Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã thông tin, vào khoảng 3h 10 phút sáng 4/7, trên tuyến đường 513, khu vực đầu cầu Yên Hòa (xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia) xảy ra vụ sạt lở đường khiến 5 người đang đi trên 3 xe máy rơi xuống hố và bị đất đá vùi lấp, mắc kẹt. Hậu quả, 2 người chết tại chỗ, 2 người khác bị thương.
Trước đó, do ảnh hưởng của bão số 2, từ chiều ngày 3/7, khu vực tỉnh Thanh Hóa có mưa to đến rất to. Lượng mưa tính đến 7 giờ ngày 4/7 phổ biến từ 40 - 100mm, riêng đối với khu vực phía Nam của tỉnh từ 100 - 300mm, một số nơi có mưa rất to như: Tĩnh Gia 365,3mm, Như Xuân 197mm, Chuối 192mm, Triệu Sơn 151,8mm, Thọ Xuân 143mm, TP.Thanh Hóa 122,9mm, Lèn 123mm; cục bộ tại xã Mai Lâm và Hải Thượng huyện Tĩnh Gia lượng mưa đo được 440mm.
Hiện trường vụ sạt lở khiến 2 người chết, 2 người bị thương |
Theo Báo cáo ngày 4/7/2019 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, do mưa lớn, lưu lượng về các hồ tăng đột biến. Lúc 2 giờ 20 phút ngày 4/7 mực nước hồ cách đỉnh đập hồ Đồng Chùa (xã Hải Thượng) 20cm và có nguy cơ tràn qua đỉnh nên đã phải vận hành xả lũ (dung tích hữu ích 1,26 triệu m3, tràn xả sâu bằng van cung).
Ông Nguyễn Văn Thi – Giám đốc Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp Thanh Hóa cho biết, bước đầu, lực lượng chức năng nhận định, nguyên nhân dẫn đến sự cố sạt lở đường là do mưa lớn, kết hợp với việc hồ Đồng Chùa (xã Hải Thượng, huyện Tĩnh Gia) xả lũ, nên lượng lớn nước chảy về tràn qua mặt đường tỉnh lộ 513. Cùng với đó, dòng chảy của sông Yên Hòa bị thay đổi, nên nước xối trực diện vào khu vực tiếp giáp với chân cầu Yên Hòa, gây sạt lở.
Tuy nhiên, dư luận địa phương cho rằng, lượng mưa và lượng nước hồ Đồng Chùa xả chưa đủ để khiến mặt đường bị sạt lở nghiêm trọng. Nguyên nhân có thể do chất lượng công trình không đảm bảo dẫn đến sự cố(?).
Nguyên nhân sạt lở có phải do thiên tai? |
Theo ông Thi, trước thời điểm xảy ra sự cố, đơn vị vẫn thường xuyên kiểm tra tuyến đường nhưng không nhận thấy điều gì bất thường. Sau khi sự cố xảy ra, cơ quan điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã vào cuộc để điều tra, làm rõ.
Được biết, công trình cầu Yên Hòa và tuyến đường Hải Hà - Nghi Sơn (nơi xảy ra sự cố) được xây dựng hợp phần 1 vào năm 2000, do Sở GTVT Thanh Hóa làm chủ đầu tư.
Đến năm 2014, được sự đồng ý của UBND tỉnh Thanh Hóa, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp đã tiến hành xây dựng hợp phần 2 cầu Yên Hòa theo thiết kế của hợp phần 1 (hướng mở rộng về phía hạ lưu). Ngoài ra, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp cũng cho thảm nhựa mặt đường cũ nối cầu Yên Hòa với tuyến đường ven biển.