường Cảng Hương Lý đi ga Văn Phú qua Khu công nghiệp tỉnh Yên Bái, do nâng cốt đường bất chấp các công trình xây dựng hợp pháp trước đó, nên đã gây thiệt hại cho nhiều nhà dân tổ 14a thị trấn Yên Bình trong đó có Cty TNHH Yên Phú (Cty Yên Phú).
Theo đơn khởi kiện và trình bày của ông Nguyễn Duy Vượng- GĐ Cty Yên Phú, việc nâng cốt đường khiến nền nhà của Cty thấp hơn mặt đường sau khi nâng cấp là 0,78m, nên mỗi trận mưa to nước ở mặt đường và rãnh thoát nước bên đường tràn vào nhà xưởng.
Trận mưa ngày 28/7/2016 nước tràn vào nhà xưởng ngập 15cm, khiến toàn bộ hệ thống điện ngầm bị hỏng, nhà máy SX bao bì của Cty không thể hoạt động được, phải đóng cửa từ đó đến nay.
Cty đã thống kê tài sản bị hư hỏng, thiệt hại tại thời điểm khởi kiện bao gồm: Vỏ bao xi măng 86.000 cái, giấy xi măng 11.550 kg, chỉ khâu 240 kg, hạt nhựa 800kg; chi phí nâng cốt nền; tiền tháo dỡ thuê kho để máy móc, thiết bị; tiền lương công nhân 3 tháng do mất việc làm tổng cộng là 4,451 tỷ.
Những điều không bình thường của hai phiên tòa tỉnh Yên Bái
Ngày 21/11/2018 Tòa án nhân dân TP.Yên Bái mở phiên tòa sơ thẩm xét xử việc “Tranh chấp bồi thường thiệt hại về tài sản” giữa nguyên đơn là Cty Yên Phú, bị đơn Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Yên Bái thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng là Cty Phát triển và kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp tỉnh Yên Bái.
Tòa án đã bác đơn khởi kiện của Cty Yên Phú về yêu cầu Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Yên Bái bồi thường 4,451 tỷ do bà thẩm phán Nguyễn Thị Kim Tuyến làm chủ tọa.
Điều không bình thường trước khi diễn ra phiên tòa, ngày 28/9/2018 đoàn công tác do Tòa án TP.Yên Bái ủy thác cho Tòa án huyện Yên Bình đến Cty thẩm định tại chỗ và định giá tài sản thiệt hại của Cty Yên Phú đã chứng kiến trận mưa làm ngập nền nhà xưởng từ 5-10cm do nước mưa từ rãnh và ngoài đường chảy vào.
Ông Nguyễn Duy Vượng đề nghị lập biên bản sự ngập lụt đó, nhưng đoàn công tác từ chối, vì không phải nhiệm vụ. Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam có mặt và chứng kiến sự ngập lụt, Cty Yên Phú cũng đã chụp ảnh và quay video làm căn cứ khởi kiện.
Tại biên bản do Tổ dân phố 14a và cán bộ tư pháp thị trấn Yên Bình lập hồi 17h30’ ngày 28/7/2016 ghi rõ: “Qua quan sát hiện tại về tình trạng nhà xưởng của Công ty Yên Phú của ông Nguyễn Duy Vượng làm chủ bị nước ngập khoảng 15cm, ngập phần nền của nhà xưởng, bị ướt sản phẩm bao bì khoảng 4.000 cái… Vậy chúng tôi tiến hành lập biên bản để có căn cứ xác định thiệt hại”.
Tuy nhiên, tòa sơ thẩm lại “chế” thành câu: “Quá trình kiểm tra hiện trạng xưởng sản xuất bao bì và kiểm tra xác định thiệt hại tình trạng nhà xưởng của Cty TNHH Yên Phú vào ngày 28/7/2016. Đoàn kiểm tra và Cty TNHH Yên Phú không xác định nguyên nhân nước ngập tại nhà xưởng của Cty TNHH Yên Phú”, nên tòa đã phán “Do không xác định được nguyên nhân và thiệt hại xẩy ra đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản của Cty TNHH Yên Phú nên yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản của Cty TNHH Yên Phú không có căn cứ và không được chấp nhận”.
Tòa sơ thẩm là vậy, đến lượt Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái xét xử phúc thẩm ngày 9/4/2019 do ông thẩm phán Phạm Hồng Quân làm chủ tọa cũng nhận định giống hệt tòa sơ thẩm nên đã quyết định: Không chấp nhận kháng cáo của Cty TNHH Yên Phú, giữ nguyên quyết định của bản án dân sự sơ thẩm.
Điều này khiến Cty Yên Phú không tâm phục khẩu phục, buộc phải kháng án lên Tòa án cấp cao tại Hà Nội và làm đơn lên các cấp chính quyền và Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội.
Công lý đang ló rạng với người dân?
Ngày 14/10/2020, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội sau khi thụ lý đơn kháng án của Cty Yên Phú đã ra Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 29/KNGĐT-VC1-DS đối với “Bản án phúc thẩm dân sự số 03/2019/DS-PT ngày 09/4/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái”.
Quyết định kháng nghị chỉ rõ: “Tòa án nhân dân thành phố Yên Bái và Bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái cho rằng không có cơ sở để xác định được nguyên nhân gây thiệt hại và hậu quả thiệt hại về tài sản xảy ra đối với Công ty TNHH Yên Phú nên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của đại diện nguyên đơn là chưa có cơ sở vững chắc”
Bởi thiệt hại của Cty TNHH Yên Phú có thể xác định được, trên cơ sở căn cứ vào biên bản lập hồi 17h30’ ngày 28/7/2016, nhưng Tòa cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm xác định “không có thiệt hại là không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án”.
Phân tích những thiếu sót của Cty Phát triển và kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp tỉnh Yên Bái trong quá trình thiết kế, thi công Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã kháng nghị toàn bộ Bản án phúc thẩm số 03/2019/DS-PT ngày 09/4/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái theo thủ tục giám đốc thẩm, đề nghị Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm đã tuyên.
Vụ án “Tranh chấp bồi thường thiệt hại về tài sản” giữa Cty Yên Phú và Cty Phát triển và kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp tỉnh Yên Bái sau hai phiên tòa xét xử nay phải xét xử lại từ đầu. Hy vọng công lý sẽ ló rạng và lợi ích hợp pháp của người dân được bảo vệ.