| Hotline: 0983.970.780

Ngành đồ uống lo ngại tác động kép từ thuế đối ứng

Thứ Sáu 04/04/2025 , 18:53 (GMT+7)

Bên cạnh ảnh hưởng từ thuế tiêu thụ đặc biệt, ngành đồ uống cho rằng động lực tăng trưởng của nền kinh tế, cũng như các thành phần trong chuỗi có thể suy giảm.

Lo ngại ảnh hưởng từ thuế đối ứng

Chia sẻ tại Tọa đàm "Thuế tiêu thụ đặc biệt về ngành nước giải khát" chiều 4/4, PGS-TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, ngoài áp lực từ Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), ngành đồ uống còn lo ngại tác động kép từ thuế quan đối ứng mà Hoa Kỳ vừa công bố hôm 2/4.

"Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, diễn biến khó lường, đơn cử việc Tổng thống Donald Trump áp thuế đối ứng rất cao đối với các đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam", ông Việt nói và nhấn mạnh, doanh nghiệp và cơ quan quản lý phải nỗ lực rất nhiều để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và hai con số cho giai đoạn tiếp theo.

Chủ tịch VBA lo ngại ảnh hưởng tác động từ thuế đối ứng tới việc sản xuất thời gian tới. Ảnh: Bảo Thắng.

Chủ tịch VBA lo ngại ảnh hưởng tác động từ thuế đối ứng tới việc sản xuất thời gian tới. Ảnh: Bảo Thắng.

Theo ông Việt, một trong những mũi nhọn, động lực để đạt mục tiêu tăng trưởng là “đẩy mạnh xuất khẩu” sẽ bị tác động nặng nề. Vì vậy, cần xem xét các động lực bền vững từ chính các sức mạnh nội tại, trong đó có đầu tư từ khu vực tư nhân, kích cầu tiêu dùng trong nước và hỗ trợ chính sách cho doanh nghiệp để có thể đóng góp nhiều hơn vào động lực tăng trưởng.

Đồng tình quan điểm này, bà Nguyễn Minh Tâm, đại diện Tiểu ban Nước giải khát VBA cho rằng, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ không chỉ tác động tới ngành đồ uống mà còn ảnh hưởng tới những ngành liên quan, như bán lẻ, bao bì, mía đường, vận chuyển, du lịch, …

"Việc tăng thuế đột ngột sẽ làm giảm sức mua của người tiêu dùng, gián đoạn hoạt động kinh doanh và ảnh hưởng hoạt động đầu tư của doanh nghiệp trong nhiều ngành. Điều này làm trầm trọng hơn những bất lợi và thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là khi Hoa Kỳ vừa áp mức thuế 46%", bà Tâm bày tỏ. 

Kiến nghị Quốc hội, Chính phủ giãn thuế, bà Tâm coi đây là biện pháp giúp doanh nghiệp và thị trường có thêm thời gian thích ứng, giảm thiểu tác động đột ngột đến người tiêu dùng và chuỗi cung ứng. Đồng thời, có thêm điều kiện đa dạng hóa danh mục hàng hóa, cải tiến quy trình sản xuất để tối ưu chi phí. 

Theo bà Tâm, thông thường cần khoảng 24 tháng để có nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm và triển khai đồng loạt tương ứng với điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và tài chính là khung thời gian phù hợp.

Ít liên quan tới thừa cân béo phì

PGS-TS Nguyễn Quang Dũng, Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Đại học Y Hà Nội cho biết, Việt Nam có xu hướng tăng về số người béo phì thời gian gần đây nhưng tỷ lệ béo phì vẫn nằm trong tầm kiểm soát và thuộc nhóm thấp khu vực Đông Nam Á.

Viện dẫn số liệu từ Liên đoàn Béo phì Thế giới 2022, ông Dũng thông tin, tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành Việt Nam khoảng 2% và ở trẻ em là khoảng 6,1%. Mức này xếp tương ứng thấp nhất và thấp thứ 4 tại Đông Nam Á.

So với một số quốc gia có điều kiện tương đồng, tỷ lệ béo phì ở trẻ em tại Việt Nam thấp hơn nhiều, chẳng hạn Malaysia là 18,32%, Indonesia là 10,78%.

Ông Nguyễn Duy Hưng, đại diện Tân Hiệp Phát. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Nguyễn Duy Hưng, đại diện Tân Hiệp Phát. Ảnh: Bảo Thắng.

Trên bình diện thế giới, tỷ lệ béo phì ở trẻ em của Việt Nam đứng thứ 137. So sánh với Mexico, quốc gia có khoảng 130 triệu dân, tỷ lệ béo phì ở trẻ em của quốc gia châu Mỹ là 17,57%, cao gần gấp 3 Việt Nam. Ngay cả một số quốc gia phát triển, với mức sống tốt hơn như Phần Lan, Vương quốc Anh... tỷ lệ cũng cao hơn khoảng 2 lần so với Việt Nam.

Thừa nhận thừa cân béo phì là một vấn đề nóng, cần giải quyết gấp, ông Dũng cũng chỉ ra 6 nguyên nhân chính gây ra tình trạng này. Đó là: khẩu phần ăn và dinh dưỡng; hoạt động thể lực kém; di truyền; vấn đề kinh tế - xã hội; ngủ ít; suy dinh dưỡng thấp còi lúc nhỏ.

"Việt Nam là một trong 10 nước được Quỹ dân số Liên Hợp Quốc xếp vào diện người dân lười vận động", chuyên gia đến từ Đại học Y Hà Nội chia sẻ. Đặc biệt, ở khu vực thành thị, chưa đến 1/3 số trẻ em từ 6-11 tuổi đạt mức khuyến nghị về hoạt động thể lực.

Nhiều nghiên cứu về dinh dưỡng đã chỉ ra, mất cân bằng năng lượng dẫn đến béo phì. Cụ thể, nếu tiêu thụ dư thừa khoảng 70Kcal (khoảng 1 quả trứng gà) mỗi ngày sẽ dẫn tới tăng cân, lâu ngày sẽ hình thành thừa cân béo phì. 

Ngành đồ uống hiện chưa phục hồi sản xuất như trước dịch Covid-19. Ảnh: BTC.

Ngành đồ uống hiện chưa phục hồi sản xuất như trước dịch Covid-19. Ảnh: BTC.

Một nghiên cứu tại TP.HCM cũng chỉ ra, lượng protein tiêu thụ ở trẻ béo phì cao hơn trung bình 150% mức khuyến nghị. Viện Dinh dưỡng quốc gia còn chỉ rõ, ngũ cốc, chất đạm, chất béo là những thực phẩm được sử dụng nhiều nhất ở nhóm đối tượng này.

"Có thể thấy các loại đồ uống lại có tần suất tiêu thụ thấp nhất ở các trẻ em thừa cân béo phì. Rõ ràng, vấn đề này do nhiều nguyên nhân phức tạp cấu thành. Không nên đơn thuần coi việc tiêu thụ đường hay một sản phẩm cụ thể nào là nguyên nhân của thừa cân béo phì", ông Dũng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Uỷ ban Quản trị, Đảm bảo hoạt động và Danh tiếng Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát bổ sung, hiện chưa có cơ sở khoa học khẳng định nước giải khát có đường là nguyên nhân chính gây ra thừa cân béo phì.

"Người tiêu dùng rất nhạy cảm với yếu tố giá nước giải khát. Việc áp thuế không chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp sản xuất mà còn tới hàng triệu người lao động thuộc chuỗi giá trị, từ người nông dân trồng nguyên liệu, công nhân, đại lý, nhà phân phối", ông Hưng bày tỏ.

Tại Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), cơ quan soạn thảo vừa mở rộng cơ sở tính thuế. Cụ thể, bổ sung nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế, với thuế suất 10%. Mục đích nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, giảm tình trạng thừa cân béo phì.

Khi nghiên cứu các tài liệu liên quan, VBA đánh giá, cơ quan soạn thảo chưa đánh giá toàn diện các tác động của việc áp dụng các quy định này. Việc áp thuế chưa đảm bảo mục tiêu về “ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân béo phì”, chưa hiệu quả về điều tiết hành vi tiêu dùng. 

Xem thêm
Cùng sinh viên kiến tạo con đường nông nghiệp hạnh phúc

THÁI NGUYÊN Ngày 2/4, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đã ký kết hợp tác toàn diện với Tập đoàn Tân Long với nhiều nội dung nội dung quan trọng, hỗ trợ sinh viên phát triển.

VRG ký kết hợp tác với Becamex và VSIP trên nhiều lĩnh vực

VRG vừa cùng Becamex, VSIP ký thỏa thuận hợp tác ba bên phát triển các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, năng lượng sạch... trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

5 dự án trọng điểm của TP.HCM sẽ hoàn thành trong năm 2025

Đó là Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, 2 nút giao An Phú, Mỹ Thủy và QL50 mở rộng, tổng mức đầu tư 24.300 tỷ đồng.

Bí kíp 'chốt đơn' 20 lô đất/tháng của nhà môi giới tại Hải Phòng

Bí kíp 'chốt đơn' và cơ duyên đến với nghề môi giới bất động sản của anh Nguyễn Văn Sen khá tình cờ và thú vị trong 'một lần mua đất bị hớ'.

Bình luận mới nhất