| Hotline: 0983.970.780

Vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh bị đe dọa: Nhận diện doanh nghiệp được ưu ái

Thứ Hai 27/03/2017 , 13:15 (GMT+7)

Vụ việc lùm xùm liên quan đến việc các cá nhân đứng sau bảo kê, đe dọa cán bộ chuyên môn, lãnh đạo sở, ngành và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh khi tỉnh này xin dừng dự án của Bộ GTVT, đến thời điểm hiện tại, Công ty Cổ phần trục vớt luồng hạ lưu, doanh nghiệp thực hiện Dự án nạo vét tuyến luồng đường thủy...

Vụ việc lùm xùm liên quan đến việc các cá nhân đứng sau bảo kê, đe dọa cán bộ chuyên môn, lãnh đạo sở, ngành và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh khi tỉnh này xin dừng dự án của Bộ GTVT, đến thời điểm hiện tại, Công ty Cổ phần trục vớt luồng hạ lưu, doanh nghiệp thực hiện Dự án nạo vét tuyến luồng đường thủy nội địa quốc gia và kết hợp tận thu cát làm vật liệu san lấp trên sông Cầu vẫn chưa có ý kiến gì.

Theo điều tra của NNVN, ông chủ DN này là một “ông trùm” chuyên thực hiện các dự án thông luồng tận thu cát sỏi.

11-10-08_bc-ninh1
Dự án nạo vét, thông luồng tận thu cát sỏi gây sạt lở đê kè ở tỉnh Bắc Ninh
 

Đó là ông Ngô Thành Sơn (sinh năm 1980, hộ khẩu thường trú tại đường 36, Mao Trung, xã Phượng Mao, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

Nguồn cơn của vụ lùm xùm ở Bắc Ninh là Dự án nạo vét duy tu luồng kết hợp tận thu sản phẩm của Công ty Cổ phần Trục vớt luồng hạ lưu có địa chỉ tại nhà riêng bà Nông Thị Yến, thôn Nghiêm Thôn, thị trấn Phố Mới, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Song thực tế, ít ai biết rằng công ty này là của ông Ngô Thành Sơn, một người nổi danh trong giới “sông nước” khi có trong tay hàng loạt giấy phép của Cục Đường thủy nội địa VN (Cục ĐTNĐ, Bộ GTVT).

Ngoài ra cũng trên sông Cầu, ông Sơn còn có một công ty nữa được cấp phép là Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Việt Sơn (có địa chỉ tại Hà Nội) thực hiện từ Km69+925 đến Km84+810.

Chưa hết, rất nhiều con sông lớn ở miền Bắc liên tục xuất hiện các dự án có sự tham gia của ông Ngô Thành Sơn và Cty Việt Sơn.

Trên sông Hồng, từ Hà Nội lên Phú Thọ, sang Yên Bái rồi Lào Cai, dường như ở đâu cũng bắt gặp các dự án nạo vét duy tu luồng kết hợp tận thu sản phẩm của doanh nghiệp và ông chủ này.

Xuôi về miền hạ, vùng Lục Đầu Giang, nơi hợp lưu nhiều con sông lớn ở các tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương, Cty Việt Sơn cũng góp mặt. Tính sơ bộ ở khu vực miền Bắc cũng đã có khoảng 5-6 dự án nạo vét duy tu luồng kết hợp tận thu sản phẩm có sự tham gia của Việt Sơn và ông Ngô Thành Sơn được Cục ĐTNĐ cấp phép, hợp đồng.

Ví như Dự án nạo vét luồng đường thủy quốc gia, tận thu sản phẩm trên sông Kinh Thầy, đoạn từ km13+000 đến km21+500 hay như dự án nạo vét duy tu luồng ĐTNĐ quốc gia, kết hợp tận thu sản phẩm các đoạn cạn từ km93+500 - km96+000; km96+500 - km97+500 trên sông Thái Bình đang được Cục ĐTNĐ cho thực hiện và đang hoàn thiện hồ sơ.

Điều đáng nói ở chỗ, theo điều tra của NNVN, đối với dự án trên sông Thái Bình, mặc dù chưa được cấp phép và hợp đồng thực hiện dự án, nhưng Cty Việt Sơn đã cho căng biển hiệu dự án, như một sự đánh dấu chủ quyền khai thác. Ngoài ra doanh nghiệp này cũng xây dựng bến bãi tập kết cát khổng lồ. Người dân địa phương cho biết, khu vực này, ban đêm có rất nhiều tàu khai thác. Để tìm hiểu thực hư, PV NNVN đã mục kích nhiều đêm liền và phát hiện có khá nhiều tàu khai thác cát rầm rập trong đêm. Tất nhiên, những tàu này khai thác trái phép và cũng không ai dám khẳng định chắc của Cty Việt Sơn bởi tàu không có biển hiệu, không có đăng ký…

Liên hệ với Cục ĐTNĐ, ông Trần Văn Thọ, Phó Cục trưởng cho biết: Đối với dự án này, Việt Sơn chưa được phê duyệt, Cục chưa ký hợp đồng thực hiện, tất cả các hoạt động trên sông đều là trái phép hết.

Điều này cũng không khó hiểu, bởi trong quá trình thực hiện dự án tại một số địa phương, Cty Việt Sơn đã nhiều lần bị lập biên bản về những sai phạm trong quá trình thi công nạo vét song không hiểu vì lý do gì, Cục ĐTNĐ vẫn cho Cty Việt Sơn được nhận nhiều dự án và nhiều đoạn đường sông được nạo vét nhất trong các công ty được cấp phép.

Tại tỉnh Bắc Ninh, được biết, công ty của ông Ngô Thành Sơn từng khai thác tận thu trên sông Đuống đoạn qua xã Đại Lai, huyện Gia Bình, mỏ cát vàng đẹp nhất vùng Kinh Bắc. Hoạt động khai thác rầm rộ ở khu vực này còn khiến cả đê kè bị sạt lở. Hoặc chính dự án của Công ty Cổ phần Trục vớt luồng hạ lưu cũng vậy.

Bà Nông Thị Yến giám đốc công ty này là người thân của ông Ngô Thành Sơn. Dự án thực hiện từ km1+000 đến km30+000, theo văn bản số 455/CV-SGTVT của Sở GTVT Bắc Ninh ngày 21/4/2015 về việc chấp thuận đăng ký cho những phương tiện tham gia thực hiện thì chỉ có 9 phương tiện được phép đủ điều kiện hoạt động.

11-10-08_bc-ninh2
11-10-08_bc-ninh3
Dù chưa được phê duyệt nhưng Cty Việt Sơn đã đánh dấu chủ quyền trên sông Thái Bình.

 

Song tại Văn bản số 15/BC-UBND của huyện Quế Võ ngày 15/3/2017, do Phó Chủ tịch UBND huyện Đặng Văn Tuấn ký, thể hiện, trong các ngày Công ty Cổ phần Trục vớt luồng hạ lưu đảm nhận việc thực hiện dự án thi công nạo vét luồng ĐTNĐ quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu, đoạn từ km1+000 đến km30+000 phía luồng tỉnh Bắc Giang hoạt động đã có rất nhiều phương tiện tập trung nạo vét hút cát trên địa phận tỉnh Bắc Giang với số lượng lên tới 60-70 tàu ở 3 khu vực 3 xã giáp ranh là Việt Thống, Quế Tân, Phù Lãng.

UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định, trong quá trình triển khai dự án đã xảy ra việc lợi dụng việc thực hiện dự án để khai thác cát trái phép, gây bức xúc cho nhân dân. Các ý kiến phản ánh việc núp bóng dự án để khai thác cát trái phép khiến đất đai bị sạt lở. Ngày 1/3/2016, tại vị trí tương ứng K74+400 - K74+500 đê hữu Cầu, bờ, bãi sông đã bị sạt lở đứng thành với chiều dài khoảng 50m, ăn sâu vào bãi từ 5 - 10m, vị trí sạt lở gần nhất cách chân đê 25m.

Một trong những nguyên nhân gây sạt lở là do Công ty Cổ phần Trục vớt luồng hạ lưu triển khai thi công dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm từ Km1+000 đến Km30+000 thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang. Tỉnh Bắc Ninh đang phải bố trí 30 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của tỉnh để xử lý sự cố trên.

Nhìn thấy các hậu quả nặng nề của việc thực hiện dự án, từ năm 2015, UBND tỉnh Bắc Ninh đã không cấp phép, tuy nhiên, từ tháng 11/2016, trên địa bàn sông Cầu thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang đã xuất hiện lại việc thực hiện dự án, trung bình có khoảng 40 tàu thực hiện.

Lật lại quá khứ, tại xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, trước đây có việc khai thác cát lậu, xã đã lập tổ bảo vệ, cùng người dân tổ chức xua đuổi mỗi lần phát hiện tàu bè khai thác cát trái phép nhưng không xuể. Tất cả tàu thuyền của Cty Việt Sơn đang khai thác cát sạn trên địa bàn chưa có bất kì một loại giấy tờ đăng kí chứng nhận nào thể hiện việc cơ quan có thẩm quyền đã đồng ý cấp phép khai thác cát. Sau đó, Việt Sơn đã phải chuyển vào ngân sách của xã Thái Bảo khoản tiền 1 tỷ đồng để hỗ trợ địa phương.

Với hàng loạt sai phạm trong quá trình thực hiện các dự án cũng như “thành tích” tàn phá các dòng sông thì việc Cục ĐTNĐ có biểu hiện ưu ái khi cấp hàng loạt giấy phép cho Việt Sơn thực sự cần phải làm rõ.

Ngô Thành Sơn là ai?

Theo tìm hiệu của NNVN, chủ DN Việt Sơn, ông Ngô Thành Sơn từng làm Giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Hà Nội nhưng lại cầm đầu một đường dây làm giả tài liệu và thi đại học thuê với nhiều thủ đoạn tinh vi để kiếm tiền và bị phát hiện vào mùa hè năm 2003. 

Quá trình điều tra, cơ quan công an đã thu giữ nhóm của Sơn nhiều tang vật, trong đó có 26 bằng tốt nghiệp THPT, 39 phiếu đăng ký  dự thi giả. Những giấy tờ giả mạo này, các bị can đã nộp vào các trường đại học: Kinh tế Quốc dân, Công đoàn, Bách khoa, Sư phạm, Thương mại, Giao thông Vận tải, Cao đẳng Sư phạm Bắc Giang, Trung học Y tế Ninh Bình và một số trường khác, mang tên của hơn 30 thí sinh.

Ngày 28/5/2004, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Ngô Thành Sơn mức án 4 năm tù giam. Sau khi ra tù, năm 2009, Ngô Thành Sơn thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Việt Sơn (Cty Việt Sơn) theo Giấy Chứng nhận đăng ký số 2300372813 do Phòng Đăng ký Kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh cấp có địa chỉ tại số 02, khu 5,thị trấn Phố Mới, huyện Quế Võ, Bắc Ninh với vốn điều lệ là 99 tỷ đồng. 

Ngày 27/9/2016, sau 14 lần thay đổi đăng ký kinh doanh, công ty của ông Sơn đã chuyển về địa chỉ mới là số 01, tầng 2 T11, Khu đô thị TimeCity, số 458, phố Minh Khai, phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ngành nghề hoạt động chính của công ty do ông Sơn quản lý là thực hiện các dự án nạo vét, tận thu khai thác cát trên hàng loạt lưu vực sông ở miền Bắc.Ông thường sử dụng chiếc xe Lexus 570 biển số 99A-099.99 và nổi tiếng chơi hàng hiệu.

 

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.