| Hotline: 0983.970.780

Vụ đông xuân 2018 - 2019: Vượt qua thời tiết bất thường

Thứ Tư 15/05/2019 , 06:45 (GMT+7)

Vụ đông xuân 2018 - 2019 diễn ra trong điều kiện mùa đông ấm, nhiều rủi ro về thời tiết bất thường. Tuy nhiên, thời điểm này, tại các địa phương, lúa đang phát triển tốt, dự kiến năng suất tương đối cao.

Một mùa vụ “đặc biệt”

Ngày 14/5, tại tỉnh Thái Bình, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị sơ kết sản xuất vụ đông xuân 2018 - 2019, triển khai kế hoạch vụ hè thu, vụ mùa và định hướng vụ đông 2019 các tỉnh phía Bắc.

Chia sẻ tại hội nghị, Thứ trưởng NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, các tỉnh đã và đang trải qua vụ đông xuân “đặc biệt” khi thời tiết khó khăn. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đã nhận diện bất lợi từ sớm nên có chỉ đạo sản xuất quyết liệt. Cùng với đó, do nhanh nhạy, sáng tạo trong gieo cấy, thời tiết không làm khó được người nông dân.

12-01-03_1_thu_truong_le_quoc_donh
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Mai Chiến.

Ông Nguyễn Văn Vương, Phó trưởng phòng Cây lương thực, cây thực phẩm (Cục Trồng trọt) cho biết, vụ đông xuân ấm đã ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Một số diện tích lúa phân hóa đòng, trỗ sớm gặp điều kiện nhiệt độ thấp đã ảnh hưởng năng suất, sản lượng lúa.

Tháng 2/2019, nhiệt độ trung bình tại khu vực Bắc bộ, Bắc và Trung Trung bộ phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm (3 - 5oC). Từ đầu tháng 3 đến nửa đầu tháng 4/2019 xuất hiện 5 đợt không khí lạnh. Trước thời gian này, mưa lớn cũng liên tiếp xảy ra ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất.

Trước những khó khăn, lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Cục Trồng trọt và các tỉnh đã phải quyết liệt hơn trong chỉ đạo sản xuất. Nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được chuyển giao tới người nông dân. Hệ thống thuỷ lợi, đê điều và hạ tầng đồng ruộng được đầu tư, nâng cấp. Nguồn nước cung cấp cho sản xuất tương đối thuận lợi, cơ bản không xảy ra tình trạng thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn.

12-01-03_3_dien_tich_nng_sut_sn_luong_lu_vu_dong_xun_2018_-_2019

Ông Phạm Văn Xuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, những năm qua, sản xuất công nghiệp của địa phương khá phát triển. Tuy nhiên, Thái Bình vẫn quyết tâm giữ diện tích đất hai lúa để giữ nghề truyền thống. “Tình trạng chung, thời tiết vụ đông xuân này không thuận lợi. Đầu vụ cây lúa phát triển chậm. Thời tiết tạo điều kiện cho nhiều loại sâu bệnh phát triển. Ngành nông nghiệp Thái Bình đã nắm bắt, tham mưu cho tỉnh kịp thời chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh cho lúa. Dự kiến năng suất lúa vẫn đạt 71 tạ/ha”, ông Xuyên cho hay.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình cho biết, diện tích lúa đang phát triển tốt và khá đồng đều. Diện tích đã trỗ khoảng 60 nghìn ha. Năng suất khả năng đạt cao ở mức 71,5 tạ/ha.

12-01-03_2_thm_qun_lu_giong
Đại biểu tham quan các giống lúa chất lượng cao. Ảnh: Mai Chiến.

Đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định cho biết, diện tích gieo trồng vụ đông xuân của địa phương này đạt 95,9 nghìn ha. Do đầu vụ có mưa lớn trên diện rộng khiến nhiều ha lúa bị ảnh hưởng sự sinh trưởng, phát triển. Tuy nhiên, do đảm bảo khung thời vụ, áp dụng tốt nhiều tiến bộ kỹ thuật nên năng suất dự kiến vẫn đạt khoảng 69 tạ/ha.

Cục Trồng trọt dự kiến xây dựng kế hoạch diện tích cây vụ đông 2019 vào khoảng 412 nghìn ha. Nhóm cây chủ lực vẫn là ngô, đậu tương, khoai lang, khoai tây, rau đậu…

Từ nay đến cuối vụ, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương tiếp tục tăng cường điều tra, dự tính dự báo chính xác, kịp thời các đối tượng sâu, bệnh hại. Đảm bảo đủ nước cho toàn bộ diện tích lúa để bảo đảm trỗ bông, chắc hạt, thuận lợi cho công tác BVTV. Huy động tối đa máy móc, phương tiện, nhân lực để thu hoạch nhanh gọn lúa đã chín theo phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”.
 

Đẩy sớm vụ hè thu

Đối với vụ hè thu, Cục Trồng trọt nhận định, thời tiết sẽ vẫn có những diễn biến khó lường. Khả năng xuất hiện 10 - 12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới vào Biển Đông. Trong đó có khoảng 4 - 5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền.

Vụ hè thu 2019, toàn miền Bắc dự kiến gieo cấy 1,2 triệu ha, giảm khoảng 11,9 nghìn ha so với năm 2018 do chuyển đổi sang các loại cây rau màu khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Cục Trồng trọt đề nghị các tỉnh cần hướng dẫn người dân chuẩn bị đất để gieo cấy càng sớm càng tốt. Tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật, làm tốt công tác bảo vệ thực vật, chủ động tưới tiêu và phòng chống thiên tai. Đồng thời khuyến khích sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao vai trò của các HTX.

12-01-03_4_ke_hoch_sn_xut_he_thu

Riêng vụ đông, Cục Trồng trọt nhận định, một số địa phương sản xuất chưa hiệu quả. Đặc biệt ở những nơi trồng muộn, phân tán, không chủ động tưới tiêu, thiếu đầu tư chăm sóc, thu hoạch muộn. Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa người dân với doanh nghiệp còn hạn chế, thông tin về thị trường nông sản chưa kịp thời, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh biểu dương các địa phương đã đảm bảo việc sản xuất dù gặp nhiều khó khăn về thời tiết. Tuy nhiên, vấn đề sâu bệnh, đặc biệt là bệnh bạc lá như tại huyện Bình Lục (Hà Nam), các địa phương phải lưu ý. Từ nay đến cuối vụ, các tỉnh không được chủ quan vấn đề này. Đồng thời tập trung thu hoạch “xanh nhà hơn già đồng”, tạo điều kiện làm đất triển khai vụ sau.

Thứ trưởng Doanh cũng nhấn mạnh, các địa phương cần làm tốt công tác thống kê, dự kiến năng suất, đảm bảo chính xác, không vì thành tích mà đưa ra con số quá cao so với kết quả thực tế khi thu hoạch.

Theo Cục Trồng trọt, tổng diện tích gieo cấy toàn vùng ước đạt 1,1 triệu ha, giảm khoảng 12 nghìn ha cùng kỳ năm trước. Diện tích giảm do chuyển đổi sang các loại cây rau màu và mục đích phi nông nghiệp. Năng suất lúa vụ đông xuân năm nay ước đạt 63,1 tạ/ha. Riêng các tỉnh Đồng bằng sông Hồng cao hơn, đạt 65,3 tạ/ha.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 3] Phát triển trang trại, gia trại

Bắc Kạn Chăn nuôi ở Bắc Kạn chuyển dần từ nông hộ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, gia trại, huy động doanh nghiệp có tiềm lực xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.