| Hotline: 0983.970.780

Vụ ô nhiễm nguồn nước: Vẫn chưa biết khi nào dân Thủ đô mới có nước sạch

Thứ Năm 17/10/2019 , 17:44 (GMT+7)

Công an Hòa Bình kêu gọi người dân tố giác để sớm tìm ra thủ phạm gây ô nhiễm nguồn nước. 

Họp báo thông tin về việc ô nhiễm nguồn nước sạch cung cấp cho TP Hà Nội

Chiều 17/10, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình tổ chức họp báo "Thông tin về việc ô nhiễm nguồn nước sạch cung cấp cho TP Hà Nội". Tham dự họp báo còn có đại diện Công an tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - môi trường, UBND huyện Kỳ Sơn và Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà.

Báo cáo của UBND tỉnh Hòa Bình tại họp báo về kết quả kiểm tra, làm rõ vụ việc đổ trộm dầu thải tại khu vực Nhà máy nước Sông Đà thể hiện: Ngày 16/10, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 11/QĐ-CSĐT về tội Gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235 Bộ luật hình sự. Công an huyện Kỳ Sơn kêu gọi người dân tố giác tội phạm để sớm tìm ra thủ phạm gây ô nhiễm nguồn nước. Về phía Công an tỉnh Hòa Bình, ông Nguyễn Hữu Đức, Phó giám đốc Công an cho biết đã chỉ đạo phòng nghiệp vụ phối hợp với Công an huyện Kỳ Sơn để sớm tìm ra đối tượng đổ trộm dầu thải.

Theo thông tin các cơ quan cung cấp, sự việc bắt đầu từ việc có dấu hiệu đổ dầu nhớt thải trộm tại khu vực đầu nguồn nước ở xóm Mon, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình, cách Nhà máy nước mặt sông Đà khoảng 5km.

Dầu thải tràn từ mặt đường xuống khe suối Trầm, theo suối Trầm dẫn vào hồ Đầm Bài là khu vực trữ nguồn nước đầu vào cho nhà máy, tiếp tục chảy vào nguồn nước qua hệ thống xử lý nước của nhà máy, rồi chảy vào hệ thống phân phối đến người dân ở các vùng Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân của Hà Nội.

Kết quả xét nghiệm cho thấy theo quy chuẩn Việt Nam 01:2009 của Bộ Y tế ban hành về chất lượng nước ăn uống, hàm lượng styren trong nước đã cao hơn mức quy định tối đa 20μg/l từ 1,3-3,65 lần.

Sau khi sự việc xẩy ra, Công ty nước sạch Sông Đà (Viwasupco) đã tạm dừng cấp nước trong hai ngày 15 và 16/10 để xử lý bước đầu, và vừa cung cấp nước trở lại cho khu vực Tây nam Hà Nội vào tối 16/10.

Công an đang truy tìm thủ phạm.

Cũng trong ngày 16/10, Sở Tài nguyên Môi trường Hòa Bình phối hợp với đoàn công tác do Cục bảo vệ môi trường miền Bắc chủ trì tiếp tục khảo sát hiện trường đường liên xã Hợp Thịnh - Phúc Tiến - Phú Minh nơi có đổ dầu thải, các suối trong khu vực, điểm hợp lưu của suối Bằng và hồ Đầm Dài, điểm lấy nước thô dầu của công ty, làm việc trực tiếp với Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà về vụ việc, tiến hành lấy mẫu đánh giá chất lượng nước, trầm tích dọc theo suối và kênh...

Sau khi vớt hết váng dầu ngày 10/10, lòng suối được rải khoảng 1 tấn than hoạt tính. Tuy công ty đã đã tiến hành thu gom, nạo vét nhưng phần còn lại vẫn chưa được xử lý bóc tách hết lớp đất nhiễm dầu. Hiện tại, Công an huyện Kỳ Sơn đã niêm phong 5 can chứa váng dầu lẫn nước. Số can này được lưu giữ tại khu chứa chất thải nguy hại của công ty.

Ông Nguyễn Hoàng Thư, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Hòa Bình cho biết sau khi phát hiện sự cố đổ dầu trộm hôm 9/10, nhà máy nước Sông Đà đã báo cho Công an xã Phúc Tiến, công an xã sau đó báo cho Công an huyện Kỳ Sơn và rải cát toàn bộ mặt đường có dính dầu, khoanh vùng dầu chảy tràn trên bề mặt suối và thu gom dầu, nước dính dầu, cây cỏ dính dầu.

Khối lượng thu gom khoảng 100l váng dầu lẫn nước, 7 bao tải cỏ dính dầu khoảng 60kg, được lưu giữ trong kho chứa chất thải nguy hại tại nhà máy, khoảng 3-4m3 cát dính dầu đã được chôn lấp tạm thời trong khuôn viên nhà máy, thành và đáy hố được lót bạt nhựa, trên mặt phủ đất.

Trong khi đó, ông Nguyễn Khắc Long, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Hòa Bình khẳng định: Hiện váng dầu giờ không còn nhiều, nhưng dưới suối còn mùi khét, một số chỗ vẫn có váng dầu. Ngoài các váng dầu trên mặt, còn một số hợp chất lơ lửng trong nước, bám dính cây cỏ, đất đá. Nhà máy cần có biện pháp xử lý nguồn nước dính dầu...

Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Giám đốc công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà cho biết doanh nghiệp này đã thuê Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam, đơn vị đủ năng lực xử lý sự cố, để nạo vét tất cả váng dầu đầu vào. Ngày 16/10 công ty đã súc xả hệ thống và cấp nước lại, Trung tâm bệnh tật Hà Nội có đến lấy mẫu kiểm tra nhưng chưa có kết quả. UBND TP Hà Nội chưa cho phép công ty công bố nước đủ tiêu chuẩn ăn uống. Khi nào có kết quả xét nghiệm mẫu nước lấy ngày 16/10 sẽ công bố cho báo chí.

Đại diện Viwasupco cho biết việc kiểm tra chất lượng nước đầu vào được xét qua 3 chỉ tiêu A, B, C. Tuy nhiên, việc xét nghiệm với chỉ tiêu B,C mất nhiều thời gian nên công ty mới có kết quả xét nghiệm chỉ tiêu A trong nước ngay sau khi xảy ra sự việc. Nước khi được xử lý ở nhà máy vẫn đảm bảo chất lượng nên công ty vẫn quyết định cung cấp cho người dân sử dụng.

Về chất lượng nước đang cấp ra cho người dân Hà Nội hiện nay, Phó giám đốc công ty Viwasupco cho biết công ty khuyến cáo người dân dựa trên khuyến cáo của UBND TP Hà Nội. Hiện, công ty vẫn chưa nhận được kết quả xét nghiệm gần nhất của Sở Y tế Hà Nội nên chưa dám khẳng định là chất lượng nước hiện trường đã đảm bảo cho việc ăn uống.

Sáng 17/10, sau khi có quyết định cấp lại nước cho người dân Thủ đô, công ty vẫn đưa ra khuyến cáo người dân chỉ nên sử dụng nước để tắm rửa, không nên dùng để ăn uống. Lãnh đạo công ty chưa thể đưa ra mốc thời gian cụ thể để người dân có thể yên tâm sử dụng nước cho mọi sinh hoạt hàng ngày.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm