Quang cảnh buổi họp báo |
Tại buổi họp báo, Công an tỉnh Đắk Nông khẳng định: Các đối tượng dùng lõi pin trộn vỏ cà phê nhằm mục đích trộn lẫn với sản phẩm tiêu hạt. Rất may là toàn bộ số hồ tiêu trộn hỗn hợp, hỗn hợp chưa pha trộn đã được thu giữ kịp thời, trước khi chúng được tung ra thị trường.
Thượng tá Phạm Thanh Bình - Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết: Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã bắt khẩn cấp, đang tạm giữ hình sự 5 đối tượng liên quan vụ sản xuất, mua bán hỗn hợp vỏ cà phê, hạt đá nhỏ và lõi pin Con Ó. Lệnh bắt giữ đã được Viện KSND cùng cấp phê chuẩn.
Qua đấu tranh, bước đầu các đối tượng khai nhận: Loan và Bảo trực tiếp sản xuất hỗn hợp, bán cho Thơ và Tuấn, sau đó Thơ và Tuấn bán cho Cty TNHH sản xuất thương mại Thảo Dung do Phan Thị Dung làm giám đốc. Loan khai nhận Loan biết các đối tượng còn lại thu mua nhằm mục đích trộn vào hồ tiêu, còn cách làm hỗn hợp này do Loan tự nghĩ ra.
Về cách làm, Nguyễn Xuân Bảo (chồng hờ của Loan) khai nhận: Cứ 1 tấn sản phẩm (vỏ cà phê, đất đá, tạp chất) sử dụng một thùng pin Con Ó loại 36 cặp (mua với giá 450.000 đồng). Cơ sở đã bán được 3 tấn sản phẩm với giá 3.000 đồng/kg.
Lê Thị Hồng Thơ khai: Phan Thị Dung nhờ Thơ mua hỗn hợp tại cơ sở của Loan và Bảo, sau đó, Thơ thuê Tuấn chở xuống Bình Phước giao cho Dung. Đối với Phan Thị Dung, sau khi mua hỗn hợp, đã cho công nhân pha trộn với hồ tiêu.
Tại kho của Dung, cơ quan điều tra đã thu giữ 9 tấn hạt tiêu có trộn hỗn hợp, đựng trong 360 bao chưa kịp xuất bán. Ngoài ra, cơ quan công an còn thu được 11 tấn hỗn hợp đã trộn với các loại phân bón đựng trong 315 bao tải tại rẫy cao su của gia đình Dung. Số hỗn hợp này, Dung khai sau khi có thông tin công an điều tra cơ sở của Loan ở Đắk Nông, Dung đã cho trộn ủ với phân nhằm đối phó với cơ quan điều tra.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (theo Điều 317 BLHS năm 2015). Trước đó, như đã thông tin, qua các biện pháp nghiệp vụ, từ ngày 15/4 đến ngày 17/4/2018, Công an tỉnh Đắk Nông đã kiểm tra, phát hiện tại cơ sở thu mua nông sản do bà Nguyễn Thị Thanh Loan làm chủ, đang sử dụng dung dịch màu đen (nước và pin đập dập) để ngâm, tẩm, nhuộm đen hỗn hợp (gồm vỏ cà phê, sỏi nhỏ khoảng 0,5 - 1mm), dùng cối trộn bê tông để trộn hỗn hợp, sau đó sấy khô đóng bao đưa đi tiêu thụ.
Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tạm giữ khẩn cấp 6 đối tượng liên quan. Các đối bị tạm giữ gồm bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Nguyễn Xuân Bảo (có quan hệ như vợ chồng với bà Loan), Ngô Hồng Sơn (người trực tiếp cùng vợ chồng bà Loan thực hiện hành vi) và 3 người khác.
Theo TS Phan Việt Hà - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên: "Có lẽ pin được sử dụng để nhuộm vỏ cà phê và sỏi đá để trộn với hồ tiêu, nhằm tăng trọng lượng và lợi nhuận". Còn về tác hại, theo TS Hà: "Thành phần của ruột pin chủ yếu là mangan dioxit, chuyên dùng làm ruột pin và có thể dùng làm chất nhuộm trong công nghiệp. Ngoài ra, trong ruột pin còn nhiều các loại kim loại nặng như thủy ngân, chì... Tất cả các kim loại này (bao gồm cả chất mangan dioxit) là rất độc hại cho sức khỏe con người và môi trường. Nếu hàm lượng mangan cao vượt quá 0,5 mg/lít sẽ gây ảnh hưởng đến một số cơ quan nội tạng của cơ thể; lượng thủy ngân có trong một cục pin cũng có thể làm ô nhiễm 500 lít nước hoặc 1m3 đất trong vòng 50 năm... Khi con người hấp thụ qua đường ăn uống hoặc hít thở, các độc tố phát tán từ pin có thể gây hại não, thận, hệ thống sinh sản và tim mạch". Thượng tá Phạm Thanh Bình - Trưởng phòng Tham mưu kiêm người phát ngôn Công an tỉnh Đắk Nông, khẳng định: Toàn bộ số hồ tiêu trộn hỗn hợp cũng như số lượng hỗn hợp chưa kịp pha trộn đã được cơ quan điều tra thu giữ, ngăn chặn kịp thời, các đối tượng chưa kịp bán ra thị trường làm thực phẩm ăn uống. |
Các đối tượng bị bắt khẩn cấp gồm: Nguyễn Thị Thanh Loan (43 tuổi, trú thôn 13, xã Đăk Wer, huyện Đăk R’lấp, Đắk Nông), Nguyễn Xuân Bảo (33 tuổi, xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R’lấp, có quan hệ như vợ chồng với Loan), Lê Thị Hồng Thơ (39 tuổi, thôn 5, xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông, Giám đốc Cty TNHH Tịnh Thơ), Trần Văn Tuấn (42 tuổi, thôn 2, xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, làm nghề kinh doanh) và Phan Thị Dung (56 tuổi, Giám đốc Cty TNHH sản xuất thương mại Thảo Dung có địa chỉ tại ấp Hưng Thủy, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước). |