| Hotline: 0983.970.780

Vùng nguyên liệu là nền tảng của chuỗi cung ứng

Thứ Năm 10/06/2021 , 16:54 (GMT+7)

Ngoài việc đề cao vai trò của vùng nguyên liệu, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam còn nhấn mạnh vai trò của các nhà bán lẻ trong việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu tại buổi gặp mặt Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam sáng 10/6 tại trụ sở Bộ NN-PTNT. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu tại buổi gặp mặt Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam sáng 10/6 tại trụ sở Bộ NN-PTNT. Ảnh: Bảo Thắng.

"Vùng nguyên liệu chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và dịch bệnh chính là mấu chốt trong việc xây dựng chuỗi cung ứng nông sản. Tôi biết, nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam bây giờ đã phát triển công nghệ tới tầm thế giới. Cái chúng ta thiếu, chỉ là vùng nguyên liệu và các cách thức gắn kết", Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu trong buổi gặp cỡ các nhà bán lẻ Việt Nam sáng 10/6, tại trụ sở Bộ NN-PTNT.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Bộ NN-PTNT hiện đang thí điểm nhiều vùng nguyên liệu trên khắp cả nước, gồm: chanh leo, dứa tại tỉnh Sơn La, trồng rừng tại tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, cà phê hữu cơ tại tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, trồng rau, cây ăn quả xuất khẩu tại tỉnh Long An, Đồng Tháp, và lúa chất lượng cao ở tỉnh Kiên Giang, An Giang.

Song song với đó, Bộ NN-PTNT đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi không chỉ để phục mục đích xuất khẩu mà còn để người tiêu dùng trong nước truy xuất nguồn gốc.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam tin tưởng, với tổng diện tích vùng nguyên liệu lên tới 26.000 ha, ngành nông nghiệp đủ năng lực để cung ứng cho thị trường.

Đầu tuần này, Bộ NN-PTNT phát động chương trình hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản cùng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Với khẩu hiệu, "Nâng niu giá trị nông sản Việt - Kết nối nông sản - San sẻ yêu thương - Vượt qua đại dịch”, Bộ liên tục tham vấn các tổ chức chính trị, xã hội để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Ngoài vấn đề lâu dài liên quan tới vùng nguyên liệu, Bộ NN-PTNT còn hướng mũi nhọn vào hợp tác xã. Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, quỹ đất sản xuất nông nghiệp hiện không có nhiều.

Do đó, ông đề nghị mỗi vùng nguyên liệu cần gắn chặt với một hợp tác xã, nhằm đảm bảo được nguồn cung ứng nông sản. 

"Chúng ta còn nhiều khó khăn, nên trước mắt cần tiếp tục xây dựng từ những cái tốt, có sẵn. Bộ NN-PTNT giao Văn phòng Bộ và Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản phối hợp cùng Hiệp hội các nhà bán lẻ, đề ra những kế hoạch cụ thể, chi tiết từ giờ đến cuối năm. Giờ là lúc chúng ta phải hành động", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Lấy dẫn chứng về khoai lang tím Nhật đang không tìm được đầu ra tại tỉnh Vĩnh Long, Thứ trưởng Trần Thanh Nam kêu gọi các hợp tác xã liên kết chặt chẽ với các nhà bán lẻ. Ông cũng đề xuất, hai bên cần giữ liên lạc, và thảo luận kỹ càng trước khi vào vụ sản xuất nông sản. 

Một giải pháp nữa được Thứ trưởng Trần Thanh Nam đưa ra, là thành lập những câu lạc bộ hoạt động thường xuyên, kết nối giữa hợp tác xã, doanh nghiệp. Bộ NN-PTNT sẵn sàng làm đầu mối cho những câu lạc bộ này để sớm tạo ra các chuỗi cung ứng, an toàn thực phẩm.

Cục trưởng Cục trồng trọt Nguyễn Như Cường bổ sung thêm, các bên nên ký kết hợp đồng mua bán thay vì giao kèo bằng miệng như truyền thống. Dựa trên số liệu Cục Trồng trọt cung cấp hàng tháng, hàng quý, cả doanh nghiệp lẫn hợp tác xã đều có thể tính toán chính xác về thời vụ. Vì thế, hợp đồng sẽ làm rõ được vai trò của các bên.

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung cho rằng các nhà bán lẻ lưu ý tới mã số vùng trồng. "Nếu cần, doanh nghiệp yêu cầu ngược lại phía địa phương, hoặc hợp tác xã. Mã số vùng trồng là một cách để kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện Cục đã tham mưu cho Bộ, để chuẩn bị đưa mã số vùng trồng vào trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới", ông Trung bày tỏ.

Chủ tịch Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu. Ảnh: Bảo Thắng.

Chủ tịch Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu. Ảnh: Bảo Thắng.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cảm ơn Bộ NN-PTNT đã tạo điều kiện để phía hiệp hội được trao đổi thông tin hai chiều. Bà cảm thông với những vất vả của bà con nông dân, của các hợp tác xã do chịu ảnh hưởng của đại dịch của Covid-19, và nhấn mạnh: "Cùng một công sản xuất, làm thế nào để người tối đa được hiệu quả và lợi nhuận".

Bà Hậu nhận định, một trong những yếu tố giúp nông sản Việt đến gần hơn với người tiêu dùng là marketing. Theo số liệu của Hiệp hội các nhà bán lẻ, tỷ trọng nông sản vào trong các chuỗi siêu thị, cửa hàng còn khiêm tốn, chỉ khoảng 20-30%. Phần đông người nông dân tìm cách bán trực tiếp cho người mua qua các chợ đầu mối.

"Cửa vào siêu thị cho nông sản Việt còn khá hẹp, trong khi đó lại là bệ phóng để xuất khẩu và khẳng định chất lượng. Có lẽ, chúng ta cần thông tin nhanh chóng, kịp thời hơn tới người nông dân", bà Hậu nói.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần lương thực Bình Minh, bà Phạm Thị Hà Anh cho rằng vấn đề với công ty bà nằm ở nền tảng sản xuất.

"Người nông dân chỉ giỏi sản xuất thì không thể tiếp thị sản phẩm tốt bằng những nhà phân phối. Tương tự vậy, công ty chúng tôi chỉ nên tập trung vào việc tiếp cận thị trường nước ngoài, thay vì phải giải quyết những vấn đề liên quan tới mã số vùng trồng", bà phân tích.

Theo bà Hà Anh, từng đơn vị trong chuỗi cung ứng sản xuất cần phải được chuyên biệt hóa, và "làm việc nào mình giỏi nhất". Bà tin nông sản Việt không thua kém gì các nước trên thế giới, và đủ sức cạnh tranh ở những thị trường khó tính nhất.

Ghi nhận ý kiến từ phía những nhà bán lẻ, Thứ trưởng Trần Thanh Nam hứa sẽ xây dựng chiến lược nâng cao năng lực chế biến cho ngành nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT đang xúc tiến xây dựng những trung tâm chế biến tại một số tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Quảng Ninh để thay thế dần vai trò của chợ đầu mối.

"Bộ NN-PTNT lúc này không thể đầu tư nhỏ lẻ mà chỉ tập trung vào một vài khu vực trọng điểm. Mục đích của chúng tôi, là giúp bà con nông dân gây dựng niềm tin cho doanh nghiệp. Có như vậy, ngành mới chuyển được từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp", Thứ trưởng Trần Thanh Nam kết luận.

Xem thêm
Bầu bổ sung 4 Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13

Trung ương bầu bổ sung ông Lê Minh Hưng, Đỗ Văn Chiến, Nguyễn Trọng Nghĩa và bà Bùi Thị Minh Hoài vào Bộ Chính trị.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Cần có các giải pháp tiếp cận thị trường nông sản tổng quan hơn'

Đây là ý kiến kết luận của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Trưởng Ban Chỉ đạo chất lượng, ATTP và phát triển thị trường, tại phiên họp lần thứ nhất của ban.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dự án hơn 200 tỷ đồng bị hư hỏng phần kè do thi công ẩu

Hạng mục công trình kè biển chắn sóng chạy dọc đường ven biển huyện Hoằng Hóa chưa bàn giao đã xuống cấp. Nguyên nhân do chất lượng công trình không đảm bảo.